Khốn khổ vì không hộ khẩu

09/12/2010 00:02 GMT+7

Chỉ vì không hộ khẩu, thêm một gia đình đã lưu trú hàng chục năm nay tại TP.HCM gặp nhiều khổ lụy.

Gia đình “3 không”

Sáng 6.12, anh Nguyễn Ngọc Cảnh, tạm trú tại P.13, Q.11, TP.HCM, đã đến tòa soạn Báo Thanh Niên trình bày việc gia đình mình, đặc biệt bản thân anh, từ nhiều năm nay gặp rất nhiều khó khăn do không có hộ khẩu.

Theo anh Cảnh, mẹ anh - bà Nguyễn Thị Quý (sinh năm 1954, quê ở Bình Định) lưu lạc vào Vũng Tàu từ năm lên mười, sống lang thang rồi trôi dạt về TP.HCM. Do thất lạc từ nhỏ nên bà Quý chẳng nhớ gì về quê hương cũng như những người thân thích. Sau giải phóng, bà Quý tiếp tục rày đây mai đó, làm thuê làm mướn. Năm 1984, bà Quý gặp một người đàn ông và sinh 2 con là Nguyễn Thị Thiên Nga (sinh năm 1985) và Cảnh (sinh năm 1987). Rồi cha Cảnh bỏ đi. Không nhà cửa, không hộ khẩu, không một mảnh giấy lận lưng, cả gia đình bà Quý sống lây lất ở khu vực chợ Thiếc (Q.11, TP.HCM). Chị em Cảnh lớn lên trong điều kiện như vậy nên phải chịu nhiều thiệt thòi, từ cái ăn, cái mặc, đến cả nơi trú thân sau mỗi ngày “đầu đường xó chợ”.

Và ước mơ đơn giản

Năm 2003, sau một thời gian bỏ học khi vừa hết lớp 6, Cảnh được Mái ấm Tre Xanh (Q.1, TP.HCM) - nơi nuôi dạy các trẻ có hoàn cảnh cơ nhỡ, đón nhận. Vào đây, Cảnh và các bạn trẻ tiếp tục được học thêm kiến thức và các kỹ năng sống để hòa nhập cộng đồng. Năm 2005, cảm thông với hoàn cảnh của Cảnh, Ban giám đốc khách sạn Omni (hiện nay là Movenpick, 253 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tiếp nhận anh vào làm việc. Với vốn tiếng Anh kha khá, công việc và thu nhập của Cảnh từ đó tạm ổn. Cũng nhờ vậy, từ năm 2005, gia đình Cảnh không còn rày đây mai đó nữa mà thuê được một phòng trọ chừng 4m2 tại Q.11 để tá túc. Thế nhưng, vào lúc Cảnh và chị gái đã bước vào tuổi trưởng thành, thì vấn đề không hộ khẩu càng gây khó khăn cho gia đình này nhiều hơn nữa. “Do không có giấy tờ nên việc trả lương qua thẻ ATM như mọi người không tiến hành được mà riêng tôi phải nhận bằng tiền mặt, rồi sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế tôi cũng không có, ngay số điện thoại di động tôi cũng phải nhờ người khác đứng tên. Mẹ tôi thì không nói gì rồi, còn chị Nga của tôi xin việc ở đâu cũng không ai nhận cả, giờ chỉ đi bán vé số…” - Cảnh cho biết.

Cũng theo anh Cảnh, mấy năm trước gia đình anh đã tiến hành làm thủ tục nhập hộ khẩu nhưng do không có nguồn gốc nên không làm được. Anh Cảnh nói: “Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm xem xét giúp gia đình tôi có hộ khẩu để có một cuộc sống bình thường như bao người khác”.

Từ sự can thiệp của PV Thanh Niên:
Hai thanh niên đã làm được giấy khai sinh

Sau loạt bài Công dân không quốc tịch đăng trên Báo Thanh Niên, bà Huỳnh Liên (B131/12, Xóm Chiếu, P.16, Q.4, TP.HCM) đã đến tòa soạn trình bày việc bà sinh được năm đứa con, ba đứa đầu đã có giấy khai sinh và đã đăng ký hộ khẩu, còn hai đứa sau do hoàn cảnh gia đình có nhiều biến cố nên đến nay vẫn chưa làm được giấy tờ tùy thân.

PV Thanh Niên đã liên lạc với Phòng Tư pháp Q.4 (TP.HCM) để can thiệp và ngày 2.12.2010, Báo Thanh Niên đã nhận được công văn phản hồi số 145/CV-UB của UBND P.16 (Q.4, TP.HCM) cho biết: Đã hướng dẫn bà Liên lập hồ sơ và nộp về UBND phường về việc đăng ký khai sinh quá hạn cho các con của bà là Huỳnh Tấn Phước (sinh ngày 25.3.1980) và Huỳnh Mỹ Phụng (sinh ngày 12.2.1982). Vào ngày 27.11.2010, UBND P.16 đã cấp giấy khai sinh cho các con của bà Huỳnh Liên có tên trên theo đúng quy định của pháp luật về hộ tịch.

Hoàng Tạo

Bùi Chiến 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.