Khí phách chiến binh - khí phách thanh niên

21/12/2004 22:26 GMT+7

Chính thức thành lập giữa rừng Trần Hưng Đạo ngày 22/12/1944, Quân đội Nhân dân Việt Nam nay tròn 60 tuổi. 60 năm mà đến 45 năm ngày đêm trên hỏa tuyến.

Đương nhiên, là quân đội, nhiệm vụ số một, theo giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “kẻ thù nào cũng đánh thắng”, song một quân đội “từ nhân dân mà ra” được Đảng Cộng sản tổ chức và chỉ đạo, thừa kế truyền thống đánh giặc giành nước, giữ nước của cha ông, Quân đội Nhân dân Việt Nam, dù khi mang tên Giải phóng quân, Quân đội quốc gia Việt Nam, Vệ quốc quân, hay có thời gian, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam... đều thuộc đội ngũ những người Việt Nam ưu tú. Chẳng những giỏi việc chiến chinh mà còn nổi bật như nòng cốt của xã hội trong mọi mặt đời sống, đặc biệt về nhân phẩm. Từ đổi mới đến nay, súng vẫn chưa rời khỏi tay, người lính luôn có mặt trên đủ loại công trường, kể cả khai phá nơi vùng biên ải xa xôi, vùng núi cao, vùng hải đảo giữa biển khơi. Một ví dụ khá điển hình: xưa “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mở lối băng rừng vượt suối, tạo một đường mòn đã đi vào huyền thoại, nay đổ mồ hôi mở đại lộ Hồ Chí Minh, cũng vượt chừng ấy đèo và vực để cho đất nước có hai tuyến huyết mạch xuyên quốc gia cùng song hành, vì sự nghiệp cả quốc phòng lẫn kinh tế, vì sự giàu mạnh cả vật chất lẫn văn hóa của đất nước và nhân dân.

Con người và tấm gương anh hùng của quân đội đông đặc thành một bộ sử vĩ đại, chính sử và sử thi vĩ đại nhất của dân tộc ta từ ngày lập quốc.

Niềm kiêu hãnh ấy không chỉ là chuyện kể hay ngụ ngôn mà hiển hiện trong đời sống khắp nơi trên đất nước chúng ta, không đâu không có dấu vết của người lính đánh giặc, giúp dân, bảo vệ dân. Cũng không chỉ là dấu vết, các thế hệ quân đội cách mạng nối tiếp nhau như những nhân vật hiện đại đang sống và lao động với mọi người, đang là thành viên của xã hội, đâu ít các chiến binh trong các tổ chức dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các đoàn thể, các viện khoa học, trên bục giảng các trường, trên mặt trận văn hóa, báo chí, thậm chí, ngoại giao. Những cựu chiến binh làm công việc hơn người lính thời Trần “kể chuyện Nguyên Phong”, tức kể chuyện đánh giặc Mông vào năm Nguyên Phong 1257, mà kể luôn chuyện thời sự hằng ngày, trong đó, có chất nhiệt tình: “Hỏi tuổi, tuổi khuyên nên chống gậy; hỏi lòng, lòng nhủ hãy cầm roi”. Còn chiến binh tại ngũ, dù hằng ngày sống trong doanh trại và rèn luyện ở thao trường, vẫn là công dân tiên tiến vì an bình cho mỗi nhà, xả thân cứu hộ lúc thiên tai, lặn lội trong xóa đói giảm nghèo, kiên cường trong bắc cầu đắp lộ, tận tình mang cái chữ đến rẻo cao, nêu tấm gương trung thực, khẳng khái trong giao tiếp... Những chiến binh tại ngũ, kể cả khi chỉ thực hiện nghĩa vụ theo quy định, hoặc những sĩ quan chọn đời lính làm sự nghiệp suốt đời, đều chuyên cần nâng cao tri thức, đáp ứng yêu cầu xây dựng một quân đội hiện đại...

Tất cả những điều vừa kể trên - chắc chắn không sao kể đủ - là khí phách của chiến binh. Như vậy, thanh niên Việt Nam hiện nay đang có một kho tài liệu sống với đủ tình tiết, và nói một cách văn học, đầy “kịch tính” cả thời chiến lẫn thời bình để soi rọi. Không phải ở đất nước nào thanh niên cũng có hạnh phúc đó.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tổ chức cách mạng của thanh niên không phải khó khăn lắm để tìm những mẫu người lý tưởng. Chúng ta đồng ý rằng mỗi thời kỳ sản sinh những con người với đặc tính riêng của thời kỳ đó, nhưng quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam có mẫu số chung, mẫu số phản ánh cái cốt lõi của con người Việt Nam. Cho nên, kỷ niệm ngày thành lập quân đội, những người thanh niên, có thể không phải ai cũng sẽ trải qua quân ngũ, tìm trong quân đội cái khí phách của người thanh niên Việt Nam trong chiến đấu và trong đời sống bình thường...

Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.