Hành trình “rửa” nguồn gốc rau quả - Bài 1: Hàng Trung Quốc tại chợ đầu mối

17/11/2009 23:43 GMT+7

Tại các siêu thị, chợ ở TP.HCM, rau củ quả, trái cây Trung Quốc được bày bán khá nhiều. Tuy nhiên, người tiêu dùng khó có thể nhận biết được nguồn gốc do phần lớn mặt hàng này đã bị "nâng cấp", “đội lốt” hàng Việt Nam hoặc các nước khác... Nghe đọc bài

Trong thời gian dài đi thực tế tại chợ đầu mối nông sản TP.HCM, PV Báo Thanh Niên đã phát hiện ra những trò đánh lừa khách hàng về nguồn gốc rau quả trong nhiều năm qua.

Đêm ở vựa rau quả

Trong vai chủ siêu thị trái cây mới thành lập, chúng tôi đến chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - nơi được xem là vựa rau củ quả, trái cây nội và ngoại nhập lớn nhất nhì TP.HCM, để tìm mối cung cấp hàng dài hạn.

Khoảng 23 giờ một ngày của tháng 11.2009, cả khu chợ rộng lớn đông nghẹt người và xe, đèn sáng choang như ban ngày. Lúc này, tại khu vực bán trái cây, đặc biệt là khu hàng ngoại nhập, hàng trăm xe đẩy tay vây quanh những container để chờ bốc hàng, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp. Như một dây chuyền khép kín, hàng vừa đưa ra khỏi container là được chuyển ngay về các quầy, sạp tại chợ; hoặc giao tận tay cho các thương lái, đại lý để chất hàng lên xe nhỏ rồi nhanh chóng tỏa đi các chợ trên địa bàn TP, trước khi đến tay người tiêu dùng. Càng về khuya, hàng trái cây đông lạnh ngoại nhập về càng nhiều, với đủ loại thùng giấy in hình quả táo, cam, lê, quýt... chất thành từng đống cao quá đầu người. Hàng nào chưa phân phối được đưa vào các kho lạnh để bảo quản, trước khi được bán ra.

Cà rốt Trung Quốc chen lẫn cùng hàng rau củ quả VN - Ảnh: Minh Nam

Quan sát những thùng hàng, chúng tôi nhận thấy trái cây nhập phần lớn là hàng Trung Quốc. Tất cả, từ thùng chứa hàng bằng carton cho tới băng dính dán trên đều in bằng tiếng Hoa. “Hàng Trung Quốc rành rành vậy chớ khi vào chợ, anh không còn nhận ra nó nữa đâu, vì được gắn toàn mác Mỹ, Thái, New Zealand... không hà!”, T. một nhân viên xe đẩy tay tiết lộ, khi chúng tôi lân la hỏi về xuất xứ những thùng hàng mà anh đang đưa về sạp. Cũng theo T., hầu hết hàng ở đây được nhập thẳng của thương lái Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Bước vào khu vực bán trái cây ngoại nhập, dưới ánh đèn sáng trưng, trái cây Trung Quốc nổi bật so với hàng các nước khác bởi hình thức đẹp, to, trông rất bắt mắt, giá lại rẻ. Khi được hỏi về nguồn gốc các mặt hàng trái cây nhập khẩu, một số tiểu thương thừa nhận, hàng ngoại ở đây toàn là của Trung Quốc. Nhiều nhất là nho xanh không hạt (giá từ 84.000 - 90.000 đồng/7 kg), nho sữa (100.000 – 110.000 đồng/7 kg), nho đỏ (100.000 – 120.000 đồng/4,5 kg), hồng giòn (130.000 đồng/13 kg)... “Trong đó, tui nghi chắc có chất làm ngọt, chất bảo quản được lâu... nhưng đến giờ cơ quan chức năng vẫn chưa xác định là chất gì, độc hại đến mức nào và vẫn cho nhập thoải mái, nên tụi tui vẫn bán thôi!”, chị L. - chủ một quầy bán trái cây ngoại nhập phán đoán.

Tương tự, ở khu vực bán rau củ quả, ngoài hàng Việt Nam thì hàng Trung Quốc vẫn chen chân vào khá nhiều, trong đó nhiều nhất là cà rốt, khoai tây, bông cải trắng, củ hành trắng, tỏi, hành tím... Chỉ tay về những đống hàng rau củ quả Trung Quốc sau khi được lấy ra từ những thùng carton, trên đó có ghi rõ “Made in China”, chị T., nhân viên sạp rau củ quả T.L, tiết lộ: “Sau khi mua hàng về, tiểu thương ở các chợ thường trộn lẫn rau củ quả Trung Quốc vào hàng Việt Nam cùng loại để bán lại cho người tiêu dùng. Nếu tinh ý, người đi chợ sẽ thấy cái nào là hàng Trung Quốc, chẳng hạn như cà rốt, củ hành trắng, tỏi... đều có hình dáng to, màu sắc tươi, đẹp hơn hàng Việt Nam rất nhiều”.

Tại quầy bán khoai tây T.B, chỉ tay về 7 thùng hàng đang được bày bán, ông H., chủ quầy, không hề giấu giếm: “Chỉ có 2 loại là khoai tây Đà Lạt, còn lại đều là hàng Trung Quốc. Giá khoai tây Đà Lạt 25.000 đồng/kg, còn Trung Quốc rẻ hơn, chỉ có 12.000 đồng/kg”. Ông H. còn chỉ chúng tôi cách phân biệt: Tuy cùng một giá nhưng khoai tây Trung Quốc tại quầy này có đến 5 loại, màu sắc khác nhau; có loại còn có cả đất bám trên vỏ. Thấy chúng tôi thắc mắc khoai tây Trung Quốc to, đẹp hơn khoai Đà Lạt sao lại có giá rẻ hơn, thì ông H. nói: “Khoai Đà Lạt tuy nhỏ nhưng xào, nấu, chiên đều ngon hơn khoai Trung Quốc!”.

Kiểm tra... cho có

Quýt và hồng Trung Quốc được bốc xuống từ container đông lạnh - Ảnh: Minh Nam

Theo Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, tổng sản lượng rau củ quả, trái cây nhập ngoại về chợ khoảng 3.000 tấn/ngày. Chỉ tính riêng ngày 14.11, chợ này nhập khoảng 192 tấn rau, củ Trung Quốc và gần 1.300 tấn trái cây nhập ngoại, trong đó từ 70 - 80% xuất xứ Trung Quốc. Như vậy, chưa kể các chợ đầu mối khác, chỉ riêng tại chợ nông sản Thủ Đức, tính sơ cũng thấy hằng ngày, rau củ quả, trái cây Trung Quốc chiếm gần một nửa! 

Tại các chợ, ngoài trái cây, rau củ quả của Việt Nam, còn có nhiều loại trái cây “liên hợp quốc” được bày bán, nên càng dễ cho hàng Trung Quốc trà trộn, dẫn đến gây nhầm lẫn cho khách hàng. Chẳng hạn, cam vỏ màu cam của Trung Quốc vừa rẻ (khoảng 8.000 đồng/kg) vừa rất giống với cam Mỹ (12.000 - 15.000 đồng/kg) nên thường được người bán trà trộn hoặc rao là cam Mỹ để dễ bán; rồi nho, quýt nhỏ (màu cam đậm) hiện đang được ưa chuộng vì giá cả vừa phải mà trái nào cũng ngọt... đều là hàng Trung Quốc nhưng “đội lốt” Thái Lan, Việt Nam...

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tất cả hàng trái cây, rau củ quả Trung Quốc đã được các thương lái lo toàn bộ khâu kiểm định tại cửa khẩu, sau đó hàng được chở về chợ và không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, kiểm dịch gì. Một cán bộ Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết, mỗi đêm Ban quản lý chợ và Chi cục Bảo vệ thực vật lấy khoảng 10 mẫu để kiểm tra, phân tích nhanh, nhưng chủ yếu chỉ là phương pháp định tính. Kết quả chỉ có 2-3% có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. “Tuy nhiên, kết quả phân tích định tính này rất khó xử lý được, vì không đủ cơ sở pháp lý, chủ yếu chỉ kiểm tra để... biết mà ngăn ngừa thôi. Nếu phân tích định lượng, thì kết quả mới chính xác, nhưng phải chờ rất lâu”, vị cán bộ này nói. Tuy nhiên, xét cho cùng việc kiểm tra cũng chỉ... cho có, bởi khi có kết quả lượng thuốc vượt mức cho phép, quay lại thì hàng cũng đã bán đi tứ tung rồi, biết đâu mà thu hồi!

Một chuyên gia trong lĩnh vực phân tích dư lượng hóa chất cho biết: “Hiện nay chưa thể test được những chất hóa học được ướp tẩm vào trong hoa quả, chất giữ tươi... nên vẫn chưa thể kết luận được chúng độc hại như thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, ai cũng ngầm hiểu là chúng không hề tốt cho sức khỏe”. Qua các đợt thanh tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ, cơ quan chức năng chủ yếu phát hiện một số loại trái cây, rau củ tươi nhập từ Trung Quốc không có nhãn phụ tiếng Việt, giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ...

Từ chợ đầu mối, trái cây, rau củ quả Trung Quốc hằng ngày “đội lốt” các nước khác, trong đó có Việt Nam để đi vào các chợ, siêu thị..., trước khi đến tay người tiêu dùng.

(còn tiếp)

Minh Nam - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.