Nhạy bén và tương trợ

12/12/2010 10:33 GMT+7

Biết học hỏi và vươn lên, nhiều người Việt đã khẳng định chỗ đứng của mình tại Đài Loan.

Nhà hàng Minh Ký nằm tại số 536 - 1 đường Kang Ning, Đài Bắc - Đài Loan luôn đông khách. Khách đến đây không chỉ thưởng thức những món ăn thuần Việt như phở, chả giò, cơm tấm, hủ tiếu, canh chua... mà còn được tận hưởng một không gian rất mộc mạc của làng quê VN với những chiếc áo dài duyên dáng, xe xích lô, bánh xe bò hay những vật dụng mây tre lá. Người tái hiện không gian ấy chính là ông Ngô Càng Minh, chủ nhà hàng Minh Ký.

Làm giàu từ món Việt
 
Cách đây 20 năm, ông Minh đưa vợ và hai con rời TPHCM đến Đài Loan. Ông xin vào làm công nhân cho một công ty sản xuất máy vi tính ở Đài Bắc. Những ngày làm công nhân tại đây, nhận thấy hàng của công ty làm không xuể mà công nhân thì rất thiếu, ông liền nghĩ đến việc mở công ty chuyên gia công sản phẩm để vừa kiếm thêm thu nhập vừa giải quyết công ăn việc làm cho người thân trong gia đình.
 
Hai năm sau, công ty ra đời với 20 lao động. Ông Minh nhớ lại: “Khi ấy, tôi gia công bộ phận giải nhiệt của máy tính. Làm được 7-8 năm thì công ty phá sản vì sản phẩm được đưa sang các nước có giá gia công rẻ hơn”. Cuối cùng, ông đóng cửa công ty vào năm 1999.

Hơn 40 tuổi, không có việc làm trong khi các con đang tuổi ăn học, vợ chồng ông bàn nhau cách kiếm sống. Ông nhận thấy ở Đài Loan nhà hàng rất nhiều nhưng muốn ăn món Việt thì không có quán nào trong khi vào thời điểm ấy, phong trào lao động cũng như cô dâu Việt sang Đài Loan khá nhiều. Vợ chồng ông mở quán phở để phục vụ cho khách hàng. 
 

Người Việt không chỉ hội nhập tốt với cuộc sống ở xứ người mà còn biết vươn lên để làm giàu, giúp đỡ cộng đồng cùng phát triển. Đó là niềm vui cho những người xa xứ vì họ biết giúp nhau vượt qua khó khăn.

Ông Vi Văn Nhiệm
Phó Chủ nhiệm Phòng Văn hóa - Kinh tế VN tại Đài Bắc

Ông Minh cho biết: “Những ngày đầu, quán chỉ bán được 10 tô phở mỗi ngày. Không thể ngồi nhìn quán dần thưa khách, tôi liền bảo vợ phải bổ sung nhiều món ăn thuần Việt, trong đó không thể thiếu những loại nước chấm chỉ có ở VN”.
 
Lúc bấy giờ, hàng loạt món ăn Việt của quán ra đời như chả giò, cà ri bánh mì, canh chua cá kho tộ, bánh xèo, bánh khọt, gỏi... lần lượt ra đời. Bà Huỳnh Hồng, vợ ông, nhớ lại: “Tôi ở nhà nấu ăn, còn ông ấy tìm đến các đài truyền hình để giới thiệu món ăn Việt. Ngoài ra, ông ấy cũng thường trở về VN học các món ăn ở các vùng miền cùng những đồ vật trang trí cho quán”. 
 
Sự vất vả của vợ chồng ông đã được đền bù xứng đáng. Giờ đây, mỗi ngày quán thu hút hơn 300 thực khách. Riêng những ngày cuối tuần, lượng khách nhiều gấp 3 lần. Quán của ông không chỉ là nơi giúp du khách thưởng thức món ăn Việt mà còn là nơi giới thiệu văn hóa VN với bạn bè.
 
Nhiều bằng khen của các cơ quan, tổ chức tại Đài Loan mà ông đưa cho chúng tôi xem như niềm tự hào về đóng góp của ông trong những năm xa xứ. Hiện nhà hàng Minh Ký cũng giải quyết việc làm cho nhiều lao động Việt cũng như sinh viên đến đây làm việc bán thời gian. Ông cho biết: “Dù ở đâu, nếu biết chịu khó học hỏi thì cơ hội làm giàu sẽ đến với mọi người”.
 
Giúp đồng hương hòa nhập
 
“Chị ơi, giúp em những thủ tục cần thiết để em có thể làm việc tại đây”, “Chị ơi, làm sao để em không bị về nước trước hạn”... Hàng loạt câu hỏi như thế đã được chị Trương Thị Xuân Thanh, nhân viên tư vấn Trung tâm Tuyển mộ trực tiếp Ủy ban Lao động Đài Loan, trả lời một cách nhanh chóng.
 
Chị Thanh cũng là người Việt duy nhất trong tổng số 13 nhân viên đang làm việc tại trung tâm này với công việc tư vấn cho các lao động về những thủ tục pháp lý cần thiết để tránh sai lầm đáng tiếc trên đất khách.
 
Cách đây 13 năm, chị Thanh, quê ở Hà Nội, từng làm nhân viên phiên dịch cho Công ty SYM. Chồng chị là trợ lý phòng kinh doanh của công ty. Thông qua công việc, hai người quen và yêu nhau. 
 


Một góc VN tại nhà hàng Minh Ký

Sau ngày cưới, chị theo chồng sang định cư tại Đài Loan. Chị kể: “Lúc mới sang đây, tuy được chồng căn dặn nhiều điều nhưng tôi vẫn không thể tránh khỏi những va chạm với gia đình chồng”.
 
Khi đứa con đầu lòng ra đời, chị vừa chăm con vừa lo chuyện nhà. “Những lúc rảnh rỗi, tôi thường mở tivi, đọc báo xem có nơi nào tuyển dụng vào làm việc. Vậy mà suốt 2 năm sau, tôi mới tìm được việc làm ở một công ty môi giới lao động”.
 
Trong thời gian làm việc, chị đã học hỏi rất nhiều để biết những chủ trương, chính sách đối với lao động nước ngoài. Sau nhiều năm làm việc, với kinh nghiệm cũng như xử lý những tình huống cần thiết, chị được tuyển dụng vào làm việc tại Ủy ban Lao động Đài Loan.
 
Chị Thanh cho biết: “Nhiệm vụ của tôi là làm sao giúp cho người Việt có được những thông tin hữu ích tránh những sai lầm đáng tiếc khi sang đây làm việc. Được làm công việc này là niềm hạnh phúc đối với tôi vì vừa giúp được gia đình vừa cảm thấy bản thân mình sống có ý nghĩa hơn”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.