Không được bỏ quên bất cứ một thanh niên nào !

27/10/2005 00:12 GMT+7

Sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã sôi nổi góp ý vào dự án luật Thanh niên, dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 28/11 tới. Giải quyết việc làm cho thanh niên, tạo cho thanh niên sân chơi lành mạnh, hạn chế những tiêu cực, tệ nạn xã hội trong thanh niên... là những vấn đề được các ĐB quan tâm hơn cả.

Đua xe vì... thiếu sân chơi

"Chúng ta đang lên án hiện tượng tiêu cực trong thanh niên, chẳng hạn đua xe trái phép, chẳng hạn sử dụng thuốc lắc... phê phán là đúng vì nó làm mất trật tự xã hội, nhưng tại sao chúng ta không đặt câu hỏi vì sao thanh niên lại đi vào con đường đó?", ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) mở đầu phần phát biểu của mình như vậy với một hàm ý rằng, thanh niên hiện nay đang thiếu những sân chơi lành mạnh do xã hội chủ động tạo ra. Ông nói: "Chúng ta chưa bao giờ tính đến những đặc tính  của tuổi trẻ, chẳng hạn như trong thể dục, thể thao thì không chỉ đơn thuần là thể thao mà đặc trưng lứa tuổi là thích mạo hiểm, ưa cảm giác mạnh. Ở các nước người ta có rất nhiều hình thức thỏa mãn đặc tính này". Giống như ông Lộc, rất nhiều ĐB chưa thỏa mãn với quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong việc bảo vệ sức khỏe, thể dục thể thao và cả những điều cấm kỵ còn chung chung trong dự thảo. Ông Nguyễn Đình Lộc đề nghị: "Nhà nước và xã hội phải tạo ra những sân chơi, ở đó phải thỏa mãn nhu cầu lao vào nguy hiểm của thanh niên một

ĐB Phạm Thị Thu Hà -
Đồng Tháp:
Điều 24 dự thảo quy định thanh niên được ưu tiên giải quyết việc làm sau khi hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong. Tôi đề nghị đã là luật thì phải khẳng định "được giải quyết việc làm", "ưu tiên" có nghĩa là chúng ta có thể thực hiện hoặc không và nó không thể hiện được trách nhiệm của nhà nước.

cách rất hợp pháp".

Ông Nguyễn Đình Lộc nói tiếp: “Có điều 32 quy định về Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thì tôi đề nghị phải có điều 33 về Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, chúng ta cần xác định phải tập hợp cho hết tất cả thanh niên trong độ tuổi. Có Hội của những thanh niên tích cực thì cũng nên có Hội để tập hợp và giáo dục những thanh niên chưa tích cực. Tôi cứ tự hỏi tại sao không có Hội thanh niên ở ngay trong nhà tù? Ý của tôi là để chúng ta không bỏ quên bất kỳ một thanh niên nào, hướng họ đi con đường lành mạnh”.

Cấm bán rượu, bia cho thanh niên dưới 18 tuổi

Dự thảo luật Thanh niên dành hẳn một chương quy định về trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, bồi dưỡng thanh niên tuổi từ 16 đến dưới 18. ĐB Tôn Nữ Thị Ninh (Bà Rịa - Vũng Tàu) không thỏa mãn với quy định về trách nhiệm của gia đình trong chương này (có trách nhiệm quản lý, giáo dục thanh niên... không hút thuốc lá, uống rượu và đồ uống có nồng độ cồn từ 14% trở lên - dự thảo luật). Bà Ninh cho rằng, quy định này mang tính chất một chính sách nhiều hơn là quy định pháp quy. Khả thi nhất, theo bà Ninh là phải đưa ra quy định cấm tất cả các nhà hàng, quầy bar, các quán cà phê... không được bán hoặc phục vụ đồ uống có cồn cho thanh niên tuổi từ 16 đến dưới 18. Bà Ninh nói: "Ở các nước người ta cấm đến dưới 21 tuổi, cho nên tôi đề nghị chúng ta cũng nên thảo luận quy định cấm này áp dụng đến 18 tuổi hay 21 tuổi ?".

ĐB Phan Thanh Bình (TP.HCM) đặc biệt ủng hộ quan điểm của bà Ninh, ông Bình kêu gọi: "Tôi đề nghị chúng ta nên đặt hẳn điều khoản cấm bán rượu, bia, thuốc lá cho thanh niên dưới 18 tuổi. Trong dự thảo chỉ đặt vấn đề gia đình phải giáo dục các em không được sử dụng rượu nhưng xã hội cứ bán cho các em thì làm thế nào?". Nhiều ĐB đồng tình cho rằng, làm như thế chúng ta sẽ chủ động kiểm soát vấn đề này thay vì chỉ cấm chung chung. "Nếu làm được như vậy, nhiều ông bố sẽ không có quyền sai những đưa trẻ phải đi mua rượu về cho mình nhậu nhẹt nữa, chẳng ai còn dám bán đồ uống có cồn cho trẻ con", ông Bình lạc quan.

* Chiều cùng ngày, QH đã cho ý kiến vào dự án luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH  từ kỳ họp trước, dự thảo luật trình QH hôm qua đã bổ sung quy định về việc các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh một số loại sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người sẽ phải đóng thuế môi trường; danh mục và thuế suất đối với các sản phẩm được giao cho Chính phủ quy định.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.