Những trở ngại khi lần đầu du học

18/10/2004 14:41 GMT+7

Trước ngày lên đường rời nước, có lẽ người sinh viên du học nào cũng đều lo âu tự hỏi không hiểu sẽ gặp những trở ngại gì khi sống ở nước ngoài và làm thế nào để vượt qua được những trở ngại đó.

Trở ngại đầu tiên

Một trong những nhu cầu căn bản của con người đặc biệt là giới trẻ được gia đình và bè bạn chung quanh yêu thường; đồng thời cảm thấy được an toàn và êm ấm giữa gia đình và trong đám bạn bè. Thế nhưng, đối với du học sinh, đặc biệt những du học sinh năm đầu tiên vừa học xong trung học ở quê nhà, đây chính là một trong những lúc họ cảm thấy cô đơn, lạc lõng nhất; đồng thời cũng là thời gian dễ mất định hướng.

Lý do cũng dễ hiểu: vì từ nay trở đi, những người trẻ này phải ở trong một môi trường hoàn toàn khác, khác từ môi trường sinh sống, từ miếng ăn, thức uống cho tới ngôn nhữ, phong tục tập quán, rồi phương pháp dạy và học ở nước ngoài.

Kết bạn với người nước ngoài

Trong một số nền văn hoá, tình bằng hữu là một mối quan hệ hết sức sâu xa và chỉ gói gọn trong một nhóm nhỏ người mà thôi; bởi vì tình bạn này được dựa trên tình yêu thương, sự tôn trọng và những nghĩa vụ rất chặt chẽ. Trong khi đó, ở một số nền văn hóa khác, tình bằng hữu chỉ được thiết lập trên cơ sở cùng làm một việc gì đó (trong một nhóm người) hoặc cùng có chung một sở thích, thế thôi.

Chẳng hạn như nếu bạn đến Úc hoặc Mỹ, sau một hoặc vài cuộc chuyện trò, bạn sẽ thường được nghe những câu như: "Này, khi nào rảnh, mời anh (hoặc cô) đến chơi nhà tôi nhé" hay "tôi sẽ điện thoại cho bạn đấy" hoặc "Này khi nào tụi mình tụ tập nhau lại nữa nhé".

Đối với phong tục của người Úc hay Mỹ, những câu như vừa đề cập rất nhiều, và thường chỉ có tính cách xã giao, không nhất thiết hễ nghe họ nói thì sau đó họ đương nhiên sắp xếp để lại gặp nhau.

Trong thực tế, nhiều khi các sinh viên ngoại quốc thường cảm thấy dễ dàng và thoải mái hơn khi họ kết bạn với những người đồng hương của họ, đương nhiên, vì cùng văn hoá, cùng ngôn ngữ.

Tuy nhiên, các bạn nào muốn đi du học cũng nên lưu ý điểm này: nếu chỉ giao tiếp với đồng hương thì ở khía cạnh nào đó mình đã tự bỏ lỡ cơ hội quý hiếm là hội nhập, tìm hiểu thêm các nền văn hoá khác nhau đồng thời mở rộng tầm mắt.

Trong khi đối với một số người, việc kết bạn là một điều tương đối dễ dàng, đối với một số khác thì đây lại là chuyện hết sức khó khăn.

Thế nhưng, dù khó hay dễ một trong những nguyên tắc căn bản không những trong việc kết bạn mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa là sự thành thật và tấm lòng thông cảm, đồng cảm với người khác. Một trong những điều cấm kỵ là ngồi lê đôi mách, hoặc nói xấu, chỉ chích người khác.

Giao lưu văn hóa

Trong quyển “Sự va chạm văn hoá, những điều cần biết trong vấn đề du học” của hai tác giả Guek Cheng Peng và Robort Barlas, một sinh viên Singapore từng du học ở Úc nói rằng: "Đừng tự cô lập mình và cũng đừng chỉ chơi với nhóm bạn bè mình mà thôi. Khi ở chỗ công cộng đừng nói tiếng nước ngoài. Bạn hãy cho người khác thấy mình tôn trọng văn hoá của họ bằng cách nói tiếng của họ thay vì nói tiếng của nước mình. Hãy tìm cách mở rộng tầm giao tiếp và tỏ ra quan tâm tới những nền văn hoá khác".

Một trong những điểm quan trọng của vấn đề thích nghi văn hoá là phải làm sao hoà đồng với những người chung quanh trong khi vẫn giữ được bản sắc văn hoá tốt đẹp của mình.

Cơ hội để quen biết, để tìm hiểu có rất nhiều, đặc biệt khi người sinh viên sống trong ký túc xá hoặc là thành viên của một câu lạc bộ hoặc nhóm bạn đó. Tuy thế, mục đích lớn nhất của việc du học là học chứ không phải vui chơi. Trong khi đó, vì xa gia đình vì thấy được tự do hoàn toàn làm theo ý mình, không còn cha mẹ làng xóm kềm giữ và vì ham vui..., nhiều bạn trẻ đã xao lãng chyện học hành, thậm chí cắt đứt hẳn con đường học vấn. Đó là điều rất đáng tiếc và rất khó có cơ hội làm lại.

Ngôn ngữ

Hẳn nhiên ai cũng biết là khó khăn về ngôn ngữ là một trong những trở ngại lớn nhất các sinh viên nước ngoài gặp phải.

Để có thể tiếp thu kiến thức, sinh viên cần phải thông thạo ngôn ngữ quốc gia mình theo học. Ngoài các lớp học tại trường, điều cực kỳ quan trọng là làm sao phải “chìm đắm” trong môi trường ngôn ngữ đó càng nhiều càng tốt. Nhờ thế sinh viên vừa học ngôn ngữ vừa biết được những nét đa dạng trong cuộc sống của người dân bản xứ.

Cũng nên biết, có khi ngôn ngữ học trong trường là một chuyện nhưng ngôn ngữ sử dụng trong cuộc sống thường nhật lại là một chuyện khác. Ví dụ như ở Việt Nam chúng ta thường được dạy "What time is it?" nếu muốn hỏi giờ. Nhưng qua Úc người ta sẽ nói "What is the time?". Do vậy, muốn giỏi ngoại ngữ, việc học không thể chỉ thực hiện ở trong nhà trường mà còn phải được "hành" trong môi trường ngoài nhà trường nữa.

Nguyên Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.