Từ chơi đến thật

16/12/2005 14:06 GMT+7

Với tôi, viết bình luận bóng đá ban đầu cũng chỉ là chuyện… chơi, vừa vui vừa tranh thủ kiếm được… vài đồng nhuận bút. Từ khi nhà báo, cây bình luận thể thao Chánh Trinh “phát hiện” rằng tôi có thể viết được bình luận bóng đá, ông đã khuyến khích tôi theo đủ 30 ngày của World Cup 94 trên tờ TIN NHANH báo Lao Động. Đó là lần đầu tiên tôi tham gia viết cho một tờ báo bóng đá, và chợt hơi ngạc nhiên thấy mình viết cũng… được, cũng không đến nỗi nào. Thừa thắng xông lên, tôi bắt đầu chính thức viết bình luận bóng đá cho báo Thanh Niên từ EURO 96.

Dạo đó, mùa hè, tôi dẫn con vào Sài Gòn thi đại học, có nhờ nhà thơ Nguyễn Đỗ kiếm cho một phòng khách sạn loại… mèng, giá phải rẻ nhưng quan trọng hơn là phòng phải có… ti vi. Với khách sạn tư nhân giá rẻ ngày đó, có được cái ti vi trong phòng cũng không hề giản đơn như bây giờ. Nhà chủ phải khiêng cái ti vi từ phòng khách vào phòng tôi, vì nghe Đỗ dọa tôi là “bình luận viên” bóng đá, cần cái ti vi để “tác nghiệp”.

Mùa EURO'96 rất sôi động, tôi bò trên cái máy chữ cũ kỹ cọc cạch suốt đêm ngày, viết bài bình trước và sau trận đấu. Khách sạn tư nhân không có máy fax, tôi hoặc phải đi xe ôm, hoặc phải nhờ Nguyễn Đỗ chở tới các điểm bưu điện gần nhất để fax bài cho báo. Có một điều tôi rất thích ở báo Thanh Niên là dù bài gửi nửa đêm gà gáy gì cũng được nhân viên toà soạn báo đánh máy lại rất chính xác, nhất là không hề sai sót tên cầu thủ. Phải nói, nhiều cầu thủ nước ngoài tên rất khó nhớ và cũng không dễ để viết đúng tên họ, nhưng các bài viết của tôi đã không sai sót ở khoản này, và khi lên báo thì càng không sai. Các anh chị ở tòa soạn và ban thể thao báo Thanh Niên với tôi đã “hợp đồng tác chiến” khá ăn ý trong điều kiện tờ báo và người viết ngày đó chưa được trang bị tốt như bây giờ.

Viết bình luận bóng đá, cứ chơi chơi thế mà khi đã bập vào thì mê da diết. Với tôi ngày ấy, và có lẽ bây giờ cũng vậy, viết một bài bình luận bóng đá cũng giống như viết một bài thơ, nó sướng người lắm! Nhiều bạn đọc báo Thanh Niên đã có vẻ thích các bài viết bóng đá của tôi, nhưng họ nói với nhau, đừng nghe tôi dự đoán mà cá độ theo có ngày… sạch vốn(?). Ấy cũng là nói yêu, chứ nhiều khi tôi dự đoán cũng trúng ra phết. Cái mà bạn đọc có lẽ ưu ái ở những bài viết của tôi, là dù chỉ viết dăm ba trăm chữ, tôi cũng dốc vào đó hết cảm hứng của mình.

Viết, trước hết, là để mình… sướng đã, còn người đọc, nếu cùng “kênh” với mình, họ sẽ đồng cảm. Là nhà thơ, nhưng tôi thấy trong bóng đá có tất cả những gì mà thơ mong có, khát có. Và khi người huấn luyện viên đọc trận đấu, điều chỉnh chiến thuật và nhân sự, chính là ông ta đang sáng tác một bài thơ. Còn cầu thủ, họ đã là những nhà thơ siêu hạng khi chơi bóng hết mình bằng cảm hứng, bằng ngẫu hứng, bằng tất cả nội lực, bằng khát khao cháy bỏng của mình.

Bóng đá là một trò chơi tập thể, nhưng ở đó không bao giờ triệt tiêu tài năng cá nhân, sự rung cảm và tư duy cá nhân, có điều, cá nhân ở đây luôn phải tìm thấy đường “link” tới tập thể, tới đồng đội. Đó là nơi mà quan hệ giữa tập thể và cá nhân phải được giải quyết một cách tốt nhất, hợp lý nhất, và cũng… hồn nhiên nhất.

Cũng như thơ, bóng đá rất cần sự hồn nhiên, sự tươi mới, sự thay đổi. Nếu không có hai bài thơ nào giống nhau (vì giống nhau là… triệt tiêu, là chết), thì cũng không có hai trận túc cầu nào giống nhau. Sự bất ngờ và không lặp lại luôn là nguồn sống của môn thể thao vua này. Vì thế, mọi dự đoán dù của những chuyên gia giàu kinh nghiệm hay nhạy cảm nhất, thì cũng chỉ là những… dự đoán. Rất nhiều khi bóng đá thoát khỏi mọi sự dự đoán.

Báo Thanh Niên khi in những bài viết của tôi về bóng đá, đã tôn trọng hoàn toàn những dự đoán, những nhận định cũng như những quan điểm của tôi, ngay những khi nó khác biệt với các nhà bình luận lừng danh ở những tờ báo khác. Đó là điều khiến tôi cảm kích, và nó thiết lập giữa người viết với ban biên tập tờ báo một quan hệ đầy tin cậy. Nếu trong thể thao sự trung thực được đặt lên hàng đầu thì trong báo chí cũng vậy. Và tôi đã tìm thấy “hợp điểm” ấy giữa bóng đá và báo chí khi viết bài cho những mùa giải U.21 của báo Thanh Niên.

Đúng là với một tờ báo có uy tín và cũng có điều kiện kinh tế, thì tổ chức một giải bóng đá thường niên mang tên mình chắc không quá khó. Nhưng nếu cả tờ báo đó, bắt đầu từ những người lãnh đạo tới các phóng viên, biên tập viên, nhân viên, kể cả những nhân viên quảng cáo phát hành, không “máu” bóng đá, không dám và cũng không có đủ say mê để “ăn bóng đá, ngủ bóng đá, thức với bóng đá”, thì họ sẽ không bao giờ tổ chức một giải bóng đá, vì nó nhiều sự nhiêu khê, bận bịu, rách việc lắm. Chưa kể còn tốn kém, thậm chí thâm thủng ngân sách nữa!

Nhưng nay thì giải U.21 Báo Thanh Niên đã thành một giải chính thức trong hệ thống giải bóng đá quốc gia, và là một giải có uy tín nhất, vì qua nhiều mùa giải đã phát hiện, nâng đỡ, chăm sóc được nhiều cầu thủ trẻ để họ trở thành những hạt nhân của các Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, của đội tuyển U.23 VN, và cả đội tuyển VN nữa. U.21 là một cầu nối nhạy cảm của lứa tuổi trong bóng đá: ở ta, cầu thủ U.21 không còn quá trẻ nhưng cũng chưa hẳn đã đủ lông đủ cánh để thành danh. Tham dự một giải U.21 hàng năm, họ sẽ có điều kiện cùng đội bóng chứng tỏ mình, và nếu chơi tốt, họ hoàn toàn có điều kiện lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển trạch.

Bây giờ thì rất nhiều địa phương đã rất sẵn sàng để đăng cai giải U.21 hàng năm, vì nó thực sự là một ngày hội bóng đá, và nó giúp cho địa phương đó, không phải một danh hiệu vô địch nhờ  “lobby”, mà một cú hích, một sự thúc đẩy cho phong trào bóng đá ở địa phương ấy phát triển. Tôi nghĩ, Đà Nẵng, Gia Lai hay An Giang và mới đây là Bình Định đã và sẽ còn được nhiều cho bóng đá của mình khi đăng cai giải U.21 báo Thanh Niên.

Chính sự trung thực của giải U.21, trong điều kiện tiêu cực còn tràn lan trong bóng đá đỉnh cao VN, đã là điểm sáng khiến giải đấu này thu hút được sự theo dõi và ủng hộ của những người hâm mộ bóng đá trong cả nước. Và tôi, mỗi khi được viết bài về một trận đấu trung thực, không nghi hoặc hay lợn cợn về chuyện “fix” (dàn xếp) tỉ số, đã cảm thấy một sự nhẹ người, một cảm giác thanh thản đầy hạnh phúc.

Riêng giải U.21 vừa rồi tổ chức tại Bình Định, tôi tiếc vì không có điều kiện theo dõi để viết bài. Trước đó, tôi đã nhận lời với anh Vũ Hoàng Hà - chủ tịch tỉnh Bình Định - là sẽ vào Qui Nhơn trong suốt thời gian giải để viết bài “từ trên sân bóng” chứ không phải “từ chỗ ngồi xem ti vi”. Tiếc quá, nhất là khi biết đội U.21 Bình Định đã chơi rất hay trong giải này và lên ngôi vô địch xứng đáng.

Nhưng không sao, sẽ còn nhiều dịp để tôi được hân hạnh trò chuyện với người đọc mê bóng đá qua các bài viết mình trên báo Thanh Niên, kể cả báo in và báo điện tử.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.