Gạt núi tìm người

08/11/2007 22:21 GMT+7

* Hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho 3 cán bộ, công nhân Chúng tôi quyết phải đến cùng đội cứu hộ đang nỗ lực đào tìm thi thể nạn nhân bị chôn vùi dù đường lên Tây Trà (Quảng Ngãi) còn đứt gãy sau nạn lở núi.

Con đường ngoằn ngoèo còn ẩn chứa nhiều "cái chết treo trên đầu". Cứ cách vài cây số lại có một điểm sạt lở và có thể xảy ra sạt lở bất ngờ. Thấy tôi mỏi cả cổ ngó nghiêng lên các sườn núi cảnh giác, anh lái xe cười: "Sống với vùng đất này thì phải quen với chuyện... sạt lở".

Đi với chúng tôi là gia đình của anh Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Bưu điện huyện Tây Trà. Ông là một trong ba nạn nhân của vụ lở núi vào chiều ngày 5.11, trong lúc làm nhiệm vụ nối tuyến đường cáp quang bị đứt. Cho đến nay, đội cứu hộ đã tìm thấy được hai thi thể, còn thi thể của anh thì vẫn còn nằm lại trong lòng đất chuyển. Trên dọc đoạn đường đi, qua những câu chuyện giữa những người con với vợ của anh Dũng, tôi hình dung được phần nào về anh. Bốn năm làm Giám đốc Bưu điện huyện Tây Trà, một huyện miền núi mới được thành lập, điều kiện sống và nhất là hệ thống giao thông còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng, anh vẫn thường có mặt để trực tiếp chỉ huy, điều hành công việc, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Đợt mưa lũ vừa qua cũng thế. Tuyến cáp quang lên Tây Trà bị đứt đoạn. Để có thể nhanh chóng nối lại thông tin phục vụ cho công tác cứu trợ, anh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để giám sát. Và cũng tại đây, anh đã vĩnh viễn ra đi.

Sau hai giờ đồng hồ đi đường, chúng tôi đã đến được hiện trường vụ tai nạn. Đây là một trong những đoạn sạt lở nặng nhất. Cả một mảng núi đổ sập và tràn xuống vực, làm tắc nghẽn hoàn toàn một đoạn đường dài. Mặc dù trời vừa hửng sáng nhưng đã có hàng chục con người thay phiên nhau dùng cuốc, xẻng đào xới từng khoảng đất với hy vọng tìm thấy một dấu hiệu nào đó về thi thể anh Dũng. Đây đã là ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm, nhưng qua nhịp độ hoạt động của đội cứu hộ, tôi nhận ra một điều: chưa ai nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Họ còn nuôi hy vọng, dù là những tia hy vọng ấy cũng mỏng manh như phương tiện cuốc xẻng họ đang sử dụng đối với khối lượng đất đá khổng lồ.

"Bằng mọi giá cũng phải tìm được anh ấy", ông Lê Trường Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà - phụ trách chỉ huy công tác cứu hộ, nói với tôi. Ông thổ lộ: "Đó là một người bạn, một người sống hết mình với mọi người và công việc. Thầy cô giáo và các em học sinh trong vùng đều biết anh Dũng, yêu cầu được tham gia tìm kiếm. Nhưng chúng tôi không dám mạo hiểm. Cái khó của việc cứu hộ chính là lớp đất và bùn quá dày, có chỗ sâu gần 5m và trải dài trên một diện tích rộng. Bên cạnh đó, do địa thế hiểm trở, địa tầng không ổn định nên không thể dùng xe ủi để hỗ trợ cho công việc tìm kiếm".

Ngồi thẫn thờ bên bờ vực, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, vợ của anh Dũng khóc nghẹn: "Anh ấy nói thứ năm này sẽ về để cùng tui đi ăn đám cưới thằng cháu, vậy mà...". Hai người con anh xắn tay đào tham gia bới tìm xác cha.

Người dân tham gia tìm kiếm nạn nhân

Trời đã gần qua trưa vẫn chưa có một tín hiệu khả quan nào. Không muốn làm cho người nhà nạn nhân thất vọng, mọi người đều động viên nhau và cùng tìm phương án để có thể đẩy nhanh công việc. Và cuối cùng cũng có một sáng kiến dẫn nước suối cho chảy vào khu vực sạt lở để cho lớp bùn trôi đi.

Tranh thủ lúc nghỉ trưa, tiếp xúc với những con người làm công tác cứu hộ, tôi mới biết được họ là những người dân và lực lượng biên phòng sống trong vùng. Bản thân họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về đời sống sau mưa lũ kéo dài nhưng họ tạm quên hết để đến đây tham gia cứu hộ mà không đòi hỏi một điều gì. Những ngày qua, họ đã dầm mưa, dãi nắng, chỉ có mì tôm ăn qua bữa.

 Vào đầu buổi chiều, lực lượng công binh thuộc Tiểu đoàn 48 đã lên đến hiện trường và hỗ trợ cho công tác tìm kiếm. Thế nhưng, thời gian thì cứ dần trôi về chiều mà vẫn chưa có kết quả mong muốn. Thỉnh thoảng đâu đó có tiếng ồ lên vì phát hiện ra một cái gì khác thường dưới lớp đất bùn làm mọi người phấn chấn kéo đến, nhưng rồi đó không phải là dấu vết của anh Dũng. "Bây giờ chỉ còn khả năng là xác của anh ấy nằm ở phía trên sườn dốc trên kia", ông Lê Trường Sơn nhận định. "Tuy nhiên, đây là khu vực rất khó đào sâu vì khối lượng đất rất lớn, lại không có chân, nếu đào không cẩn thận sẽ dễ gây ra sạt lở lớn. Trong ngày mai, chúng tôi sẽ liên hệ để mượn chó nghiệp vụ từ Đà Nẵng vào hỗ trợ cho công tác tìm kiếm. Bằng mọi giá phải tìm được xác để đưa anh ấy về".

Khi mặt trời đã lặn qua bên kia sườn núi thì đó cũng là lúc công tác tìm kiếm buộc phải tạm dừng. Vậy là thêm một ngày nữa trôi qua mà không có kết quả. Những tiếng thở dài, sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt của từng người. Một nông dân vác cuốc lên vai, nói như nói với anh Dũng trước khi quay về nhà: "Mai nhé. Chúng tôi sẽ tiếp tục. Không thể để anh nằm một mình ở đây được, thương lắm!". Có lẽ đó cũng là tâm trạng của tất cả mọi người có mặt ở đây. Chúng tôi nặng nề lên xe quay trở lại thành phố Quảng Ngãi. Khi chia tay, người con gái anh Dũng đặt vào tay chúng tôi một gói xôi nhỏ, phá vỡ sự im lặng buồn thảm: "Ai lên đây ba em cũng đều bắt phải ăn cơm rồi mới cho về". Và rồi cô ấy lại nghẹn ngào.

Sáng ngày 8.11, chúng tôi trở lại điểm tìm kiếm. Lời hứa của ông Lê Trường Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà và của anh nông dân tham gia tìm kiếm đã thành sự thật. Như nhận định của ông Sơn, thi thể Giám đốc Dũng nằm phía trên sườn dốc. Một cánh tay của anh đã lộ ra sau khi có sự tham gia của hai xe cơ giới được điều động hỗ trợ đội tìm kiếm. Lúc ấy vào đúng giữa trưa. Mọi người quên giờ nghỉ giải lao, quên cả bữa ăn trưa, dùng cuốc nhỏ và cả bằng tay bóc dần lớp đất đỏ, đưa nguyên vẹn thi thể anh Dũng ra khỏi đất núi, trở về với gia đình, với đồng đội vào lúc 13h40 phút.

Nguyễn Phúc Bảo Chương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.