Hành khách xe buýt vé tháng bị đối xử thô bạo !

11/12/2005 23:13 GMT+7

Để có được hình ảnh sáng sủa với con số 600.000 hành khách đi xe buýt mỗi ngày như hiện nay, TP.HCM đã đầu tư, tuyên truyền, vận động và bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để trợ giá cho xe buýt... Cả chính quyền và người dân đều quan tâm, ủng hộ chủ trương này.

Thế nhưng, một số tài xế và tiếp viên xe buýt lại không nghĩ như vậy. Những hành vi xúc phạm nhân phẩm, phân biệt đối xử, mạt sát, đuổi hành khách xuống xe... đã và đang xảy ra làm nản lòng hành khách, nhất là đối với số đông học sinh - sinh viên (HSSV) đi xe buýt bằng vé tháng.

“Chúng em có tội tình gì ?”

Trong thư gửi Báo Thanh Niên, cô Thủy Ngân - SV năm 3, Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, hàng trăm SV trường cô do phải đi lại nhiều lần trong ngày nên thường đi xe buýt bằng vé tháng. Theo cô, giải pháp này có thể tiết kiệm được một khoản nho nhỏ để đắp thêm vào tiền học phí. Nhưng, "cực chẳng đã" các tài xế mới chịu chở SV đi vé tháng như các cô. Ngân cho biết, chính cô đã nhiều lần phải thò tay vào giỏ đựng rác treo ở vách ngăn giữa ca-bin và tài xế để nhận lại tấm vé tháng của mình do tài xế ném trả lại. Cũng trên tuyến xe buýt này, Ngân đã từng đau lòng chứng kiến cảnh hai nam SV đi bằng vé tháng bị bác tài thẳng thừng "mời xuống xe" để lấy chỗ chở người khác. Trao đổi với chúng tôi, Ngân chán nản: "Họ đối xử với chúng em như những tên bất hảo, những tên ăn cắp, chuyên xài chùa phương tiện đi lại của Nhà nước. Nhưng vé tháng thì cũng phải bỏ tiền ra mua. Chúng em có tội tình gì ?". 

“Thử hỏi, tài xế xe buýt cứ đối xử với hành khách như vậy, mạng lưới giao thông công cộng của TP.HCM có phát triển được không?”. - độc giả Thủy Ngân

Điều đáng kinh ngạc là trường hợp trên không phải là cá biệt. Trong quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã ghi nhận được rất nhiều những phản ánh đầy bức xúc tại Trung tâm Quản lý - Điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQL-ĐHVTCC) TP.HCM về cách đối xử thô bạo tương tự đối với hành khách xe buýt vé tháng. Anh Đặng Thành Danh ngụ phường An Khánh, quận 2, là một trong số hàng trăm trường hợp bị các tài xế xe buýt đối xử thô bạo mà nguyên nhân chỉ vì anh đi xe buýt bằng vé tháng! Anh Danh cho biết, vào lúc 15 giờ 15 ngày 1.11.2005, anh đón xe buýt chạy tuyến Bến Thành - Nhà Bè tại Chùa Bà về Bến Thành. Khi lên xe, anh xuất trình vé tháng kèm theo con tem tháng 11.2005 có mệnh giá 90.000 đồng. Do tem mới mua nên anh chưa kịp dán vào thẻ, anh xin tiếp viên "thông cảm". Nếu không "thông cảm" được thì anh sẵn sàng trả 2.000 đồng như bao hành khách khác hoặc là cho anh xuống xe. Thế nhưng, nghĩ là anh đi xe buýt gian lận, các tiếp viên xe buýt cho người đóng cửa xe lại, xông vào lục lọi túi xách và lấy mất tấm vé tháng của anh. Nhờ hành khách trên xe hỗ trợ, anh mới mở cửa nhảy xuống đường, thoát được một trận đòn "hội đồng". Trong đơn gửi cơ quan chức năng, anh Danh viết như một lời cảnh báo: "Có phải nạn xe dù - xe cướp đang xuất hiện trên xe buýt công cộng?".

Một hành khách khác bị "hành" là một nữ sinh cho biết, vào 8 giờ 40 ngày 5.11.2005, em đón chiếc xe buýt chạy tuyến Bến xe Chợ Lớn - Bình Trị Đông. Khi tiếp viên yêu cầu mua vé, em xuất trình "vé tập" (mua trước, trị giá 1.500 đồng/vé) thì đã bị tiếp viên xe này "ném trả vào mặt".

Đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp của hai mẹ con chị Hà. Theo tường trình của chị, vào khoảng 10 giờ ngày 3.11.2005, chị đón xe buýt chạy tuyến Bến xe Chợ Lớn - Lê Minh Xuân. Khi biết chị là hành khách đi vé tập, tiếp viên xe này đã không ngần ngại xua đuổi. Chị Hà chưa kịp bước xuống đường, tài xế đã cho xe chạy làm hai mẹ con té nhào. Con chị bị trật xương chân, phải đi chữa tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình.

 

Thái độ phục vụ của lái xe đang gây cản trở cho sự phát triển của xe buýt - (ảnh: Đ.N.T)

Bị nhận mặt và... bỏ rơi

Cũng theo phản ảnh của hành khách tại TTQL-ĐHVTCC, ở những tuyến đường vắng, hành khách có vé tháng thường xuyên đi lại bằng xe buýt rất dễ bị nhận mặt và... bị bỏ rơi. Và đó là cách "đối phó" thường thấy của cánh tài xế xe buýt đối với hành khách đi vé tháng. Một hành khách tên Hiền ở Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cho biết, lúc 12 giờ 57 ngày 9.11.2005, chị đón chiếc xe buýt chạy tuyến Văn Thánh - Cát Lái. Do đã quá quen mặt chị nên tài xế xe này... ngó lơ, không rước, dù trên xe lúc đó rất vắng khách. Cũng trên tuyến này, một tài xế sau khi "lỡ" rước một hành khách vé tháng, đã thẳng thừng nói với khách: "Vé tháng không còn sử dụng nữa! Trả tiền đi...". Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Vinh đi trên chiếc xe lúc 16 giờ 25 ngày 10.11.2005. Còn theo phản ánh của chị Phương Trang, vào lúc 12 giờ ngày 2.11.2005, chị từng bị tiếp viên xe buýt chạy tuyến Nhà Bè - Bến Thành đe: "Lũ chúng mày đi thẻ tháng, tao không cho xuống đúng trạm".

Chị Liên, một hành khách khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chị Thu Thủy cũng từng bị tiếp viên một xe buýt chạy tuyến Củ Chi - Bình Mỹ quát vào mặt: "Nhìn mặt mày cho kỹ, để mai mốt không đón nữa..." chỉ vì chị đi bằng vé tháng. Một nam sinh ở Hóc Môn nói rằng em thường xuyên bị cô giáo la rầy, phạt vì hay đi học trễ, rất oan ức. Thực ra từ sáng sớm em đã đứng đón xe buýt (tuyến Cộng Hòa - KCN Tân Bình - Xuân Thới Thượng) ở đoạn gần mũi tàu đường Nguyễn Thị Tú - Bà Điểm. Ngặt nỗi, các bác tài biết em đi bằng vé tháng nên không ghé rước...

Từ trường hợp của các em học sinh đi học bằng xe buýt bị bỏ rơi, chúng tôi liên tưởng đến cảnh những học sinh các tỉnh thành khác đến TP.HCM trọ học. Đa số các em đều không có phương tiện đi lại cá nhân, nên thường chọn giải pháp đi lại bằng xe buýt vé tháng. Giả sử đến ngày đi thi đại học, các em ra đường đón xe buýt đến địa điểm thi bằng tấm thẻ xe buýt vé tháng... thì hậu quả sẽ ra sao? Nghĩ đến đó, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. "Số phận" những người đi xe buýt vé tháng đang là một thực tế đầy bức xúc. Hàng trăm cuộc gọi phản ánh mỗi ngày về số điện thoại nóng 8.214.444 của TTQL-ĐHVTCC TP.HCM mà chúng tôi ghi nhận ở trên đã nói lên điều đó.

Chúng tôi xin dẫn lời cô SV Thủy Ngân để kết thúc bài viết như một câu hỏi nhức nhối: "Thử hỏi, tài xế xe buýt cứ đối xử với hành khách như vậy, mạng lưới giao thông công cộng của TP.HCM có phát triển được không?".

Ông Phạm Đình Đức - Giám đốc TTQL-ĐHVTCC TP.HCM: “Tài xế, tiếp viên vi phạm sẽ bị phạt tiền, sa thải”

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về những bức xúc của hành khách, ông Phạm Đình Đức - Giám đốc TTQL-ĐHVTCC TP.HCM xác nhận:

- Đúng là trong thời gian qua đã có một số tài xế, tiếp viên có thái độ phân biệt đối xử với hành khách sử dụng vé bán trước. Đặc biệt, từ tháng 11.2005, khi bắt đầu điều chỉnh giá vé xe buýt, hành khách chuyển qua sử dụng vé bán trước nhiều hơn thì vi phạm này cũng có chiều hướng tăng lên hơn trước.

* Vậy Trung tâm đã có những biện pháp xử lý gì đối với những tài xế, tiếp viên vi phạm?

- Để chấn chỉnh tình trạng này, Trung tâm đã thực hiện các biện pháp cụ thể sau: Tổ chức cho hơn 4.000 tài xế, tiếp viên xe buýt đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại trường trung học Giao thông công chính. Hằng tháng tổ chức họp với các doanh nghiệp vận tải (DNVT) để phổ biến các quy định của ngành cũng như nhắc nhở, chấn chỉnh các hành vi vi phạm... Để kiểm tra xử lý, Trung tâm đã thiết lập Đường dây nóng 8.214.444 để ghi nhận thông tin của hành khách phản ánh các trường hợp xe buýt vi phạm, trong đó có hành vi phân biệt đối xử với hành khách sử dụng vé bán trước và thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng để xem xét kiểm tra, xử lý. Trung tâm còn phối hợp với Thành đoàn phát hành 500 thẻ kiểm tra xe buýt phân phối cho các SV để hỗ trợ trong việc kiểm tra, phản ánh các vi phạm của xe buýt. Bổ sung vào hợp đồng khai thác vận tải hành khách công cộng ký kết giữa Trung tâm với các DNVT trong việc xử lý các hành vi vi phạm và phân biệt đối xử với hành khách sử dụng vé tháng, vé tập; hành khách là đối tượng miễn vé. Mức phạt cụ thể như sau: vi phạm lần 1, phạt 400.000 đồng; vi phạm lần 2: phạt 800.000 đồng đồng thời tài xế, tiếp viên bị kỷ luật không được tham gia hoạt động. Trong 10 tháng đầu năm 2005, Trung tâm đã xử phạt 21 trường hợp, trong đó có 18 trường hợp vi phạm lần đầu, mỗi người bị phạt 400.000 đồng và 3 trường hợp vi phạm lần 2, mỗi người bị phạt 800.000 đồng và ngưng không cho tham gia phục vụ ngành xe buýt (3 tiếp viên).

* Xin ông cho biết quan điểm của Trung tâm đối với chủ trương bán vé tháng cho sinh viên học sinh và những người có thu nhập thấp?

- Hiện nay, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho sinh viên học sinh trong việc sử dụng vé tháng, vé quý để đi lại trên các tuyến xe buýt thể nghiệm với giá vé chỉ bằng 2/3 giá vé của hành khách bình thường. Hành khách sử dụng vé tháng là những người thường xuyên dùng xe buýt làm phương tiện đi lại, góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, vì vậy chúng tôi ủng hộ chủ trương vé tháng.

N.T

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.