Thị trường khi nào khởi sắc?

12/12/2007 22:34 GMT+7

Việc khối lượng giao dịch giảm mạnh khiến các chuyên gia cảm thấy e ngại cho tình hình không sáng sủa của thị trường...

Khối lượng giao dịch ngày càng giảm

Mặc dù chỉ số VN-Index sau phiên giao dịch ngày 12.12 đã tăng lên 5,28 điểm, đạt 946,32 điểm tuy nhiên, so với cuối tuần trước, VN-Index vẫn giảm mất 28,31 điểm.

 Trong 3 phiên giao dịch đầu tuần này, tổng khối lượng giao dịch tại sàn TP.HCM chỉ xoay quanh mức 8 triệu chứng khoán (CK) trị giá 800 tỉ đồng. Trước đó vào cuối tháng 11, con số này bình quân là hơn 10 triệu CK trị giá trên 1.000 tỉ đồng/phiên. Điều này cho thấy sức cầu đã giảm mạnh trong khi thị trường có thêm nhiều mã CK mới được niêm yết. Tình hình này khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) lo lắng. NĐT Bùi Việt tại sàn ACBS cho biết nếu lượng giao dịch cứ yếu dần đi thì xu hướng giảm giá của thị trường còn chưa dừng lại. Chỉ khi nào lượng giao dịch mạnh lên đạt giá trị trên 1.200 tỉ đồng như tháng 9 thì mới hy vọng thị trường tăng trưởng. Một trong những yếu tố góp phần làm giảm sức cầu của thị trường là lượng giao dịch của NĐT nước ngoài cũng giảm mạnh.

Trong những phiên đầu tuần này, sức mua của NĐT nước ngoài chỉ ở mức từ 90 - 100 tỉ đồng/phiên, giảm gần một nửa so với nhiều phiên trước đó. Hàng loạt cổ phiếu (CP) blue-chips như FPT, SJS, KDC, REE, SAM... liên tục giảm giá. Điều này cũng diễn ra tương tự tại sàn Hà Nội khi lượng giao dịch những ngày qua cũng chỉ xoay quanh mức 300 - 350 tỉ đồng. Những thông tin tốt từ kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm của các công ty niêm yết không thể hỗ trợ giá CP tăng được.

Theo nhóm phân tích của công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), động lực lớn nhất tác động đến thị trường trong thời gian ngắn này chính là việc IPO của Vietcombank với kỳ vọng có thể tạo "mặt bằng giá mới" cho nhóm CP ngân hàng tài chính, thu hút thêm sự quan tâm của các tổ chức tài chính nước ngoài. Thế nhưng, theo ông Hồ Công Hưởng - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Hoàng Gia - tâm lý NĐT đã bị tác động mạnh bởi hàng loạt chính sách như Chỉ thị 03, thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chứng khoán được đưa ra trước đó. Đặc biệt các NĐT cá nhân trong nước sẽ bị hoang mang vì không biết thời gian tới sẽ còn những chính sách hạn chế nào nữa hay không... Do đó thị trường sẽ khó khả quan trong thời gian tới.

"Ép" giá trên sàn để mua Vietcombank?

Nguyên nhân khiến giao dịch trên thị trường giảm mạnh được nhiều chuyên gia nhắc đến chính là sự kiện IPO Vietcombank sẽ thu hút ít nhất 10.000 tỉ đồng (tính theo giá khởi điểm). Các NĐT phải chuẩn bị tiền kể cả phải bán bớt những CK đang nắm giữ. Ngoài ra, nhiều cuộc đấu giá khác và phát hành thêm CP hàng loạt của những công ty niêm yết như Ngân hàng ACB, Công ty chứng khoán Bảo Việt... cũng rút bớt lượng vốn của NĐT trên thị trường thêm cả ngàn tỉ đồng nữa.

NĐT giảm mua vào, tăng bán ra tất yếu sẽ dẫn đến nguồn cung CP dồi dào hơn và thị trường sẽ khó dung nạp hết. Bên cạnh đó, NĐT Bùi Việt cho rằng dường như các NĐT lớn đang muốn giá hàng loạt CP trên sàn giảm xuống để làm "chùn tay" các NĐT nhỏ lẻ. "Thị trường không khởi sắc thì nhiều NĐT sẽ không tích cực tham gia vào đấu giá Vietcombank. Khi đó, những NĐT lớn sẽ mua được CP Vietcombank với giá thấp, xoay quanh mức giá khởi điểm mà thôi", NĐT Bùi Việt nói. Cùng nhận xét trên, chuyên gia Lê Đạt Chí (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng các NĐT lớn một phần đang chuẩn bị nguồn tiền để đóng tiền cọc tham gia đấu giá Vietcombank cũng như để dành đóng tiền nếu trúng đấu giá.

Ngoài ra, những NĐT này đang bỏ lơ thị trường giao dịch và chưa muốn kích giá CP lên. Vì vậy theo ông Lê Đạt Chí, thị trường sẽ còn tiếp tục lình xình lên xuống như hiện nay cho đến sau khi cuộc IPO của Vietcombank kết thúc. Khi đó, những NĐT chưa mua được CP Vietcombank sẽ chuyển sang những CP khác, nhất là những CP trên sàn hiện nay đang có mức giá khá hấp dẫn. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cũng cho cũng cho rằng xu hướng ngắn hạn thị trường vẫn chưa thể khởi sắc. Những NĐT lớn hiện nay ngoài việc quan tâm đến IPO Vietcombank vẫn chần chừ để tham gia mạnh vào thị trường chứng khoán. Một số NĐT lớn còn rút vốn ra để đầu tư vào thị trường địa ốc hay mua vàng nhằm bảo toàn vốn và khả năng sinh lời cũng cao hơn. Theo vị tổng giám đốc này, nói gì đi nữa thì lúc này, các NĐT cá nhân cũng nên thận trọng vì thị trường chứng khoán chưa có xu hướng rõ ràng.

Toàn sàn TP.HCM hôm nay có tổng cộng 24 mã CK giảm giá, là tỷ lệ khá lạc quan so với tình hình của 2 phiên gần đây. Đứng đầu trong nhóm giảm giá là cổ phiếu (CP) PVT khi tiếp tục giảm sàn 4.500 đồng/CP trong phiên hôm nay. Với khối lượng dư mua bằng 0 và dư bán với giá sàn còn rất lớn, triển vọng tiếp tục rớt giá trong phiên ngày mai của cổ phiếu của công ty hàng đầu về vận tải dầu thô xem chừng là khó tránh khỏi. Các CP còn lại nhìn chung có mức giảm tương đối nhẹ, đều dưới 2.000 đồng/CP. Riêng BBC giảm 1.000 đồng/CP trong phiên hôm nay là do điều chỉnh giảm trong ngày không hưởng quyền (chia cổ tức 6% bằng CP), còn thật ra CP này đã tăng trần trong ngày hôm nay.

Tuy mức độ tăng giá nhìn chung không quá mạnh, nhưng tỷ trọng "màu xanh" trên bảng điện tương đối khả quan đã giúp cho thị trường có được một phiên trở chiều nhẹ. Các NĐT nước ngoài mua vào trên 250.000 CP DPM đã giúp giá CP này tăng 1.500 đồng/CP. Và do STB đứng giá, nên với khối lượng giao dịch đứng thứ 2 toàn thị trường, DPM đã là CP có tác động tích cực nhất đến xu thế đi lên của thị trường hôm nay. Cả 3 CP ngành bất động sản SJS, ITA, VIC hôm nay cũng góp phần vào xu thế đi lên khi đồng loạt tăng từ 2.000 đồng - 3.000 đồng/CP. Các CP khác còn lại thuộc nhóm này có mức tăng giá dưới 2.000 đồng/CP.

Theo một chuyên gia phân tích chứng khoán của Công ty chứng khoán doanh nghiệp vừa và nhỏ SMESC, thị trường chứng khoán thế giới hôm nay lại đi xuống khá mạnh sau khi FED chính thức công bố việc cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 0,25%. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến giao dịch của khối đầu tư nước ngoài (ngoại trừ đẩy mạnh mua vào DPM và PTV, các cổ phiếu khác được giao dịch khá thưa thớt). Mặc dù phiên hôm nay đã có tác động tích cực đến tâm lý chung của thị trường, nhưng hiện tại vẫn không có nhiều thông tin rõ ràng hỗ trợ cho xu thế đi lên này. Vì vậy khả năng thị trường có thể duy trì được xu thế này trong ngày mai là khá khó khăn.

Trong ngày, các NĐT nước ngoài mua được tổng cộng 44 loại với tổng khối lượng 740.430 CK, giảm 17,77% so với ngày hôm trước và giảm 44,70% so với khối lượng mua bình quân 22 phiên trước đó. DPM là CP được mua nhiều nhất với 250.400 CK, chiếm 43,08% lượng giao dịch khớp lệnh của DPM trong ngày.

NĐT nước ngoài bán ra 48 loại với tổng khối lượng 375.070 CK, tăng 61,56% so với ngày hôm trước và giảm 51,89% so với bình quân 22 phiên trước đó.

Mạnh Quân

M.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.