Trong đền Kennin - Truyện ngắn của Vương Biên Hương

23/10/2004 21:51 GMT+7

1. Đại sư đền Kennin là Mokurai có một chú bé hầu cận tên là Toyo. Toyo chỉ mới mười hai tuổi. Mỗi sáng, khi thức dậy vào lúc ánh ban mai chưa hé rạng, cỏ cây còn ướt đẫm sương, Toyo hé mắt nhìn qua khe cửa bằng giấy. Chú nhìn thấy những đệ tử trong ngôi đền Kennin cổ kính đang lần lượt đi vào phòng của thầy để thụ giáo tham thiền.

Những đệ tử kính cẩn lui ra, sau khi họ đã nhận được lời thầy. Nó có thể giúp người tham thiền sau một thời gian suy ngẫm có thể chặn đứng được sự lang thang của tâm thức.

Và Toyo cảm thấy khao khát được bước vào sau cánh cửa u tịch kia, nơi những bông hoa đang ngào ngạt tỏa hương, mùi trầm bay thoang thoảng và thầy Mokurai đang im lặng tọa thiền bên cạnh chén trà cổ có men màu xanh ngọc để trên chiếc khay gỗ chạm đen bóng.

Một hôm, Toyo bám vào vạt áo của thầy khi ông đứng ở hành lang, ngắm nhìn ánh tà dương đang lặn dần ở phía xa xa, nơi núi non xanh xao mờ ảo. Chú van xin thầy hãy cho chú tham thiền.

Mokurai nhìn chú bé còn đầy vẻ ngây thơ và trong sáng, không nói gì hồi lâu. Rốt cuộc ông cũng thốt lên mấy tiếng ngắn gọn: "Con còn nhỏ lắm, hãy biết chờ đợi". Nói xong thiền sư lui vào phòng và đóng cửa lại.

Toyo không biết làm sao. Ngày ngày, khi làm các công việc mà chú được giao trong đền như tưới cây, quét lá, dội nước nhà tắm, trong các bữa ăn, chú đều suy nghĩ đến việc làm sao xin thầy cho tham thiền. Và mỗi ngày, vào lúc tinh mơ, chú lại lặng lẽ nhìn qua khe cửa, dõi theo bóng những đệ tử bước vào phòng của Mokurai. Chú cũng không dám ngỏ lời xin Mokurai cho được học thiền. Nhưng mỗi khi Mokurai bước ra hàng hiên để ngắm mặt trời lặn, Toyo lại nắm vào vạt áo của thầy và im lặng.

Mokurai thấy chú bé quyết chí, cuối cùng đã làm vừa lòng chú.

Vào một giờ riêng biệt, vào buổi chiều, Toyo được một đệ tử chạy ra vườn, báo cho chú hay rằng chú nên tạm dừng công việc để vào gặp thầy. Toyo mở cờ trong bụng. Chú bước đến cửa phòng thầy một cách thận trọng. Chú cầm lấy chiếc dùi và đánh ba tiếng chuông báo hiệu sự có mặt của mình. Sau đó, cung kính ba lần thi lễ trước cánh cửa của phòng tham thiền, Toyo im lặng bước vào phòng, ngồi xuống trước mặt thầy với tư thế trang nghiêm và kính trọng.

Mokurai nói: "Con nghe được âm thanh của hai bàn tay vỗ vào nhau. Bây giờ con hãy chỉ cho thầy âm thanh của một bàn tay".

Nói xong, ông ra hiệu cho Toyo ra ngoài, kết thúc buổi tham thiền.

Toyo cúi đầu bái thầy rồi về phòng riêng của chú để soi xét việc này. Trong đầu chú lởn vởn ý nghĩ về âm thanh của một bàn tay.

Bỗng nhiên, trong buổi chiều tà, có tiếng nhạc văng vẳng từ xa dội lại. Đó là tiếng nhạc của các cô geisha xinh đẹp. Những âm thanh này thật huyền diệu và bay bổng.

Toyo reo lên: "A ! Ta có rồi!".

Vào buổi chiều ngày hôm sau, Mokurai hẹn gặp Toyo. Ông nói chú hãy minh giải âm thanh của một bàn tay. Sau những nghi lễ cẩn trọng với thầy, Toyo rút ra một chiếc đàn koto. Chú cố gắng nhớ lại những ngón đàn mà mẹ chú đã từng đánh hồi chú còn rất bé, học lỏm được trong các cuộc đối ẩm của bà với bạn bè và chơi đoạn nhạc của các cô geisha mà chú nghe được chiều hôm trước.

Mokurai kiên nhẫn nghe hết đoạn nhạc. Ông uống trà rồi bảo: "Không. Không. Cái đó không bao giờ đúng. Đó không phải là âm thanh của một bàn tay".

Toyo ra khỏi phòng tham thiền. Chú gói cây đàn vào một chỗ. Và hiểu rằng nên chấm dứt việc nghĩ đến nhạc. Và chú không ở trong căn phòng nhỏ của mình nữa. Rất kiên quyết, Toyo dời chỗ ở của mình vào một túp lều cỏ trong rừng. Nơi này rất yên tịnh. Nó có thể là một nơi trú ẩn tuyệt vời cho những kẻ ưa trầm tư. Vậy cái gì có thể là âm thanh của một bàn tay? Chú lại tiếp tục suy nghĩ. Bất chợt, trong đêm khuya thanh vắng, Toyo nhận ra có tiếng suối chảy róc rách thật thơ mộng. Và trái tim của Toyo reo vang: "Ta đã biết rồi !".

Khi gặp được Mokurai, Toyo chúm miệng và bắt chước tiếng nước chảy róc rách mà chú cảm thấy là thần diệu.

Mokurai nhìn thật kỹ vào cái miệng chúm của Toyo và nói: "Ồ, cái này là tiếng nước chảy, nó không phải là âm thanh của một bàn tay. Hãy cố nữa".

Toyo lại vào rừng, lần này chú rời nhà xa hơn chỗ có tiếng nước chảy. Và trong đêm tối mơ màng với ánh lửa mờ nhạt, chú nghe thấy trong dòng trầm tư có tiếng thở dài của gió.

Không phải, không phải âm thanh của một bàn tay. Mokurai nói với chú và cho chú về.

Vậy chắc là tiếng chim cú kêu vang vào chiều tối trên những cành cây cao ngất nghểu. Tiếng chim u hoài và buồn thảm.

Không, không phải, không phải âm thanh của một bàn tay.

Hay đó là tiếng của những con châu chấu đang lách tách đạp chân trong những kẽ lá tìm chỗ ngủ?

Không, không phải âm thanh của một bàn tay.

Một năm trôi qua, chú bé Toyo gầy đi và có thêm vẻ trầm tư hơn. Chú lắng nghe mọi âm thanh bằng đôi tai và suy nghĩ về âm thanh đó. Chú đã nhận ra nhiều loại âm thanh khác nhau. Tim chú có thể thắt lại vì tiếng khóc, tiếng thở dài, hân hoan nghe thấy tiếng hát khe khẽ của các bà mẹ đong đưa con trên nôi, tiếng cánh hoa tí tách nở trong đêm thâu. Chú cũng nghe được tiếng thác nước ào ào, tiếng thú rừng gọi bầy, tiếng cọp đói gầm vang tìm mồi. Toyo đã bước vào sự thiền định thật sự và siêu việt qua tất cả mọi âm thanh.

Chú nhận thấy rằng sự tĩnh lặng, hay âm thanh không âm thanh là siêu việt nhất. Chú không còn sưu tập các thanh âm khác nữa.

Và trong căn phòng tham thiền với mùi hoa thoang thoảng, Mokurai nhìn thấy học trò của mình bước vào một buổi chiều. Chú ngồi im trên chiếc nệm cỏ và mơ màng. Chú không nghe thấy thầy hỏi gì. Ông hiểu được rằng học trò của mình đã ngộ được thế nào là âm thanh của một bàn tay.

2. Đại sư Mokurai tại đền Kennin đang tập trung cho việc thiền định. Ông không ra ngoài. Thậm chí, hành lang của đền Kennin, nơi ông rất ưa thích ngắm cảnh vào mỗi buổi chiều cũng vắng bóng đại sư. Hành lang vẫn được quét dọn và lau chùi sạch bóng. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ lưỡng có thể thấy ở lan can bằng gỗ có một vệt bụi mỏng, chỗ mà Mokurai vẫn dựa vào mọi chiều. Một đệ tử của ông chuyên lo việc lau dọn lan can này đã để lại vết bụi ấy để mỗi ngày, tuy không còn nhận lời dạy từ đại sư nhưng cậu ta vẫn có thể nhìn thấy bóng dáng của thầy hiển hiện nơi hành lang kia để tiếp tục suy ngẫm.

Mỗi ngày, chỉ có Toyo là được phép mang cơm vào cho đại sư trong một chiếc hộp gỗ mà đại sư ưa thích, và cũng chỉ có chú bé này mang đến cho đại sư những ấm trà mới. Những học trò không chăm chỉ hay chưa thông tuệ lắm của Mokurai rất ngại gặp thầy trong những ngày trong thời kỳ tập trung của Mokurai. Họ có thể bị thầy gọi lại, hỏi những câu hay làm những hành động mà trí tuệ hạn định của họ chưa thể nào hiểu được. Một học trò đồn rằng một hôm có một chú mèo con, không biết của nhà ai đã lọt vào đền Kennin. Chú mèo trắng muốt, mắt tròn xoe dễ thương đến nỗi chỉ cần nhìn thấy chú là đã đủ thích mê được. Các đệ tử tranh nhau chú mèo này. Và rốt cuộc, họ chia thành hai phe để tranh mèo. Đúng lúc họ ồn ào tranh cãi nhất thì Mokurai đến. Ông vồ lấy chú mèo, rồi giơ cao về phía trước. Cất giọng ồm ồm, đại sư hỏi: "Ai nói được điều gì đó thì ta sẽ cho con mèo". Các đệ tử im lặng sợ hãi. Và nhiều kẻ cố trấn tĩnh để suy nghĩ. Nhưng rốt cuộc, ngay cả những môn đệ ngày thường tỏ ra thông tuệ nhất cũng không nghĩ ra câu gì nên hồn. Mokurai không nói gì, ông chém ngang chú mèo và vứt vào một xó.

Nhưng dù sao, câu chuyện có vẻ huyền thoại này đã làm cho các đệ tử trở nên cẩn thận hơn trong thời gian mà Mokurai đang tập trung thiền định. Và họ không muốn xảy ra những điều mà họ không hiểu, hay họ cho rằng hiểu rồi lại không hiểu.

Nhưng một ngày đầu tháng tư, khi mà anh đào bắt đầu nở hoa, các học trò của Mokurai đi ngắm hoa ở trong khoảng rừng anh đào cách đền chừng vài dặm thì đã xảy ra một chuyện ghê gớm. Khi đó, cả ngôi đền chỉ còn có đại sư và đệ tử Tatsu, một chú bé vừa nhập môn. Buổi sáng sớm, khi Tatsu đang quét sân, bỗng chú nhận ra ở ngoài cổng đền có một bóng phụ nữ. Chỉ là một tà áo phơ phất màu thanh thiên ở trước cánh cổng bằng gỗ sơn. Nhưng Tatsu cảm thấy rất xúc động vì cảnh tượng ấy trông thật gợi cảm, nhất là khi mùa xuân vừa đến và những cánh hoa anh đào đang vào thời kỳ nở rộ. Tatsu rón rén bước về phía cổng, mắt nhìn chăm chú vào tà áo thanh thiên kia như sợ nó sẽ bay mất.

Cuối cùng thì chú cũng nhận ra người phụ nữ đứng ở cổng đền. Đó là một người đàn bà chừng bốn mươi tuổi. Bà có vẻ mặt nghiêm trang. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng bà là một người đàn bà rất đẹp. Trong chiếc áo màu da trời, bà vẫn còn vẻ duyên dáng và mềm mại rất phụ nữ. Bà cúi đầu, tay nắm vào cán chiếc ô làm bằng sừng và hỏi Tatsu bằng một giọng nói trong trẻo xem đại sư có trong đền hay không. Bà muốn diện kiến đại sư.

Tatsu đứng lùi lại một bước và cảm thấy sợ hãi cực độ. Chú run lẩy bẩy khi nghĩ rằng cuối cùng thì định mệnh đã gõ cửa số phận của chú khi đưa bà khách có tà áo màu thanh thiên đến đây. Chú mới được thu nhận vào đền, chưa kịp học hành gì vì đã vào mùa thiền định của đại sư. Do đó, chú chẳng có sức mạnh gì trong tâm thức nhờ học đạo mà chỉ có nỗi sợ hãi vì nhớ đến những huyền thoại xoay quanh mùa thiền định của thầy. Có thể một chuyện không hay sẽ đến với Tatsu nếu như chính chú phải dẫn người đàn bà này vào gặp Mokurai.

Chú từ chối. Người đàn bà van vỉ. Nhưng Tatsu vẫn kiên quyết từ chối. Chú không muốn dây dưa. Chú cầm chổi để chạy vào đền Kennin, lẩn tránh người đàn bà. Nhưng bà ta chẳng chịu thua, kéo cán chổi lại và nắm chặt vạt áo dài lòng thòng của Tatsu. Hai người co kéo hồi lâu. Tatsu nước mắt lưng tròng và run rẩy. Còn người đàn bà âm thầm nhưng kiên quyết.

Cực chẳng đã, Tatsu đã phải dẫn người đàn bà kia vào sân và vào báo với thầy. Chú đánh một hồi chuông. Thi lễ kính cẩn ba lần trước cửa phòng thầy rồi mới vào để bẩm báo.

Đại sư đang ngồi im lặng như một pho tượng. Nghe tiếng thì thào của Tatsu liền choàng tỉnh giấc. Và không có một cơn giận nào xảy ra như Tatsu tưởng tượng, Mokurai lệnh đưa người đàn bà vào phòng thiền định của mình.

Tatsu ra ngoài, chú khép cửa lại sau khi đã dâng trà. Tuy nhiên, như nhiều đứa trẻ khác, Tatsu không thể nào chối bỏ được ý nghĩ sẽ coi lén xem câu chuyện gì diễn ra trong căn phòng bí hiểm kia. Chú đành tìm một chỗ thuận tiện nhất và ghé mắt vào, tim đập thình thịch và lo lắng vì biết đâu một tai nạn bất ngờ sẽ đến với chú.

Thiền sư im lặng trong bóng tối mờ mờ của căn nhà. Ông cứ ngồi như thế trước mặt người đàn bà mặc áo màu da trời hồi lâu. Không ai có thể nhìn rõ nét mặt của Mokurai vào lúc ấy. Rồi bỗng ông đọc một bài thơ nhẹ nhàng và bay bổng:

"Tôi đã cứ tự hỏi và tự hỏi rằng

Khi nào nàng sẽ đến

Và giờ đây thì chúng tôi đang được ở bên nhau

Tôi còn phải suy nghĩ gì nữa nhỉ ?”.

Còn người đàn bà thì lặng lẽ khóc. Rồi bất chợt, bà ngả đầu vào vai của thiền sư. Ông ôm chặt lấy bà. Và hai người cùng tuôn rơi những giọt lệ trong sự im lặng. Bên cạnh họ, hai chén trà đang bốc khói ngày càng nhẹ hơn. Bình hoa sen có những bông đang gục dần dưới gánh nặng thời gian nhưng vẫn tỏa hương thơm man mác. Và ngoài cửa, chú bé Tatsu há miệng kinh ngạc.

Đó là một cuộc kỳ ngộ lạ lùng nhất trong ngôi đền Kennin mà về sau các đệ tử của Mokurai tha hồ truyền tụng và vẽ vời thêm một vài chi tiết mà họ tưởng tượng ra. Những chi tiết được thêm thắt và lòng sùng kính của họ với đại sư làm cho câu chuyện trở nên ly kỳ và huyền hoặc hơn. Thậm chí nó gần như thành một câu chuyện bịa.

Nhưng câu chuyện về đại sư chưa kết thúc ở đây. Vào mùa hè năm ấy, khi đại sư đã viên tịch khá lâu, Tatsu, giờ đã trở thành một chức sắc của đền Kennin nhân một hôm dọn lại căn phòng của người thầy quá cố đã tìm thấy một chiếc hộp gỗ có vẽ những cánh hạc bay trong không trung. Chiếc hộp cũ kỹ này có lẽ đã được cất giữ quá lâu, bụi bám đầy trên những cánh hạc. Nhưng những bản lề của hộp vẫn rất chắc chắn. Tatsu mở hộp và nhìn thấy trong đó có một bức thư viết trên giấy đã ố vàng với những nét bút mềm mại và ngay ngắn, bức thư được cuốn rất khéo trong một dải lụa màu hồng nhạt. Và chẳng có gì khó khăn khi Tatsu lập tức nhớ đến người đàn bà mặc áo màu thanh thiên đã gõ cửa đền Kennin khi ông còn là chú bé cầm chổi quét sân đền. Bức thư này thực chất là một bản chép tay hai bài thơ, một dài và một ngắn.

"18 tuổi

Trong khu vườn nhỏ xinh với những chú cá vàng

Tôi đã tự hỏi, điều gì khiến cho chàng bỏ tôi đi

Không một lời từ biệt.

Lấy chồng và sinh con

Trong cơn sinh nở xé ruột

Hay khi cặm cụi dệt vải trong đêm

Tôi muốn thấy bàn tay và bờ vai nương tựa

Mơ màng nhớ lại khu vườn cũ

Yêu ta sẽ nhận lại điều gì?

Trong căn phòng tĩnh lặng

Hương sen bên tách trà

Một vòng tay ôm chặt

Yêu - cho không nhận lại"

"Tôi đã cứ tự hỏi và tự hỏi rằng

Khi nào nàng sẽ đến

Và giờ đây chúng tôi được ở bên nhau

Tôi còn phải suy nghĩ gì nữa nhỉ?"

Tatsu đã đem hai bài thơ này đi hỏi. Và ông nhận được câu trả lời của một người thông tuệ. Ông này nói đích thực bài thơ đầu không rõ của ai, nhưng bài thứ hai là của thiền sư Ryokan (1758-1831). Ryokan đã làm bài thơ này năm ông 69 tuổi và gặp được một đệ tử thiền 29 tuổi là Teishin. Giữa họ đã nảy nở một tình yêu trong sáng. Ông còn nói thêm, người ta có thể ngộ được bản chất của âm thanh sau một vài năm, nhưng để ngộ được bản chất của tình yêu thì có khi phải mất cả cuộc đời.

Vương Biên Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.