Truy bắt "Bác sĩ tử thần" Đức Quốc xã

04/12/2007 02:46 GMT+7

Kỳ 1: Chiến dịch Cơ hội cuối cùng Aribert Heim là một bác sĩ người Áo từng làm việc cho Đức Quốc xã, nổi tiếng với biệt hiệu "Bác sĩ tử thần"ä. Hơn 60 năm sau Thế chiến 2, cuộc truy bắt "tử thần" vẫn đang tiếp diễn.

Chạy đua với thời gian

Cuối tháng 11.2007, tiến sĩ Efraim Zuroff, người đứng đầu Trung tâm Simon Wiesenthal tại Israel chuyên điều tra tội ác Đức Quốc xã, đã đến Nam Mỹ để khởi động chiến dịch Cơ hội cuối cùng (Operation Last Chance). Mục tiêu của chiến dịch là truy bắt những cựu thành viên khét tiếng của chế độ Đức Quốc xã đang lẩn trốn để đưa ra ánh sáng công lý. Trong số các đối tượng mà Zuroff truy bắt có Aribert Heim, một bác sĩ người Áo từng cai quản nhiều trại tập trung của phát xít Đức.


"Bác sĩ tử thần" vào năm 1959 - Ảnh: EPA

Aribert Heim cùng nhiều tội phạm Đức Quốc xã lọt lưới khác giờ đang ở độ tuổi 80 - 90 nên các nhà điều tra phải tăng tốc để đuổi kịp thời gian. Bằng không, đối tượng mà họ truy đuổi có thể mang theo tội ác xuống huyệt mộ.

Trước khi mở rộng quy mô truy bắt tới Nam Mỹ, chiến dịch Cơ hội cuối cùng đã được triển khai ở châu u. Tiền thưởng mà Trung tâm Simon Wiesenthal của Zuroff treo cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ mỗi tội phạm Đức Quốc xã là 10.000 USD. Riêng số tiền treo trên đầu "Bác sĩ tử thần" Aribert Heim đã lên tới 448.000 USD, trong đó có 74.000 USD do Bộ Tư pháp Áo công bố hồi tháng 7.2007 và 191.000 USD do Chính phủ Đức treo thưởng vào năm ngoái.

Tại Đức, một tòa án ở thành phố Baden-Baden hồi năm 2006 cũng đã phát lệnh truy nã Heim trên phạm vi toàn thế giới. Điều khó khăn cho các nhà điều tra chính là sự ra đời của mạng lưới ODESSA sau khi Thế chiến 2 kết thúc. Một số báo cáo gần đây của cơ quan điều tra cũng như thông tin từ báo giới cho rằng với sự giúp đỡ của ODESSA, Heim thường xuyên thay đổi nơi cư ngụ, từ Tây Ban Nha tới Ý, từ Chile tới Uruguay. Vì thế, việc truy tìm Heim và nhiều nhân vật khác đang được ODESSA che chở là một nhiệm vụ nan giải. Hoạt động của ODESSA bí ẩn đến mức hầu hết những cựu thành viên Đức Quốc xã mà tổ chức này "cưu mang" sống hay chết thế nào là điều hoàn toàn bí mật đối với cả thế giới.

Bàn tay ODESSA

Sau khi Đức Quốc xã thất bại vào năm 1945, trùm phát xít Adolf Hitler cùng cánh tay phải Heinrich Himmler chết, hàng loạt nhân vật cao cấp của chế độ này đã bị đưa ra tòa án xét xử tội ác phát xít ở Nuremberg, Đức. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nhân vật cộm cán lọt lưới, trong đó có các cựu thành viên của lực lượng đặc biệt SS khét tiếng. Những con hùm lọt lưới này đã liên kết với nhau và lập nên mạng lưới ngầm ODESSA với mục đích bảo vệ các cựu thành viên SS không bị đưa ra ánh sáng công lý, theo tài liệu của Trung tâm Simon Wiesenthal. Kênh truyền hình ZDF của Đức, qua nhiều cuộc phỏng vấn với các cựu thành viên SS, thì lại khẳng định rằng ODESSA không phải là một tổ chức thống nhất trên toàn cầu như tài liệu của Simon Wiesenthal nói mà bao gồm nhiều tổ chức cả bí mật lẫn công khai (trong đó có cả CIA, một số chính phủ tại châu Mỹ La-tinh và mạng lưới của nhiều giáo sĩ ở Ý). ZDF chỉ đồng ý với Simon Wiesenthal ở một điểm là ODESSA che chở cho các cựu thành viên SS. Một số tài liệu còn cho biết ODESSA hợp tác với các tổ chức tội phạm ma túy, buôn vũ khí... tại châu u và châu Mỹ La-tinh.

Theo cuốn sách Martin Bormann: phần tử Đức Quốc xã lưu vong của nhà báo Mỹ Paul Manning, ODESSA đã đưa hơn 10.000 cựu quân nhân Đức Quốc xã từ châu u sang Nam Mỹ trót lọt. ODESSA từng che chở cho một số nhân vật khét tiếng của Đức Quốc xã như "Thiên thần chết chóc" Josef Mengele, người từng tiến hành hàng loạt vụ thử nghiệm khoa học dã man trên cơ thể tù nhân Do Thái, và "Gã đồ tể Lyon" Klaus Barbie, cựu chỉ huy cơ quan mật vụ Gestapo tại Lyon, Pháp, kẻ bị cáo buộc đã tra tấn đến chết ít nhất 4.000 tù nhân. Josef Mengele cuối cùng đã chết đuối do bị trụy tim trong khi bơi tại Brazil vào năm 1979 sau một thời gian dài lẩn trốn. Klaus Barbie cũng trốn thoát qua Argentina và sau đó sống yên ổn ở Bolivia. Mãi đến năm 1983, một thời gian sau khi ông Hernan Siles Zuazo trở lại làm Tổng thống Bolivia thì Barbie mới bị trục xuất sang Pháp. Năm 1987, tòa án tại Lyon kết án chung thân Barbie và "Gã đồ tể Lyon" đã chết trong tù ở tuổi 77 (năm 1991) vì ung thư bạch cầu.

Josef Mengele, Klaus Barbie nằm trong số rất nhiều cựu quan chức, chuyên gia khét tiếng dưới thời Đức Quốc xã lọt lưới và không phải ra tòa án xét xử tội ác phát xít ở Nuremberg. Nhưng Barbie dù sao cũng đã bị xét xử bởi một tòa án khác và trước khi chết, tội ác của nhân vật này đã được làm rõ bằng phán quyết của tòa. Trong khi đó, Josef Mengele lại chết vì bệnh tật, mang theo tất cả tội ác của quá khứ xuống mồ. Vì thế, giới chức nhiều nước và một số tổ chức quốc tế đã không ngừng tăng tốc truy tìm những cựu thành viên còn lại của Đức Quốc xã để xét xử trước khi quá muộn. "Bác sĩ tử thần" Aribert Heim, người nếu còn sống thì hiện đã 93 tuổi, đứng đầu danh sách truy nã này. (Còn tiếp)

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.