IPO nhộn nhịp trở lại

01/11/2007 21:58 GMT+7

Thời điểm hiện nay, khi thị trường niêm yết khởi sắc trở lại thì các đợt IPO từ nay đến cuối năm cũng được hâm nóng.

Nhiều đợt IPO hấp dẫn 

Chỉ cách đây vài tháng, hầu hết các đợt đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khá khiêm tốn với mức giá, số lượng cổ phiếu, nhà đầu tư... Còn thời điểm hiện nay, khi thị trường niêm yết khởi sắc trở lại thì các đợt IPO từ nay đến cuối năm cũng được hâm nóng. Rất nhiều công ty đã chọn thời điểm này để tiến hành IPO. Có thể kể như: Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước (Công ty Tín Nghĩa), Công ty du lịch dầu khí Phương Đông; Công ty thép Nhà Bè, Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy... Đặc biệt gây chú ý nhất, được cả giới đầu tư trong và ngoài nước mong chờ nhất là Vietcombank (VCB).

Đối với Vietcombank, theo phân tích của một chuyên gia chứng khoán, với việc chỉ đấu giá cổ phần công khai trong nước là 6,5% vốn điều lệ, tương đương 975 tỉ đồng thì sự ảnh hưởng của "quả bom tấn" VCB không có gì là lớn đối với thị trường nói chung. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất của việc IPO VCB chính là vấn đề tâm lý. Trên thực tế, từ trước tới nay các cổ phiếu ngành ngân hàng khi mới được thị trường định giá sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư vì họ sẽ dùng mức giá cổ phiếu mới IPO này để so sánh xem có cần cơ cấu lại danh mục đầu tư hay không. Không chỉ riêng VCB, hầu hết các công ty IPO từ nay đến cuối năm đều khá hấp dẫn với các nhà đầu tư. Ví dụ như KCN Tam Phước tọa lạc tại vị trí đắc địa, nằm ngay sát sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai, gần các khu cảng và đường quốc lộ. Bên cạnh đó, do hạ tầng (đường sá giao thông nội bộ, hệ thống điện, nước, thoát nước...) được đánh giá là tốt nên KCN Tam Phước đã lập tức thu hút được 80% nhà đầu tư đăng ký thuê đất và hiện nay đã lấp đầy 100% diện tích với 56 nhà đầu tư, tổng số vốn thu hút được là 300 triệu USD.

Trở về thời "hoàng kim"

Khác với không khí trầm lắng và mức giá thất vọng của các đợt IPO trước đây, các đợt IPO vừa qua đã thu hút sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư và mức giá đấu trung bình cũng "hoành tráng" trở lại. Đơn cử như phiên đấu giá của Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), vào ngày 29.10 vừa qua. NBB đã đấu giá thành công 3 triệu cổ phần với giá trúng bình quân là 72.739 đồng/cổ phần, gần gấp đôi giá khởi điểm. Đây được xem là một trong những phiên đấu giá sôi động nhất gần đây tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với gần 1.400 nhà đầu tư đăng ký với tổng khối lượng đặt mua gần 20 triệu cổ phần.

Hai ngày sau đó, phiên đấu giá của Công ty du lịch dầu khí Phương Đông cũng nhộn nhịp với tổng số nhà đầu tư đăng ký tham gia là 1.360 nhà đầu tư, trong đó có 1.340 nhà đầu tư là cá nhân đăng ký mua 18.886.800 cổ phần và 20 nhà đầu tư là tổ chức đăng ký mua 18.786.000 cổ phần. Tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua lên tới gần 37,7 triệu cổ phần, gấp 7,2 lần lượng đăng ký bán đấu giá (tổng số lượng cổ phần được đem ra đấu giá đợt này là 5.234.500 cổ phần). Giá đấu thành công cao nhất là 51.000 đồng/cổ phần, giá đấu thành công thấp nhất là 19.600 đồng/cổ phần và giá đấu thành công bình quân là 21.884 đồng/cổ phần, gần gấp đôi giá khởi điểm (11.000 đồng/cổ phần).

Trước đó, phiên đấu giá cổ phần của Công ty tài chính dầu khí cũng sôi động khi thu hút 8.212 nhà đầu tư tham gia với tổng khối lượng đặt mua lên tới trên 162 triệu cổ phần, trong khi tổng khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá chưa tới 60 triệu cổ phần. Mức giá khởi điểm 51.000 đồng/cổ phần nhưng mức giá đấu thành công cao nhất lên tới 170.000 đồng/cổ phần và mức giá đấu thành công bình quân đạt xấp xỉ 70.000 đồng/cổ phần.

Theo một nhà đầu tư mới tham gia đợt đấu giá cổ phần NBB, sở dĩ các nhà đầu tư hồ hởi với các đợt IPO là kỳ vọng vào mức lợi nhuận của các cổ phiếu này sau khi lên sàn. Hình ảnh các "tân binh" chào sàn quá ấn tượng vừa qua khiến các nhà đầu tư tin tưởng vào kịch bản tăng giá này sẽ tiếp tục tái diễn với các cổ phiếu mới chào sàn trong thời gian tới. Đứng từ góc độ chuyên môn, một chuyên gia chứng khoán phân tích, các đợt IPO gần đây thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi hầu hết là các công ty có thương hiệu, doanh thu, lợi nhuận tốt. Đặc biệt, các công ty này đều hoạt động trong những lĩnh vực mà khả năng sinh lời cao như dầu khí, ngân hàng, bất động sản...

Thị trường lạc quan, một nguồn tiền lớn từ các tổ chức trong và ngoài nước đang chờ giải ngân... Tất cả những yếu tố này cho thấy, các đợt IPO trong thời gian tới sẽ nhộn nhịp và thu hút đông đảo sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.