Đêm qua, cả nước rúng động trước nguy cơ sóng thần

27/12/2006 02:11 GMT+7

* Các tỉnh ven biển di tản dân * Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có mặt tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư để theo dõi và chỉ đạo

Tin dữ trong đêm

Vào 20h12 tối qua (26/12), các hãng thông tấn lớn như CNN, BBC, AP đồng loạt chạy tít lớn: Động đất mạnh tại Đài Loan, có nguy cơ sóng thần đổ bộ vào Philippines. Lúc đó, Trung tâm Đo đạc địa chất Mỹ (USGS) thông báo đã đo được một trận động đất mạnh 7,1 độ Richter ở vùng biển phía nam Đài Loan vào 19h26 (giờ Việt Nam), trong khi Cơ quan dự báo khí tượng Đài Loan đưa ra con số 6,7 độ Richter. Tâm chấn được xác định cách bán đảo Hengchun 23km, tại mũi cực nam của Đài Loan, với độ sâu 10km dưới mặt nước biển. Một cơn dư chấn có độ mạnh 6,4 độ Richter đã xuất hiện 10 phút sau đó. Hai cơn địa chấn liên tiếp này đã làm rung chuyển các tòa nhà cao tầng tại Hồng Kông.

Theo Viện Vật lý địa cầu, ngày 28/12 này, Hội đồng khoa học của Viện sẽ có cuộc họp bàn về việc thực hiện "Quy chế báo tin động đất và cảnh báo sóng thần". Mặc dù quy chế đã được ban hành, nhưng thực tế hầu như chưa thể thực hiện do còn thiếu về cơ sở vật chất và nhân lực. Theo quy chế này, Viện Vật lý địa cầu, có nhiệm vụ theo dõi động đất, trong trường hợp xảy ra, cần thông báo về Ủy ban Phòng chống lụt bão và thiên tai. Trong nước hiện có 24 trạm quan trắc động đất nhưng chưa có thiết bị cảnh báo sóng thần.

Khi đó, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) đặt tại Hawaii (Mỹ), dự đoán trận động đất trên không gây sóng thần trên diện rộng tại Thái Bình Dương, nhưng vẫn chưa xác định được liệu Đài Loan hay Philippines có đang nằm trong vòng nguy hiểm hay không. Trang web của PTWC cảnh báo: "Các trận động đất như dạng này đôi lúc có thể gây ra sóng thần cục bộ, có khả năng phá hủy các bờ biển trong bán kính 100 km tính từ tâm chấn".

Tin tức này lập tức gây chấn động khu vực xung quanh Đài Loan, trong thời điểm châu Á đang tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ động đất gây sóng thần vào ngày này cách đây 2 năm. Cơ quan khí tượng Nhật Bản cảnh báo một cơn sóng thần có chiều cao hơn 1m đang tiến vào bờ biển phía bắc Philippines, tại thành phố Basco của nước này. Lệnh sơ tán được triển khai tức thời tại khu vực trên. Tại Đài Loan, báo giới đưa tin ít nhất 1 người thiệt mạng, 3 người bị thương vì nhà sập, trong khi hệ thống giao thông và đường dây điện thoại bị tắc nghẽn.

Trong nước, cùng thời điểm đó, thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra sóng thần tại vùng bờ biển Việt Nam được phát dồn dập trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam. Bản tin cũng yêu cầu các địa phương khẩn cấp sơ tán dân vào sâu trong đất liền từ 300 - 500m hoặc tìm nơi đất cao, đưa tàu thuyền kéo ra xa bờ...

Hành động nhanh

Ngay khi nhận được thông tin, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tới ngay Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư để nghe các nhà khoa học Việt Nam thông báo những diễn biến tiếp theo của đợt sóng thần.

Đến 22h (giờ Việt Nam), Cơ quan khí tượng Nhật Bản "hạ nhiệt" bầu không khí căng thẳng sau khi thông báo nguy hiểm đã qua và không có một cơn sóng thần nào đe dọa Philippines. Lúc 23h, các nhà khoa học đã thông báo với Phó thủ tướng tin vui là sóng thần không ảnh hưởng đến Việt Nam. Phó thủ tướng nhấn mạnh, dù sóng thần không xảy ra tại Việt Nam nhưng đây cũng là đợt tập dượt hết sức cần thiết để phòng chống thảm họa, thiên tai. Ông đề nghị các địa phương từ Quảng Bình đến Cà Mau thông báo với nhân dân quay về sinh hoạt bình thường, nhưng phải hết sức cảnh giác, chủ động để khi có những diễn biến phức tạp là có thể triển khai ngay phương án di dời dân và tàu thuyền ven biển. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ dự báo của các trung tâm cảnh báo sóng thần và động đất ở các khu vực.

23h10, VTV1 lại phát thông tin cho biết: Nguy hiểm đã qua đi. Sẽ không có cơn sóng thần dữ dội nào ảnh hưởng đến Việt Nam.

* Tại Quảng Bình, người dân tỏ ra rất lo lắng, gọi điện thông báo cho người thân biết để có biện pháp phòng tránh. Đến 23h, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh vẫn phát Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các ban ngành liên quan trực 24/24, chuẩn bị các phương án di dời dân và tàu thuyền. Rất nhiều người dân sống ven bờ biển Nhật Lệ tập trung ra đường Trương Pháp bàn tán, theo dõi tình hình. Số người dân sống ở các hàng quán dọc bờ biển đã chở con nhỏ, mang một số vật dụng quan trọng vào nhà ở sâu trong đất liền.

* Tại Thừa Thiên - Huế, 22h, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã phát đi công điện khẩn yêu cầu chủ tịch các huyện, thành phố, các cơ quan ban ngành: tìm cách để thông báo khẩn cấp thông tin sóng thần, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn, neo đậu an toàn. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Nguyễn Huy Ngọc và Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Thiện triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và phân công cán bộ lãnh đạo tỏa đi 5 nhánh: Phú Vang, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc để chỉ đạo các huyện triển khai công tác di dân khẩn cấp. Trên dọc tuyến đường, hàng trăm hộ dân các xã Thuận An, Phú Thuận... đã dùng tất cả mọi phương tiện từ xe máy, taxi và kể cả chạy bộ chạy ngược lên Huế để tránh sóng thần...

* Tại Đà Nẵng, bản tin sóng thần đã làm rúng động toàn bộ những gia đình tình cờ nghe nó và nó trở nên thực sự đáng sợ với những người dân đang sống ở những vùng ven biển. Ngay sau bản tin, nhiều người dân của thành phố Đà Nẵng đổ ra đường, âu lo nhìn trời, hầu hết đều thấp thỏm, hoảng hốt. 22h30, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã xuống các khu vực dân cư để trực tiếp chỉ đạo tình hình. Ông cho biết đã tập trung toàn bộ lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng... sẵn sàng ứng cứu ngay khi có trường hợp xấu xảy ra.

* Tại Quảng Nam, lúc 22h10 phút tối 26/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải đã triệu tập phiên họp khẩn cấp đặc biệt sau khi nhận được tin báo sóng thần. Ngay lập tức lãnh đạo tỉnh đã gọi điện thoại yêu cầu UBND các huyện, thị ven biển từ Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành tổ chức ngay đợt di dời dân khẩn cấp. Mặc dù thông tin phát đi trên VTV1 lúc 22h35 yêu cầu di dời cách mặt biển từ 300-500 mét, nhưng do khu vực ven biển Quảng Nam thấp nên UBND tỉnh yêu cầu di tản tối thiểu 500 mét lên vùng cao an toàn, tìm nơi trú ẩn qua đêm. Ngay trong đêm 26/12, không chỉ BĐBP đã huy động toàn bộ lực lượng, kể cả Hải đội 2 cũng đã nhanh chóng triển khai công tác sẵn sàng ứng phó cho các cơ quan quân sự ven biển.

* Tại Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Lâm Phi đã điện thoại chỉ đạo UBND TP Nha Trang, thị xã Cam Ranh và UBND các huyện ven biển cùng lực lượng quân đội, công an, BĐBP... khẩn trương gọi tàu thuyền vào bờ; di dời nhân dân, du khách ở vùng ven biển, cửa sông vào phía trong đất liền. Ngay sau đó, các đồn biên phòng đã triển khai lực lượng xuống dân.

* Tại Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận có công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB thị xã Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc khẩn trương thông báo và tổ chức cho nhân dân sinh sống dọc bờ biển từ Bình Tiên (huyện Thuận Bắc) đến Cà Ná (huyện Ninh Phước) sơ tán để tránh sóng thần có thể xảy ra trong đêm. Ban chỉ huy PCBL tỉnh đã triển khai trực 24/24 giờ và chuẩn bị lực lượng ứng phó

* Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trên các tuyến đường dọc bờ bãi ở bãi trước và bãi sau, hầu hết người dân sinh sống ở đây đều đã chuẩn bị thu dọn những tài sản có giá trị. Hàng nghìn người nhốn nháo đổ xô di tản lên hai núi lớn và núi nhỏ để tránh sóng thần. Ủy ban Phòng chống lụt bão tỉnh tập trung các phương tiện để di tản dân ven biển ở Long Hải, Phước Hải, Bình Châu vào các khu vực an toàn cách bờ biển hơn 300m...

Nhóm PV Thời sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.