Nhạt nhòa hội diễn

08/10/2009 01:02 GMT+7

Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 đã hạ màn. Đến hồi kết của đợt hội diễn này, vẫn thật khó để có thể tìm thấy một tia lửa nhen nhóm chút cảm xúc hay ấn tượng nào đó. Chỉ biết cứ đến hẹn là hội diễn lại được mở ra rồi nhạt nhòa trôi đi, còn công chúng thì hầu như rất ít biết đến.

Giới sân khấu vẫn còn nhiều hoài tưởng tốt đẹp cho những mùa hội diễn ra những năm 1980. Ở đó, hội diễn là những bệ phóng, nơi phát hiện và đăng quang của nhiều tên tuổi lớn của nền sân khấu Việt Nam. Nhưng cùng năm tháng qua đi, điều mà những mùa hội diễn sân khấu mang lại chỉ là những điều tiếng về “mưa huy chương” hoặc sự “độc diễn” của vài đạo diễn nào đó, bệnh chạy theo thành tích... Hội diễn đang dần đánh mất thương hiệu của nó.

Hãy nhớ lại xem, ở Liên hoan dành cho đạo diễn sân khấu trẻ năm 2007, không ít lời tung hô tài năng các đạo diễn trẻ ở ta rất “lấp lánh”, thậm chí “tầm cỡ thế giới”. Nhưng mùa liên hoan qua đi thì các tên tuổi ấy cũng “im thin thít, lặn mất tăm”. Gần đây, nhất là Liên hoan Sân khấu thể nghiệm toàn quốc 2008, hàng loạt huy chương cũng đã được trao. Vậy những huy chương đó có ý nghĩa ở đâu, hay nó chỉ là hình thức cho một liên hoan, cuộc thi, hội diễn nào đó? Ở hội diễn lần này, những huy chương rồi cũng đã được trao. Nhưng nhìn vào chất lượng của các vở diễn để so sánh với những huy chương của những mùa liên hoan, hội diễn trước đó liệu có khá gì hơn?

Cũng còn nhớ ở Liên hoan Sân khấu thể nghiệm toàn quốc 2008, đạo diễn Lê Hoàng từng gây sóng gió với bức “tâm thư” đề nghị “cải tổ” bằng cách trẻ hóa lực lượng Ban giám khảo ở mỗi kỳ hội diễn. Nhưng rồi, bức thư ấy cũng như viên đá ném xuống ao bèo. Nhìn vào danh sách ban giám khảo với những tên tuổi quen thuộc năm nay, không biết vị đạo diễn tác giả bức thư năm ngoái có chạnh lòng buồn?

Bên lề hội diễn, một đạo diễn tâm sự với một nỗi lòng buồn rười rượi. Buồn vì lẽ hội diễn lẽ ra là nơi tương tác, cộng hưởng của những sáng tạo, của những tìm tòi đổi mới trong nghệ thuật. Nhưng ở đây chỉ thấy sự cũ kỹ, lặp lại trong những cách dựng, tính cách nhân vật, thiết kế sân khấu... Cuộc sống luôn cần sự sáng tạo, và ở đó, người nghệ sĩ phải là người tiên phong. Đánh mất cảm xúc và sự sáng tạo, người nghệ sĩ đánh mất cả chỗ đứng của mình trong lòng công chúng. Một mùa hội diễn nguội lạnh như vậy, không biết các nhà tổ chức và các nghệ sĩ có nhận ra không?

Một mùa hội diễn cũng là dịp nhìn lại 5 năm bước đi của các sân khấu. Trong lúc sân khấu đang cần một sự biến chuyển mới thì đây cũng là dịp để tất cả cùng soi lại chính mình. Sẽ dũng cảm sáng tạo như một người nghệ sĩ đúng nghĩa hay chịu kiếp “sống mòn”, thui chột, thụt lùi? Để có được mùa gặt vào mùa hội diễn 5 năm tới, hãy bắt đầu từ vụ gieo hạt hôm nay! 

“Theo tôi, hội diễn lần này là dịp các sân khấu công lập và tư nhân có cơ hội gặp gỡ, tôn vinh, học hỏi lẫn nhau. Sân khấu công lập thường dựng vở chỉn chu, có ý tưởng này ý tưởng nọ, nhưng cái khó là đường đến khán giả. Còn sân khấu tư nhân thì có ưu điểm là tiếp cận được khán giả, dù cũng có cách nọ cách kia, nhưng hai bên cũng nên học hỏi để tìm về cách dựng một vở diễn đúng nghĩa và tiếp cận được với khán giả” - NSND Lê Hùng

“Hội diễn là dịp hội tụ để các sân khấu có dịp nhìn lại mình, xem ai ở đâu, đang ở vị trí nào? Những người làm sân khấu tư nhân chúng tôi tự hào rằng tuy có hạ cám, nhưng chúng tôi vẫn có cả thượng vàng. Tuy vậy, không biết có phải do cảm nhận chủ quan hay không, tôi có cảm giác rằng chúng tôi vẫn chưa được xem trọng thì làm sao lay chuyển một bức tường đã rêu phong, cũ kỹ?” - NSƯT Kim Xuân

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.