Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Hùng Vương: Nhiều lỗ hổng an ninh bệnh viện

19/03/2014 21:50 GMT+7

(TNO) Sau vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), nhiều lỗ hổng trong quy trình an ninh mà trước giờ bệnh viện cho rằng 'ổn và thành công', đã được phát hiện.

(TNO) Sau vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), nhiều lỗ hổng trong quy trình an ninh mà trước giờ bệnh viện cho rằng “ổn và thành công”, đã được phát hiện.


Việc đưa bé ra vào bệnh viện vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ

Trẻ bị bắt cóc có thể ra viện qua “cửa” nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trương, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, bệnh viện luôn chú trọng công tác an ninh, bảo đảm an toàn cho trẻ sơ sinh và chống buôn bán trẻ sơ sinh.

 

Quy trình quản lý, đảm bảo an toàn cho sản phụ và em bé tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cụ thể như sau:

6 giờ đầu sau khi sinh, sản phụ nằm tại khoa Sinh. Ngay tại cửa ra vào của khoa Sinh có một bàn bảo vệ để kiểm soát việc sản phụ và em bé ra khỏi khoa.

Sau đó, sản phụ sẽ được chuyển đến khoa Hậu sản. Ở khoa Hậu sản, mỗi sản phụ chỉ có một người nhà chăm sóc và phải đeo thẻ. Người nhà phải tự quản, trẻ sơ sinh được sản phụ và gia đình chăm sóc.

Khi em bé được bế ra viện sẽ được bảo vệ tại cổng bệnh viện kiểm tra các giấy tờ như giấy xuất viện, giấy chứng sinh và bấm lỗ vào các giấy tờ để không sử dụng lại lần nữa.

“Chúng tôi có quy trình kiểm soát an ninh trong bệnh viện. Quy trình này vẫn ổn và thành công”, ông Trương đánh giá.

Thế nhưng, sau khi vụ bắt cóc xảy ra, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương đã họp ba lần và phát hiện nhiều lỗ hổng.

“Vào giờ được phép thăm bệnh (sau 17 giờ), có rất nhiều người ra vào bệnh viện và khoa phòng. Lúc đó, người ra vào bệnh viện, đến thăm sản phụ và em bé mới sinh rất đông”, ông Trương phân tích.

Ngay tại khoa Hậu sản của bệnh viện cũng thiếu một chốt chặn bảo vệ để kiểm tra việc bế em bé ra khỏi khoa.

Ngoài ra, hiện bệnh viện cho sản phụ đi xuống từ nhiều cầu thang, lối đi khác nhau. Nên khi sản phụ và em bé đi xuống khỏi khoa Hậu sản thì nhân viên y tế sẽ không biết, không kiểm soát hết được.

Sau khi rà soát các cổng, bệnh viện phát hiện một cổng khuất, camera không quan sát được và có lỗ hở có thể chuyền em bé khoảng hơn 2 kg ra ngoài.

Mặt khác, “bệnh viện có rất nhiều cổng, bãi xe trong bệnh viện, khi trời tối, giờ thăm bệnh đông, có thể kẻ bắt cóc bế em bé ngồi trên xe chạy ra ở cổng giữ xe, không có bảo vệ, hoặc góc khuất không có camera”, ông Trương phán đoán về khả năng đưa em bé ra ngoài.

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, hiện nay, tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, khu khám bệnh ngoại trú, chủng ngừa cho em bé nằm lẫn với khu nội trú. Bệnh nhân đưa em bé đi chích ngừa vẫn bế con ra vào chung cổng với sản phụ bế em bé sơ sinh xuất viện. Điều này dễ tạo sự lẫn lộn trong việc kiểm soát trẻ sơ sinh hay trẻ đến chích ngừa ra về.

 
Người, xe tụ tập mất trật tự trước cổng chính Bệnh viện phụ sản Hùng Vương


Hàng quán, nhiều thành phần, đối tượng vây quanh cổng bệnh viện

Siết chặt kiểm tra người ra vào bệnh viện

 
Bà mẹ, người nhà chăm sóc nên giữ em bé kỹ, không để người lạ ẵm đi. Báo ngay cho bảo vệ, nhân viên bệnh viên khi thấy người lạ
Bác sĩ Nguyễn Văn Trương, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương
Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương khẳng định đã có phương án “bít” các “lỗ hổng” này.

Cụ thể, bệnh viện sẽ đặt thêm chốt bảo vệ ở khoa Hậu sản; quy định một lối đi cho sản phụ và em bé; trang bị thêm hệ thống camera hiện đại trong bệnh viện; gia cố lại cổng, tường rào.

Với phản ánh của phóng viên Thanh Niên Online, ông Trương thừa nhận sơ hở trong việc để lối đi cho trẻ nội, ngoại trú lẫn lộn với nhau. Qua đó, Bệnh viện cũng sẽ xem xét tách khu vực chích ngừa ngoại trú với khu nội trú, không đi chung cổng.

Đặc biệt, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương sẽ triển khai kiểm tra hết tất cả các túi xách, ba-lô lớn hơn 40 cm.

“Với những quy định nghiêm ngặt như thế có thể sẽ gây phiền toái cho bệnh nhân nhưng đó là biện pháp bảo vệ bệnh nhân. Mong mọi người thông cảm”, ông Trương chia sẻ.

 
Sau vụ bắt cóc, nhân viên y tế tăng cường kiểm tra người ra vào khoa Sơ sinh

Bên cạnh đó, theo giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, không bệnh viện sản khoa nào có đủ nguồn lực để bảo vệ hết an ninh bệnh viện, mà cần sự cảnh giác, hợp tác của gia đình bệnh nhân.

“Bà mẹ, người nhà chăm sóc nên giữ em bé kỹ, không để người lạ ẵm đi. Báo ngay cho bảo vệ, nhân viên bệnh viên khi thấy người lạ”, ông Trương khuyến cáo.

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, sau khi sự việc bắt cóc xảy ra, bệnh viện đã siết chặt việc ẵm em bé ra vào bệnh viện. Các bảo vệ kiểm tra giấy tờ từng trường hợp đưa em bé ra cổng. 

 
Bảo vệ kiểm tra giấy tờ của trẻ khi được bế ra cổng Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương chiều 19.3

Các bệnh viện bảo vệ an ninh, tránh bắt cóc trẻ như thế nào?

Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết: Nếu muốn đưa trẻ sơ sinh ra ngoài thì bắt buộc người đưa bé ra phải xuất trình giấy tờ tùy thân và giấy chứng sinh. Lực lượng bảo vệ không chỉ canh ở cổng mà còn chia người để trực tại các khu, khoa phòng.

Tại Bệnh viện Từ Dũ, khi trẻ sinh ra được nhân viên y tế chăm sóc ban đầu, mỗi em bé đều có đầy đủ dấu hiệu phân biệt như lắc tay, ký tự trên đùi em bé để chống nhầm lẫn.

Sau khi trẻ ổn định tốt sẽ được cho tiếp xúc với gia đình và sản phụ. Bệnh viện chỉ giao bé cho sản phụ và gia đình khi người mẹ sức khỏe đã ổn định và nằm tại khoa Hậu sản. Khi nhân viên y tế hay một người nào đó của bệnh viện tiếp xúc với gia đình sản phụ và em bé thì phải xuất trình thẻ và không tự tiện bồng em bé đi. Việc tiêm ngừa, tắm em bé được thực hiện tại giường sản phụ. Khi cần đưa em bé đi khám hay làm các xét nghiệm cần thiết thì người nhà bế bé đi cùng nhân viên y tế.

Tuy nhiên, bác sĩ Quang Thanh cũng chia sẻ, vấn đề lo lắng nhất của bệnh viện là những đối tượng chuyên nghiệp với đường dây bắt cóc tinh vi. “Nên quan trọng nhất vẫn là người thân và sản phụ phải đề cao cảnh giác không để những người đáng ngờ, khả nghi tiếp xúc với các em bé ngay cả những người tự xưng là nhân viên y tế”, bác sĩ Thanh nói.

Tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), có cổng cách biệt giữa khu nội trú và ngoại trú.

Ở cổng khu nội trú, bảo vệ canh 24/24. Mỗi lần bệnh nhi ra viện phải có giấy xuất viện, nếu đưa bệnh nhi ra làm xét nghiệm cũng phải có nhân viên đưa đi. Ngoài ra, tại những vị trí trọng yếu, bệnh viện cũng đã gắn camera theo dõi.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), khoa Khám bệnh, khoa Trẻ em lành mạnh khám bệnh ngoại trú được nằm tách biệt, vòng ngoài khu nội trú.

Bệnh viện có hai lớp cổng: Lớp cổng ra vào bệnh viện, khu khám bệnh ngoại trú. Bên trong mới đến lớp cổng khu nội trú và khu nội trú. Bất cứ trẻ nào ra khỏi cổng khu nội trú đều được bảo vệ hỏi giấy tờ, ghi nhận lại.

Hà Minh - Nguyên Mi

Viên An
Ảnh: Nguyên Mi

>> Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Hùng Vương: Bệnh viện không có trách nhiệm phải bồi thường gì
>> Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện Hùng Vương: Nghi can ra đầu thú
>> Em bé nghi bị bắt cóc ở Bệnh viện Hùng Vương đã được trả lại
>> Một trẻ sơ sinh bị bắt cóc tại Bệnh viện Hùng Vương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.