Tranh chấp về chơi hụi, họ... đã có cơ sở pháp lý giải quyết

30/11/2006 23:10 GMT+7

Như tin đã đưa, ngày 27.11, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP quy định về việc chơi “hụi”, “họ”, “biêu”, “phường” (NĐ quy định chung là chơi "họ"). Ngày 29.11, bà Hoàng Thúy Hằng, thành viên trong tổ soạn thảo NĐ, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp đã trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên về việc triển khai NĐ này.

* Thưa bà, với các quy định tại NĐ 144 liệu có thể điều chỉnh các hoạt động thực tế chơi "hụi", "họ"... của người dân trong khi từ trước đến nay, việc chơi "hụi", "họ"... đều theo những quy ước, thỏa thuận riêng của họ?

- Khi soạn thảo NĐ, chúng tôi cũng đã đi khảo sát ở nhiều địa phương. Một thời gian dài trước đây, thậm chí bây giờ vẫn còn xảy ra nhiều chuyện lợi dụng niềm tin của người chơi "hụi", "họ"... nên có không ít cá nhân giật hụi, lừa đảo rồi bỏ trốn mà phổ biến là cho người chơi được hưởng 1-2 lần.  Cho nên NĐ ra đời, căn cứ trên những thói quen, thỏa thuận phổ biến của hình thức vay, mượn này, đặt ra các quy định có tính nguyên tắc để điều chỉnh. NĐ chỉ cho phép việc vay mượn có tính chất tương trợ, giúp đỡ nhau trong nhân dân và không cho phép việc tổ chức chơi "hụi", "họ" có tính chất vay nặng lãi, đặt ra mức lãi suất quá đáng... mà phải theo lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự. Các hành vi lợi dụng để lừa đảo, tất nhiên, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật về hình sự.

* Các quy định trong NĐ sẽ được coi là căn cứ để giải quyết tất cả các tranh chấp của người tham gia chơi "hụi", "họ" không thưa bà?

- Các quy định trong NĐ là căn cứ để giải quyết tranh chấp nhưng chủ yếu là ở những điểm mang tính đặc thù của hình thức vay, mượn này. Còn các tranh chấp khác, vẫn theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nhưng chắc chắn, từ đây, những người dân có thiệt thòi, bị mất mát tài sản, tiền khi có tranh chấp khi đưa ra tòa án sẽ được tòa căn cứ vào đây để phân xử.

Trước đây, luật pháp cấm hình thức này nên khi có tranh chấp xảy ra, hay bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền góp "hụi", "họ" người dân khi ra tòa thì không được giải quyết. Cho nên, nhiều khi người ta tuy có ra tòa nhưng không thừa nhận là chơi "hụi"... mà chỉ trình bày là bị lừa đảo. Nhưng khi điều tra, làm rõ hơn thì đây là việc chơi “hụi”, "họ". Cho nên, rất khó giải quyết mà nhiều người dân bị thiệt thòi.

* Các quy định trong NĐ 144 có áp dụng để giải quyết các vụ, việc liên quan đến "hụi", "họ" đã và đang xảy ra không?

- Các quy định này không hồi tố và sẽ áp dụng sau 15 ngày NĐ được đăng Công báo. Các vụ tranh chấp đã xảy ra rồi thì không áp dụng quy định để xử lý nhưng với các vụ, việc vẫn còn đang có tranh chấp, theo tôi, tòa án sẽ căn cứ vào NĐ này để có hướng dẫn.

Mạnh Quân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.