Tiền hậu bất nhất

23/10/2004 23:14 GMT+7

Hơn 10 năm nay, bà Phạm Thị Ngọc Sương (ở 48/1A Thống Nhất, P.11, Q.Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vẫn kiên trì khiếu kiện. Vụ việc của bà rất đơn giản, chỉ là tranh chấp một lối đi nhỏ, qua nhiều cấp và đã có kết luận cuối cùng nhưng gần đây lại có thêm một quyết định cuối cùng (!) tréo ngoe nữa nên mới... ức. Bà nói: "Sự thật chỉ có một, tại sao chính quyền lúc bảo thế này, lúc lại bảo thế kia?"...

Phần đất bà Phạm Thị Ngọc Sương đang sử dụng ở P.11, Q.Gò Vấp thuộc bằng khoán 398 Hạnh Thông Tây do ông Hứa Nghiệp đứng bộ năm 1939. Trước năm 1975, ông Hứa Nghiệp có cho ông Võ Văn Lân và bà Phạm Thị Thiều đến ở. Sau khi ông Lân - bà Thiều mất, con là Phạm Thị Ngọc Sương sử dụng. Tới năm 1995, bà Phạm Thị Ngọc Sương có chuyển nhượng một phần diện tích cho một số người dân đến cất nhà sinh sống và bà tự nguyện chừa một lối đi chung cho các hộ có chiều ngang 3m và dài hết ranh đất. Năm 1997, bà Phạm Thị Ngọc Sương chặt bỏ hàng rào tre sau nhà giáp ranh đất ông Trịnh Văn Hoặc và tiến hành làm hàng rào kiên cố bằng lưới ngăn B40 ngăn cách với hộ ông Hoặc. Tranh chấp bắt đầu nảy sinh. Lúc này ông Hoặc qua đời nên các con là Trịnh Thành và vợ Lê Thị Sáu khiếu nại, buộc bà Sương phải tháo dỡ hàng rào với lý do gia đình ông Thành đang có cửa phụ đi nhờ qua con hẻm do bà Sương lập nói trên. Bà Sương không chấp thuận, vì sợ mất an ninh, hơn nữa, nhà ông Trịnh Thành đã có lối đi chính ra đường Thống Nhất nên không nhất thiết phải cho đi nhờ qua phần đất của nhà bà nữa.

Ngày 18/11/1998, UBND Q.Gò Vấp sau khi thẩm tra vụ việc đã có kết luận số 643/QĐ-UBQ: Công nhận nội dung đơn của bà Phạm Thị Ngọc Sương về việc xin được làm hàng rào nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực. Công nhận hiện trạng sử dụng của các hộ và các hộ phải có trách nhiệm thực hiện theo Luật Đất đai đã ban hành. Tiếp đó, tại quyết định ngày 21/10/2002 do ông Vũ Hùng Việt ký, UBND TP Hồ Chí Minh một lần nữa cũng khẳng định rất rõ: "Xét thấy hẻm 48/1 có nguồn gốc từ việc chừa đất để làm lối đi chung của hộ bà Phạm Thị Ngọc Sương và các hộ thuộc bằng khoán 398, các hộ đã sử dụng lối đi này cho đến nay. Riêng hộ bà Lê Thị Sáu sử dụng lối đi khác, do đó việc bà Sương yêu cầu bà Sáu phải bít cửa lại là có cơ sở". Từ những lý do trên, UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định bắt buộc: "Hộ bà Lê Thị Sáu phải bít cửa phụ trổ lối đi ra hẻm 48/1 Thống Nhất, P.11, Q.Gò Vấp (hẻm do bà Sương lập - NV)". Đây là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Mọi việc tưởng chừng xong xuôi vì có đủ ý kiến của quận và quyết định cuối cùng của UBND TP Hồ Chí Minh. Bà Sương giữ lại toàn bộ bức tường rào để an ninh khu vực được đảm bảo. Thế nhưng bà Trịnh Thị Bích Liên - con ruột bà Sáu vẫn tiếp tục đứng tên nộp đơn khiếu nại. Ngày 12/4/2004, cũng cùng một sự việc trên, UBND TP Hồ Chí Minh lại ra một quyết định cuối cùng nữa, nội dung hoàn toàn trái ngược với quyết định trước, cho rằng: "Việc bà Trịnh Thị Bích Liên mở cửa làm lối đi phụ ra hẻm là phù hợp". Bà Sương bức xúc: "Cả hai quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh đều ghi "đây là quyết định cuối cùng" hoàn toàn trái ngược nhau thì người dân hiểu chữ "cuối cùng" thế nào đây ? Vì vậy, 10 năm rồi tôi vẫn còn đi khiếu nại và chắc sẽ còn dài dài vì "quyết định cuối cùng" trước mới hợp tình hợp lý".

Lê Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.