Sao lại bỏ mặc người dân?

07/12/2010 02:01 GMT+7

Ngay sau khi Thanh Niên phản ánh về tình trạng “bán đứng người lao động”, các ngành chức năng của tỉnh Bình Định ngay lập tức vào cuộc và đã đưa được những người lao động của tỉnh này bị bọn “cò” cà phê bán đứng về đoàn tụ với gia đình. Hành động khẩn trương của các ban, ngành tỉnh này rất đáng hoan nghênh.

Tại Phú Yên, ông Đào Tấn Lộc - Bí thư Tỉnh ủy - cũng đã yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH chỉ đạo lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng để xác minh, làm rõ vụ việc báo chí đã nêu để bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, sáng 6.12, trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Lãng - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên - cho biết vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo của tỉnh về vụ việc người lao động ở Phú Yên bị bán đứng để làm thuê cho các chủ vườn cà phê ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), do đó ông Lãng đề nghị PV Thanh Niên tự liên hệ với các địa phương.

Liên hệ với huyện Đông Hòa, ông Phạm Minh Chu - Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (địa phương có người lao động bị “cò” cà phê lừa bán tại huyện Lâm Hà), cho biết huyện vẫn chưa triển khai đoàn công tác đến huyện Lâm Hà để tìm hiểu và đưa những người lao động của huyện này vẫn còn mắc kẹt tại Lâm Hà về nhà. Trong khi đó, ông Trần Trọng Quyền - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa - thì vẫn chưa hay biết gì về chuyện người lao động của huyện này bị bán đứng, và nói “sẽ kiểm tra lại”. Thật khó có thể hiểu được rằng trong khi chuyện lao động bị bán đứng đã được báo chí phản ánh, và khắp nơi đều biết, trong khi lãnh đạo của địa phương có những người dân bị nạn lại không hề hay biết.

Cùng với việc khẩn cấp đưa 40 lao động bị kẹt tại huyện Lâm Hà về đoàn tụ với gia đình, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định còn liên tiếp có thêm các công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng LĐ-TB-XH, công an, UBND các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền để mọi người dân biết về tình trạng lừa đảo người lao động. Trong khi đó tại Phú Yên, mặc dù Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo phải làm rõ để bảo vệ người lao động nhưng các ngành chức năng của tỉnh vẫn rất thờ ơ, mặc cho nhiều lao động đang bị kẹt chưa được giải cứu, một số lao động bỏ trốn nhưng chưa rõ tung tích.

Chung một vụ việc nhưng cách xử lý của 2 tỉnh rất khác nhau. Kiểu ứng xử “bỏ mặc” đối với những người lao động bị bán đứng thật khó có thể chấp nhận được.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.