“Vua kịch bản” Nguyễn Khắc Phục

21/11/2009 16:47 GMT+7

(TNTS) Hôm rồi, Nguyễn Khắc Phục hồ hởi cho biết, ông vừa hoàn thành 2 kịch bản chi tiết Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh và Chương trình văn nghệ kết thúc Đại lễ tại Hồ Tây. Ở tuổi 63, ông vẫn miệt mài làm và cả miệt mài... chơi.

1. Nguyễn Khắc Phục là nhà văn hết lòng với nghề, với cuộc sống và quê hương mình với những đóng góp ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Tuy “vang bóng” trên văn đàn như vậy, nhưng ông lại là người có nếp sống rất giản dị, dân dã. Ông thường nói vui với bạn bè: “Cả ngày tớ chỉ cần hai cốc bia hơi và một bát bún bung dọc mùng là có thể viết kịch bản một mạch từ sáng đến tối”. Trong mấy thập niên qua, ông có nội lực viết và sức làm việc vào loại hàng “khủng”. Có năm vào mùa hội diễn sân khấu, nhiều đoàn kịch lớn đến chầu chực ở nhà ông để lấy kịch bản. Vậy mà ông vẫn thích rong chơi với bạn bè và có cơ hội đi chơi xa là ông “tút” đi liền, không do dự gì cả. Đi là để tích lũy vốn đời, đi và viết và lang thang sống, ít khi người ta thấy Nguyễn Khắc Phục ở cố định một nơi nào đó dài lâu.

Hỏi ông lấy sức đâu mà viết tới cả trăm kịch bản sân khấu, kịch bản phim, kịch bản lễ hội và năm, sáu ngàn trang tiểu thuyết như vậy thì nhà văn  nhìn tôi hóm hỉnh và đầy ý nhị: “Mình chỉ là một kẻ ham chơi, ham sống, còn viết thì đã có một đấng  nào đó trong con người mình viết ra đấy, mình có làm gì đâu!”. Nguyễn Khắc Phục là như vậy, nho nhã, hiểu biết rộng nhưng vẫn rất mực khiêm tốn.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và tác giả Nguyễn Việt Chiến

Hôm đến thăm căn nhà ông trọ thuê ở phố Xã Đàn, Hà Nội, Nguyễn Khắc Phục cho tôi xem bản thảo cuốn tiểu thuyết Hỗn độn đang viết dở. Trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, ông tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: Thăng Long ký, Bay qua cõi chết và Hỗn độn. Nhìn gương mặt nhà văn lúc ấy, phảng phất nét gì đấy cương trực, gân guốc. Tóc bạc phơ, mắt khẽ nhắm lại, ông chậm rãi lý giải: “Thăng Long tồn tại và đứng vững qua ngàn năm bằng cái gì nhỉ? Chắc chắn không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai. Theo tôi, Thăng Long đứng vững được qua ngàn năm là do thái độ anh hùng và văn hóa. Thăng Long đứng vững được còn do các triều đại biết tập hợp tinh thần yêu nước của trăm họ. Đây không phải là câu chuyện của ngày hôm qua và cũng không phải là câu chuyện của riêng ngày mai khi hùng khí Thăng Long vẫn là sức mạnh muôn thuở…”.

2. Đến thăm nhà văn, tôi còn kinh ngạc khi thấy mấy chục bức tranh sơn dầu khổ lớn 2-3 mét xếp chất đống từ tầng một lên tầng ba. Hóa ra, ông còn thú đam mê lớn khác là hội họa: vẽ để chơi chứ không để bán, vẽ để giải thoát nội tâm chứ không phải để trưng bày ở các phòng tranh. Thú đam mê này cũng tiêu tốn của ông khá nhiều tiền. Để vẽ tranh khổ lớn tốn tới cả chục triệu đồng một bức vẽ. Tôi nhẩm tính, số tiền nguyên liệu dùng để vẽ số tranh sơn dầu trong nhà ông cũng lên tới trăm triệu đồng chứ chả ít.

Năm 2009 này, Nguyễn Khắc Phục làm việc “chóng mặt ù tai” với tốc độ viết kịch bản thật đáng nể. Ngày 5 Tết m lịch tại gò Đống Đa, ông làm lễ hội Cánh đào báo tiệp kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa. Ngày 17.2, tại Nhà hát lớn, Hà Nội, công diễn vở cải lương Lễ mở xiêm áo của ông.  Ngày 19.4, ông dựng kịch bản Ngày văn hóa các dân tộc VN ở Đồng Mô, Sơn Tây. Tháng 8, ông chủ biên cùng một nhóm tác giả hoàn thành đề cương kịch bản Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày 10.10, ông triển khai kịch bản Lễ công bố năm Du lịch Quốc gia và kỷ niệm 999 năm Thăng Long. Ngày 14.10, ông dựng kịch bản cho Lễ hội Văn hóa sông Hồng tại Thái Bình. Ngày 24.10, ông triển khai kịch bản Đại lễ cầu siêu cho “Bộ đội tình nguyện và chuyên gia VN hy sinh tại Lào” tại Anh Sơn, Nghệ An. Và mới đây ngày 30.10, ông dựng kịch bản khai mạc Đại hội thể thao châu Á trong nhà AIG 3 tại sân vận động Mỹ Đình và viết luôn kịch bản lễ bế mạc đại hội này. Cũng trong năm nay, Nguyễn Khắc Phục còn dựng vở Hùng ca Bạch Đằng Giang cho đoàn chèo Tổng cục Hậu cần…

Với sức làm việc như vậy, Nguyễn Khắc Phục xứng danh là “vua kịch bản” của những lễ hội văn hóa năm 2009. Ông thổ lộ với tôi: “Mình chỉ tận dụng mọi cơ hội, tìm mọi cách để tham gia vào việc truyền cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho các bạn trẻ”. Nguyễn Khắc Phục thường xuất hiện trước mọi người với mái tóc xõa dài rất nghệ sĩ. Mới đây, ông lại cắt trụi đi. Khi tôi hỏi, ông cho biết: “Sở dĩ tôi quyết định xuống tóc là do mới đây trong lễ cầu siêu cho bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào, khi đứng trước mười hai ngàn nấm mộ (có bảy ngàn liệt sĩ vô danh), tôi cảm thấy trên người mình thừa nhiều thứ quá, cụ thể nhất là thừa tóc nên đã cắt bớt đi”.

Tôi còn nhớ, tại lễ khai mạc “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại Đồng Mô, Sơn Tây khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục tuyên bố dành toàn bộ nhuận bút kịch bản của ngày lễ này là 39 triệu đồng để tặng các cháu dân tộc  ít người Rơmăm ở làng Le, tỉnh Kon Tum, mọi người đã lặng đi vì xúc động. Ông dặn bạn bè ở Hội Văn nghệ Kon Tum khi mang giúp ông quà tặng tới các cháu: “Với tôi, 39 triệu đồng là cả một gia tài, nhưng các vị không được nói là tôi giúp các em mà phải nói thế này: Có một ông già ở vùng xuôi, bây giờ con cái lớn rồi, ông sống bằng lương hưu đủ rồi, và lần này ông làm thêm được một ít tiền, ông gửi biếu các cháu bé ở làng Le, Kon Tum là nơi chiến trường trước đây ông từng công tác”. Nguyễn Khắc Phục là thế đó, tạm ngừng viết tiểu thuyết thì chuyển sang viết kịch bản liên miên, hết làm từ thiện lại đi vẽ tranh, viết và sống và rong chơi, đàn đúm trong cuộc đời này, ông như một người hiền còn sót lại của chốn phù du trong những năm tháng qua.

Nguyễn Khắc Phục quê ở làng Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định. Ông sinh năm 1947 ở Sài Gòn, năm 1952 theo gia đình trở về quê Bắc. Năm 20 tuổi, đang học Trung cấp Hàng hải, Nguyễn Khắc Phục đã nổi danh là người viết truyện ngắn hay (như Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình) và kịch bản sân khấu Người từ giã cuối cùng, được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay Những ngôi sao biển. Sau đó ông học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn VN rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận. Năm 1976, ông chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện VN. Ông nổi tiếng với nhiều kịch bản phim nhựa như: Chiến trường chia nửa vầng trăng, Sơn ca trong thành phố, Tự thú trước bình minh, Nhiệm vụ hoa hồng, Học trò thủy thần, Lạc cầm thứ mười ba và đặc biệt là phim Bọn trẻ được trao huy chương vàng cho kịch bản văn học trong Liên hoan phim quốc tế Á - Phi năm 1994.

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.