Một chiều trong công viên 29/3 nghĩ về Đà Nẵng

04/12/2013 02:21 GMT+7

Buổi chiều trong công viên nhìn bọn trẻ con chơi đùa thật thích, nó làm mình vui hẳn lên, hồn nhiên và trẻ ra. Bọn trẻ là vậy, tinh nghịch, bay nhảy suốt ngày không biết mệt, mà Đà Nẵng thì đâu có nhiều hay nói chính xác hơn là rất thiếu những nơi vui chơi dành cho thiếu nhi".

"Buổi chiều trong công viên nhìn bọn trẻ con chơi đùa thật thích, nó làm mình vui hẳn lên, hồn nhiên và trẻ ra. Bọn trẻ là vậy, tinh nghịch, bay nhảy suốt ngày không biết mệt, mà Đà Nẵng thì đâu có nhiều hay nói chính xác hơn là rất thiếu những nơi vui chơi dành cho thiếu nhi".


Đà Nẵng lộng lẫy với nhiều công trình hoành tráng, lập kỷ lục… - Ảnh: Nguyễn Tú

Trời bắt đầu chuyển lạnh, Đà Nẵng vài ngày thiếu nắng, chiều nay lang thang trong khoảng không gian xanh ít ỏi nhỏ bé nhưng tuyệt vời của công viên 29/3, nhìn những cụ ông, cụ bà thảnh thơi tản bộ, những thanh niên nam nữ ríu rít chuyện trò, những trẻ thơ tinh nghịch… chợt thầm cảm ơn người nào đã có một quyết định sáng suốt đúng đắn phá vỡ xóa bỏ bức tường vô cảm xưa kia đã ngăn cách người dân với công viên, ngăn cách nhu cầu lành mạnh được hưởng thụ cái không khí trong lành hiếm hoi của một thành phố năng động nhất miền Trung này.

Về không gian, đa số du khách trong, ngoài nước đều có chung một nhận định về Đà Nẵng là đẹp, hấp dẫn, thiên địa nhân hòa “núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển xanh” cùng với tốc độ phát triển đô thị quá mạnh, quá táo bạo. Mười mấy năm đổi mới, một khối lượng công việc khổng lồ mà thành phố đã hoàn thành, đó là thành tựu không thể phủ nhận về cả lượng lẫn chất. Đường nối mạch đất sẽ thông, những cây cầu liên tiếp bắc qua sông Hàn làm nên thương hiệu “thành phố của những cây cầu”, những con đường ven biển có thể được xem là đẹp nhất nước hiện nay, hơn 1260 con đường có tên, hàng trăm khu đô thị, hàng ngàn cụm dân cư ra đời, diện mạo Đà Nẵng thay đổi từng ngày, đời sống người dân Đà Nẵng thay đổi từng ngày.

Nhưng, cái gì “quá” thường lợi bất cập hại. Chính vì quá mạnh, quá táo bạo trong việc phát triển đô thị khiến Đà Nẵng đã và đang bộc lộ những hạn chế. Dường như mỗi cây cầu mọc lên thường gắn liền với một kỷ lục, tuy nhiên vẻ hào nhoáng ấy không khiến người sử dụng xóa bỏ được những trăn trở và suy tư. Một vị bộ trưởng đã từng thốt lên rằng “sao cầu Sông Hàn nhỏ vậy?” khi ông cùng người đồng sự có việc đi ngang qua, đúng thế, nhìn dòng người qua lại mỗi buổi chiều, nhất là những chiều mùa hè, ta mới cảm nhận hết được sự chật chội của nó. Và đó là chuyện của ngày xưa, sự ra đời của cây cầu Thuận Phước, gần đây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý kịp khánh thành giúp thành phố ít nhiều giải quyết bài toán giao thông thêm phần thông thoáng. Nhưng rồi, những câu hỏi mới được đặt ra, không biết đến khi nào thì công năng của cây cầu Thuận Phước mới được khai thác triệt để, chiều mùa đông nhìn cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam thật buồn, vắng hoe và lạnh lẽo. Cầu Rồng thì hình như đã “không đẹp” như trong bản vẽ, mặc dù nó vẫn biết phun nước ban ngày, phun lửa ban đêm để chìu lòng người thưởng ngoạn. Điều người ta quan tâm vẫn là liệu bụi, khói, tiếng ồn của lượng người qua lại cây cầu này có làm “tổn thương” viện bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm gần đấy hay không, vì đó là một trong những công trình kiến trúc lịch sử hiếm hoi còn sót lại ở thành phố ven biển này. Có lẻ, thời gian là câu trả lời thích hợp nhất…

Buổi chiều trong công viên nhìn bọn trẻ con chơi đùa thật thích, nó làm mình vui hẳn lên, hồn nhiên và trẻ ra. Bọn trẻ là vậy, tinh nghịch, bay nhảy suốt ngày không biết mệt, mà Đà Nẵng thì đâu có nhiều hay nói chính xác hơn là rất thiếu những nơi vui chơi dành cho thiếu nhi. Có lần tâm sự với một thằng bạn làm ở phòng môi trường quận, nó than thở chiều chở hai đứa con đi vòng vèo khắp nơi mà không biết dừng lại ở đâu, không tìm ra được chỗ nào gần nhà cho chúng nghịch cây vọc cát một tí, nhiều khi thấy tụi nhỏ đi học về cứ ru rú trong nhà cũng thấy tội nghiệp. Mình cười bảo, mày làm ở đó thấy được thực tế sao không đề xuất, nó nhăn mặt trả lời, phận con sâu cái kiến mày ơi. Từ lâu nhà Thiếu nhi Đà Nẵng số 10 Lý Tự Trọng đã quá tải, nhưng nghe đâu nó sắp sửa rời khỏi trung tâm để “nhường đất” cho Nhà khách của thành phố. Theo quyết định do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký, Cung Văn hóa Thiếu nhi Đà Nẵng sẽ được xây dựng trên khu đất 33.335 m2 thuộc phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu nhằm thay thế cho Nhà Thiếu nhi cũ đã được định hình và hoạt động trên 35 năm nay. Như vậy, thay đổi cái cũ bằng một cái mới rộng hơn, đẹp hơn là việc đáng làm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn có cái gì đó không ổn. Quỹ đất dành cho thiếu nhi đang rất thiếu, chỉ nên xây thêm chứ không phải xây thêm để mà “thay thế”… “Vì tương lai con em chúng ta” là câu nói cửa miệng của mọi người, thế nhưng đôi lúc các nhà hoạch định cũng thường “lẫm cẫm” bỏ quên mất, đến khi nhớ lại thì việc sửa sai… là rất khó. 

Đang miên man với những suy nghĩ vẫn vơ, những bước đi thiếu quan sát bỗng va chạm với đôi bạn trẻ sinh viên làm rớt quyển sách họ đang cầm trên tay. Các bạn trẻ sinh viên này vào công viên để học bài, đọc sách… và cũng để riêng tư. Người viết thích đọc sách, thấy ai cầm sách cũng vui theo, văn hóa đọc đang xuống cấp là lời cảnh báo liên tục của những nhà xã hội học, nhất là giới trẻ, những người đang và sẽ làm chủ đất nước trong tương lai. Cùng với sự đột phá táo bạo của cở sở hạ tầng thành phố mười mấy năm gần đây thì Thư viện Khoa học tổng hợp số 46 Bạch Đằng lại là hình ảnh buồn, rất buồn. Sở hữu trên một khu đất rất đẹp nhưng bạn đọc thì vắng vẻ “đìu hiu”, hiện tại kiến trúc lại xuống cấp trầm trọng, cơ sở chật hẹp, lạc hậu, đầu sách và tư liệu nghèo nàn, thiếu thốn. Theo dõi trên mạng, thấy dự án xây dựng Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng sẽ được khởi công mà mừng lắm, mong cho nó khánh thành sớm ngày nào hay ngày ấy. Theo đúng kế hoạch thì tới 2015-2016, thư viện sẽ mở cửa phục vụ bạn đọc mọi đối tượng, những ai yêu sách, có nhu cầu tìm hiểu, đọc sách ở địa phương và cả du khách quốc tế. Nhìn trên bản vẽ kiến trúc thấy nó rất hoành tráng, thầm ước “nội dung” trong cái thư viện tương lai cũng chất lượng “hoàng tráng” như bản vẽ kia. 

Trời đang đổ cơn mưa nhẹ, mấy bác câu cá trong công viên luống cuống, người tìm gốc cây núp tạm, kẻ kiếm đại vật gì che cho khỏi ướt rồi lại tiếp tục câu, mưa xuống làm bong bóng nổi liên tục dày đặc trên mặt hồ, công viên có vài chỗ bắt đầu trũng nước. Đà Nẵng không có cái kiểu ngập úng tràn lan, mênh mông như Sài Gòn, Hà Nội,  một số nơi trong thành phố chỉ ngập úng cục bộ mỗi khi mưa về. Cũng nhiều lý do để giải thích, do vùng dân cư vốn trũng thấp, quy hoạch xây dựng còn dở dang, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện để khớp nối .v.v. Quá trình đô thị hóa, đô thị hóa nông thôn quá nóng dẫn đến quá trình bê tông hóa cũng nóng theo mà hệ lụy của nó thì chưa ai có thể thống kê đầy đủ được. Điều này gây khó cho việc rút nước, thoát nước mỗi khi lũ xuống mưa về, nguồn nước ngầm trong đất bị suy thoái trầm trọng, môi trường bị ảnh hưởng, ô nhiễm. Du khách nào có dịp nhiều lần ghé thăm khu danh thắng Bà Nà - Đà Nẵng đều biết đến những kỷ lục mà nó đang chiếm giữ, thế nhưng, nếu tinh ý hơn du khách có thể biết thêm một kỷ lục nữa, đó là một trong những khu du lịch sinh thái có quá trình bê trông hóa nhanh nhất và đồ sộ nhất, những ngọn núi toàn đá và những khối bê tông nhân tạo toàn đá.


... nhưng đô thị này lại đang rất thiếu nơi vui chơi cho thiếu nhi và thư viện - Ảnh: Bảo Nghi

Trên Bà Nà có một tượng Phật to, và ở Đà Nẵng có những tượng Phật to, những ngôi chùa thật hoành tráng. Người viết tâm đắc, đồng điệu với một thiên vị bất thường của tiến sĩ Alan Phan “Tôi mê khám phá những kiến trúc đồ sộ lộng lẫy kiểu Trung Cổ của các nhà thờ Thiên Chúa giáo, nhưng lại không ưa những ngôi chùa to lớn hoành tráng của Phật giáo. Có lẻ lý do là vì triết thuyết nhà Phật không nên thể hiện sự phô trương để tìm hư danh”. Đã thế, nhìn thấp thoáng đâu đó những con sư tử đá Trung Hoa đang nhe răng trên những bậc thang lên chùa càng thêm chán nản. Thật lòng, tượng Phật to, chùa hoành tráng mà thấy người người, nam nữ thanh niên, trung niên ngồi đầy quán cà phê trong giờ hành chính thì cũng thấy buồn lòng. Đà Nẵng bây chừ mọc lên rất nhiều cà phê cóc, gọi là “cà phê cóc” nhưng có quán mặt tiền rất rộng, chiều dài rất sâu và khách ngồi thì chật cứng, đa phần là thanh niên, trung niên. Sáng cũng chật cứng, chiều cũng chật cứng, tối cũng chật cứng. Nền kinh tế đang một màu u ám, hàng nghìn doanh nghiệp thua lỗ giải thể, bất động sản đóng băng, vật liệu xây dựng ế ẩm, người lao động phổ thông, thợ nề thất nghiệp… quá nhiều. Trong một dịp đến thành phố mới đây, họa sĩ Lê Thiết Cương đã thốt lên những lời trăn trở về Đà Nẵng trên facebook của mình “ …giá như có nhiều thư viện, phòng hòa nhạc… phòng trưng bày tranh. Giá như có cách gì để tận dụng truyền thống của làng nghề chạm khắc đá để họ hay hơn, để họ không tạc ra những cái tượng rất xấu như thế, giá như đừng phát triển kiểu buôn đất vì ngành kinh doanh này không tạo ra công việc cho người lao động… ”. Đã “nếu như”, “giá như” thì còn nhiều lắm, nhưng thôi, hãy xem đây như là những nhận xét góp ý chân tình, tâm huyết, đầy ý nghĩa của một du khách dành cho Đà Nẵng thân yêu.

Mưa vẫn tiếp tục rơi, những tán cây xanh trong công viên rung nhẹ, trời trắng mờ nhòa ảo. Công viên là một trong những nơi còn lưu giữ nhiều nhất những cây xanh cổ thụ của đô thị năng động trẻ trung này, nhìn khoảng không gian xanh ở đây mà thầm tiếc cho những hàng xà cừ cổ thụ hai ven đường xưa kia đã bị đốn bỏ trong những lần chỉnh trang đô thị. Đà Nẵng hình như đã hiểu ra tầm quan trọng của cây xanh trong đô thị, đã và đang đầu tư rất nhiều, rất tâm huyết vào vấn đề này.

Dãy núi Sơn Trà hướng ra biển tuyệt đẹp kia đang được lời mời kêu gọi hiến kế của những nhà làm quy hoạch, làm gì cho tốt hơn cho thành phố thì làm, nhưng không bao giờ được bỏ quên chữ “rừng” và chữ “khu bảo tồn thiên nhiên” mà Sơn Trà đã và đang có được, lá phổi xanh của thành phố quan trọng hơn gấp nhiều lần quá trình bê tông hóa, và đặc biệt quan trọng trong quá trình biến đổi khí hậu khó lường của toàn cầu hiện nay. Cơn bão Nari vừa rồi tàn phá miền trung, Đà Nẵng “chưa kịp” đốn tỉa phòng vệ cho cây xanh thì bão đã vào khiến hàng cây xanh hai bên đường gãy đổ khắp nơi, tan hoang xơ xác, có những cây cổ thụ hàng trăm tuổi, thiệt hại thật nặng nề và đáng tiếc biết bao. Rút kinh nghiệm kịp thời, khi nàng Hải Yến “khủng khiếp” kia đang rầm rú ngoài biển Đông, mọi hệ thống chính trị ở thành phố cùng tham gia chống bão, cây cối hai ven đường đã được phòng vệ cắt gọn cẩn thận, nhưng siêu bão lại không vào, siêu bão đã ghé thăm miền Bắc. Hai cơn siêu bão cách nhau chưa đầy một tháng, mong rằng không ai có thể  được chủ quan khi có tin dự báo bão.

Mưa tạnh hẳn, trời sáng dần lên, một đám sinh viên kiến trúc chạy ùa ra chọn chỗ ngồi, để mà ký họa. Ký họa ngoài trời thật thú vị, nhất là được ngồi trong công viên đầy bóng mát, người viết tò mò đến gần quan sát, những bạn trẻ vừa vẽ vừa trò chuyện vui đùa.

- Hồi trước, các bạn có thi đại học kiến trúc ở Hà Nội, Sài Gòn không? - người viết hỏi.

Mấy bạn trẻ nhìn nhau cười:

- Dạ có thi nhưng trượt rồi ạ…

Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng số 566/1 đường Núi Thành là một ngôi trường còn non trẻ so với lịch sử các đường đại học trong cả nước nói chung và lịch sử ngành kiến trúc nói riêng, và nói thật lòng, đây là một ngôi trường có kiến trúc “khó coi” nhất ở Đà Nẵng. Nhiều anh chàng kiến trúc sư đang tung tăng bay nhảy bỗng có lời đề nghị, có lời mời về làm thầy? Và thế là, “ừ, đi dạy thì đi dạy!”. Để xây dựng một thương hiệu tốt, bền vững, bay cao bay xa hơn cũng cần có một quá trình, đầu vào, chất lượng đào tạo, và cần thiết hơn hết vẫn là sự hết lòng của những người có tâm, có tầm với công cuộc giáo dục của nước nhà.

Chào các bạn sinh viên ra về, người viết bon bon trên con đường to đẹp Điện Biên Phủ, theo hướng Ngã ba Huế mà thẳng tiến bởi cuộc hẹn với thằng bạn. Tại đây, đang ngổn ngang một công trình mới được khởi công xây dựng, công trình cầu vượt 3 tầng ở Đà Nẵng. Nút thắt Ngã ba Huế là cửa ngõ vào thành phố, mấy chục năm nay nơi đây nổi lên như một điểm đen ùn tắc giao thông, thường xuyên xảy ra tai nạn chết người. Đến dự lễ khởi công, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây không đơn thuần là công trình giao thông mà còn là điểm nhấn về kiến trúc, tạo cảnh quan cho thành phố đầu tàu kinh tế của miền Trung. Phó Thủ tướng đề nghị người dân giám sát công trình, góp ý thi công và căn dặn nhà đầu tư “nói phải đi đôi với làm, thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, tránh ùn tắc, không gây tai nạn giao thông, tại nạn lao động, không có chuyện khởi công rồi để đó, làm thế mất niềm tin của nhân dân.”

Ngẫm nghĩ lại, Đà Nẵng trong quá khứ có nhiều công trình đã hoàn thành, có nhiều công trình khởi công xong rồi để đó. Có lẽ, theo truyền thống mà thành phố có được, khi hoàn thành cầu vượt 3 tầng này, người ta sẽ tìm cho nó một cái kỷ lục gì đấy, nhưng nếu cứ “dài nhất, to nhất, cao nhất” thì quen thuộc quá, người viết mong sao nó là một công trình có công năng hoàn chỉnh nhất, ít gây lãng phí nhất và đúng kịp tiến độ thi công nhất. Biết rằng, dùng cụm từ “mong sao” nó nặng nề nghĩa “xin cho” quá, nhưng cũng chỉ dám vậy mà thôi.

MP

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, là một người viết tự do đang sống tại Đà Nẵng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.