Chính trị Mỹ phủ bóng APEC

06/10/2013 03:00 GMT+7

Hội nghị được kỳ vọng sẽ tìm ra hướng ổn định nền kinh tế toàn cầu đang bị phủ bóng bởi bế tắc tiền tệ và chính trị ở nước Mỹ.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ tìm ra hướng ổn định nền kinh tế toàn cầu đang bị phủ bóng bởi bế tắc tiền tệ và chính trị ở nước Mỹ.


Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế các nước APEC tham dự hội nghị ở Bali hôm 4.10 - Ảnh: AFP
 

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2013 đã khởi động từ ngày 1.10 trên đảo du lịch Bali, Indonesia, với hàng loạt cuộc họp của các quan chức kinh tế, tài chính và cộng đồng kinh doanh của 21 nền kinh tế chiếm hơn 50% thương mại toàn cầu. Nguyên thủ các nước APEC từ hôm qua 5.10 đã lần lượt đến Bali để tham dự cuộc họp Thượng đỉnh các Tổng giám đốc (APEC CEO Summit), vốn tập hợp những doanh nhân hàng đầu thế giới, và đối thoại với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) trong ngày 6 - 7.10, và cuối cùng là cuộc họp các lãnh đạo APEC vào 8.10.

Nhưng kế hoạch ngân sách của nước Mỹ bị ách tắc, chính phủ phải tạm đóng cửa buộc Tổng thống Barack Obama phải hủy tham dự APEC cùng nhiều cuộc họp và thăm viếng quan trọng khác ở Đông Nam Á. Thay thế cho ông Obama, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Bali từ Tokyo chiều 4.10. Trước đó, ông Kerry cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đến Hàn Quốc và Nhật Bản để thắt chặt thêm quan hệ an ninh, quốc phòng với hai đồng minh quan trọng ở châu Á này.

Giữa lúc đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đến thăm Indonesia và Malaysia để nâng cấp quan hệ với hai nền kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á này lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện” và ký kết nhiều hợp đồng kinh tế lớn, rồi bay thẳng đến Bali chiều hôm qua. Chưa hết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng chuẩn bị thăm Thái Lan và Việt Nam sau khi đi dự Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc và Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Brunei vào ngày 9 - 10.10. Đối lại, theo kế hoạch ban đầu, ông Obama cũng sẽ thăm Malaysia và Philippines sau khi họp Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần đầu tiên và EAS ở Brunei. Những tính toán trên cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đang ra sức tiến gần ASEAN.

Bởi vậy, việc ông Obama phải hủy bỏ toàn bộ chuyến công du kéo dài một tuần vì các vấn đề quốc nội khiến nhiều nước “thất vọng” tuy “rất thông cảm” cho khó khăn của ông. Giới quan sát nhận định sự cố này không những làm ông Obama “mất mặt” trước các đối tác châu Á, mà nước Mỹ cũng “đánh mất một cơ hội lớn” để khẳng định cam kết và tăng cường vị thế trong khu vực. Chưa hết, khó khăn tài chính của nước Mỹ đang khiến dư luận nghi ngờ khả năng thực thi các cam kết hợp tác của Mỹ trong tương lai. Giới bình luận cũng thẳng thắn nhìn nhận Trung Quốc sẽ được lợi trong chuyện này, và các ông Tập, ông Lý sẽ không bỏ qua cơ hội “lấn sân” tại APEC, ASEAN bằng các “chào mời” đi kèm tiền mặt mà Bắc Kinh đang rủng rỉnh. Ngoài ra, hủy chuyến đi châu Á, ông Obama cũng mất cơ hội thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Syria, cũng như nói chuyện an ninh biển Đông với ông Tập. Ngoại trưởng Kerry, vì vậy, trong cuộc họp báo tại Bali hôm qua, đã ra sức trấn an rằng bế tắc hiện tại ở Washington chỉ là một “đoản kịch tiền tệ” và nó “không làm thay đổi cam kết của Mỹ ở châu Á hay bất cứ nơi nào khác”.

“Đừng nhầm lẫn đoản kịch tiền tệ này với một cái gì khác lớn hơn một khoảnh khắc trong chính trị nước Mỹ. Đây chính là một biểu hiện của nền dân chủ mạnh mẽ của chúng tôi”, Reuters trích lời ông Kerry phản biện. "Chúng tôi không thể đánh mất cơ hội ôm lấy những mục tiêu lớn hơn và quan trọng hơn của mình vào những khoảnh khắc chính trị như thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi trách nhiệm và sự can dự của chúng tôi ở khắp thế giới. Và tôi nghĩ mọi người tin vào điều đó”, ông Kerry nói chắc nịch.

Nội tình nước Mỹ chắc chắn sẽ bao trùm các cuộc họp APEC, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng khó khăn hiện tại không ảnh hưởng lâu dài về sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân, của nước này, cũng như phải mất một thời gian dài để Trung Quốc có thể tạo được niềm tin với các nước ASEAN.

Trung Quốc lo sợ liên minh quân sự Mỹ - Nhật

Ngày 5.10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan ngại về động thái hiện đại hóa liên minh quân sự giữa Nhật và Mỹ, theo Yonhap. Bắc Kinh kêu gọi “những nước liên quan tôn trọng lo ngại an ninh từ các quốc gia trong khu vực”. Trung Quốc đưa ra phản ứng sau khi Mỹ - Nhật đồng ý mở rộng liên minh quân sự và tăng cường giám sát ở khu vực ngày 3.10. Theo đó, Mỹ ủng hộ Nhật dỡ bỏ lệnh cấm áp dụng quyền phòng vệ tập thể, nhằm cho phép Tokyo hỗ trợ đồng minh nếu xảy ra xung đột.

Văn Khoa

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Indonesia đóng cửa sân bay Bali để đón nguyên thủ APEC
>> Putin - Obama có thể bàn về Syria bên lề APEC
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị APEC lần thứ 21
>> APEC hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu về môi trường
>> APEC tăng cường kết nối chuỗi cung ứng giao thông
>> APEC nhất trí tăng cường "liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng
>> Thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị APEC 2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.