Những dự án kỳ quặc của Lầu Năm Góc

27/09/2013 11:00 GMT+7

Những bộ óc tài ba và “hơi điên” của giới kỹ sư quân sự Mỹ đã cho ra đời không ít dự án vũ khí gây sốc cho người bình thường.

Những dự án kỳ quặc của Lầu Năm Góc
Trực thăng cá nhân từng được chế tạo cho lục quân Mỹ - Ảnh: US Army

Mỹ vẫn đang là nước dẫn đầu trong cuộc đua phát triển các loại vũ khí hiện đại mà lâu nay tưởng chừng như chỉ tồn tại trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng. Nước này đã thử nghiệm thành công chiến đấu cơ không người lái X-47B cất/hạ cánh trên tàu sân bay đang di chuyển, đồng thời đang đạt nhiều bước tiến trong các dự án như siêu tên lửa X-51A WaveRider nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh, hay vũ khí laser LaWS có thể hạ gục tàu nhỏ và máy bay do thám. Tuy nhiên, không phải kế hoạch nào cũng suôn sẻ: máy bay thế hệ 5 F-35 liên tục phải “trùm mền” vì hàng loạt trục trặc như nứt động cơ, không thể bay gần vùng có chớp, lớp phủ tàng hình biến mất khi máy bay đạt tốc độ siêu thanh… còn tàu chiến cận bờ LCS có lớp vỏ quá mỏng, súng đặt trên tàu bị rung khi tàu di chuyển, theo tạp chí Vanity Fair.

Dù vậy, có trục trặc đến đâu thì chiến đấu cơ F-35 hay tàu LCS vẫn còn sang trọng, nghiêm túc và có tính thực tế hơn nhiều dự án kỳ quặc khác trong lịch sử hiện đại của quân đội Mỹ. Vanity Fair nêu lên một số “sáng kiến” không phải viễn tưởng mà là điên rồ của các chuyên gia nước này.

Từ bom mèo đến thần sấm

Đứng đầu bảng phải kể tới dự án bom mèo. Trong Thế chiến 2, giới chức Lầu Năm Góc và văn phòng Cục Chiến lược, tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), vắt óc tìm cách cải thiện khả năng ném bom tàu chiến địch của không quân Mỹ. Giải pháp được đưa ra vô cùng… dã man: trói mèo vào bom với suy luận rằng loài mèo cực kỳ sợ nước nên sẽ nhanh chóng bơi đến con tàu gần nhất để tránh nước, mang theo quả bom trên người. Tất nhiên, kết quả thử nghiệm không như mong đợi vì hầu hết bom mèo đều nhanh chóng chìm lỉm không tung tích khi bị thả xuống từ máy bay.

Trong dự án bom mèo thì chỉ có những chú mèo tội nghiệp mất mạng, chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của binh sĩ, còn chương trình thử nghiệm súng cối bắn rốc két hạt nhân thì lại khác. Từ năm 1956 đến 1971, quân đội Mỹ chế tạo khoảng 2.100 súng cối Davy Crockett với đầu đạn nhồi 0,01-kiloton nhiên liệu hạt nhân để sử dụng trên các chiến trường. Vấn đề ở đây là vũ khí nguyên tử mini có tầm bắn tối đa 4 km, có nghĩa là binh sĩ chắc chắn sẽ nhiễm xạ từ chính vũ khí của mình. Để giảm thiểu phần nào nguy cơ, Lầu Năm Góc phát hành đoạn phim chỉ dẫn binh sĩ tránh bức xạ, bằng cách… nhảy xuống núp trong con hào kế bên sau mỗi lần khai hỏa.

Không dừng lại ở đó, quân đội Mỹ tiếp tục thử nghiệm những dự án không tưởng khác như trực thăng cá nhân chở lính. Theo Vanity Fair, thiết bị này là sự kết hợp tréo ngoe của xe đẩy 2 bánh Segway và một đống máy móc lằng nhằng. Để lái chiếc trực thăng tên Lackner HZ-1 Aerocycle, được công bố vào năm 1954, binh sĩ tội nghiệp phải đứng trên bục lái gắn lên 4 cánh quạt thép lớn quay ầm ĩ. Người can đảm dám thử HZ-1 là đại úy Selmer Sundby may mắn toàn mạng sau hàng loạt cú ngã nghiêm trọng lẫn nguy cơ bị cánh quạt chém chết.

Những tưởng các dự án kiểu như trên chỉ tồn tại trong quá khứ, khi mà công nghệ chưa phát triển mạnh như ngày nay. Tuy nhiên, đến năm 2009, Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) tiếp tục trình làng súng “ánh sáng”, được cho là có thể bắn dòng điện phá hỏng bom địch và những thiết bị kích nổ. Tuy nhiên, nguyên mẫu của súng ánh sáng chỉ có tầm bắn tối đa 15 m, tức là binh sĩ có nguy cơ bị hạ trước khi kịp tiếp cận mục tiêu. Mới đây nhất, các chuyên gia DARPA vừa trình bày ý tưởng cho một thiết bị có biệt danh “thần sấm” có thể chuyển hướng các tia sét trên trời đánh thẳng vào đồn hoặc cơ sở của địch.

Hạo Nhiên

>> Trực thăng quân sự Mỹ rơi ở đảo Okinawa
>> Tàu quân sự Mỹ đến Philippines
>> Venezuela trục xuất tùy viên quân sự Mỹ
>> Lo cắt giảm ngân sách, quân sự Mỹ không còn dẫn đầu
>> Giao hảo quân sự Mỹ - Đài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.