Họa sĩ tật nguyền với ngựa

06/02/2014 11:04 GMT+7

Trong không gian Triển lãm mỹ thuật mừng Xuân Giáp Ngọ tại TP.Đà Nẵng người thưởng lãm đặc biệt quan tâm bộ tranh ngựa của họa sĩ khuyết tật Nguyễn Tấn Hiền.

Họa sĩ tật nguyền với ngựa
Anh Hiền hoàn tất bức Vó ngựa truy phong - Ảnh: A.D

Trong một tai nạn cách đây gần 10 năm, anh Hiền bị gãy cột sống cổ và bị liệt toàn thân. Sau nhiều năm điều trị ở khắp các bệnh viện, anh vẫn ngồi bất động trên chiếc xe lăn. Không đầu hàng số phận, anh Hiền học vẽ và dồn cả ý chí, tâm huyết vào từng nét cọ. Khi còn điều trị ở Bệnh viện Phục hồi chức năng TP.Đà Nẵng, các kỹ thuật viên giúp anh buộc cây bút chì vào đầu ngón trỏ của tay phải, ngón tay duy nhất anh có thể cử động được và bắt đầu luyện vẽ. Nỗ lực của chàng thanh niên tật nguyền khiến cho một đôi vợ chồng người Mỹ (ông Philip David và bà Virginia Lockett) hoạt động thiện nguyện tại Đà Nẵng cảm phục. Là họa sĩ, ông Philip đã giúp anh rất nhiều khi anh đến với hội họa, ông tặng sách về hội họa cho anh đọc, tặng bút, bột màu, giấy cho anh vẽ… Bà Virginia thì giúp anh bán các bức ký họa, bưu thiếp do anh vẽ được cho những người bạn Mỹ của bà. Từ nguồn động viên lớn lao này, anh Hiền bắt đầu một cuộc sống mới với bột màu và giấy vẽ... Sau gần 8 năm lao động nghệ thuật miệt mài, nỗ lực của anh Hiền đã được đền đáp xứng đáng khi tranh của anh được giới chuyên môn đánh giá cao và được mời tham dự một số triển lãm trong và ngoài nước. Từ đây, anh có thêm bạn bè trong lĩnh vực hội họa, có thêm cơ hội giao lưu và học hỏi.

Chia sẻ về bộ tranh ngựa đang được trưng bày và đánh giá rất cao tại triển lãm, anh Hiền cũng cho biết: “Chưa có khi nào tôi vẽ nhanh như vẽ bộ tranh ngựa này. Cả cảm xúc, năng lực sáng tạo đều tốt và quyện hòa ăn ý vào với nhau. Đôi khi không điều khiển được bàn tay, tôi đẩy bay cọ về phía trước như một cách để tiếp sức cho chiến mã của mình thỏa sức tung vó… Nét cọ đi theo cảm xúc là chính, không hề bị gò bó dù tôi phải ngồi một chỗ và chỉ chuyển động được một ngón tay. Để một bức tranh hoàn thành, bút vẽ của tôi đã văng đi không biết bao nhiêu lần và phải khó nhọc lắm tôi mới có thể nhặt lại được”. Với anh Hiền, có lẽ niềm đam mê dành cho hội họa và cảm xúc tột cùng hướng đến cuộc sống tươi đẹp bên ngoài đã mang lại thành công cho anh. Tiếp xúc với những tài liệu nước ngoài của ông Philip, anh không hiểu mấy nhưng anh cảm nhận được. Và chính sự cảm nhận đó đã cho anh một lối thể hiện rất riêng bằng chất liệu phù hợp với thể trạng của mình là Acrylic. Cũng với thế mạnh của cảm xúc, tranh của anh Hiền chuyển tải rất thành công mạch xúc cảm thể hiện những cung bậc của yêu thương như tình cha con, chồng vợ, tình mẫu tử…  

Đến căn nhà nhỏ của anh ở một hẻm nhỏ đường Điện Biên Phủ (Q.Thanh Khê) mới thấy được hết gian nan khi đánh vật với giá vẽ, cọ và bột màu của họa sĩ khuyết tật. Bột màu văng tung tóe và bám khắp nơi, từ bàn ghế, tường đến  máy tính… Nhìn con chuột máy tính lem nhem không thiếu một màu nào, anh Hiền cười e ngại: “Để vẽ được bức tranh cũng gian nan lắm. Có bức tôi vẽ hàng mấy tháng trời, vì hễ cảm xúc không ổn, sức khỏe không cho phép là tôi phải dừng ngay lại”. Vui vì sản phẩm của mình ngày càng được giới mỹ thuật ghi nhận và đánh giá cao nhưng trong anh vẫn còn nhiều ưu tư. “Tranh tôi vẽ khó bán cho người Việt, vì người Việt mình chuộng tranh được chép lại từ những bức tranh tên tuổi, của những họa sỹ tên tuổi. Không dễ gì ai chịu bỏ ra 3 đến 5 triệu để mua một bức tranh của một họa sĩ không tên tuổi như tôi, dù nhiều khi, đó là thành quả tôi đã lao động nghệ thuật đến kiệt sức”. Theo anh Hiền, người nước ngoài đa phần họ thích những bức tranh được vẽ nên từ chính những mạch cảm xúc thật, của một câu chuyện có thật. Người ta thường tìm đến tranh bằng chính câu chuyện xúc động về cuộc đời của người họa sĩ. Họ quan trọng nhất là ai vẽ, và từ đôi bàn tay ấy họ có câu chuyện gì để chia sẻ với người khác. “Còn bản thân tôi, tôi không muốn người ta nhỏ nước mắt vì bi kịch của cuộc đời mình, tôi muốn người ta thực sự nhỏ lệ xúc cảm trước những bức tranh của tôi, trước thành quả sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của một người kém may mắn”, anh Hiền chân thành chia sẻ.

Trần Chí Thành, một họa sĩ tự do tại Đà Nẵng tâm sự: “Chúng tôi là dân được đào tạo bài bản nhưng thực sự ấn tượng trước những bức tranh của anh Hiền. Ở anh Hiền, chính khả năng tự học, học cái mình cần và phù hợp với bản thân đã khiến anh thành công. Và khi cơ thể anh càng bị bó buộc thì tâm hồn anh càng vươn mạnh mẽ đến tự do. Một tác phẩm nghệ thuật truyền được cảm xúc, cảm hứng đến người thưởng thức thì đã mỹ mãn rồi”.

An Dy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.