Nỗ lực tìm việc cho công nhân

04/12/2008 09:52 GMT+7

CĐ giúp công nhân bị mất việc tìm được việc làm mới. Các doanh nghiệp cũng san sẻ đơn hàng cho nhau để vượt qua khó khăn Hôm nhận tháng lương đầu tiên tại Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân- TPHCM), nhiều công nhân (CN) trước đây làm việc tại Công ty Vina Haeng Woon Industry (quận 8- TPHCM) rất vui mừng.

Chị Trần Thị Tuyết xúc động: “Khi giám đốc công ty bỏ trốn, điều chúng tôi lo lắng nhất là tìm việc làm mới. Thật may nhờ sự trợ giúp của CĐ, chúng tôi đã nhanh chóng có việc làm, có thu nhập và ổn định cuộc sống”.

Đưa xe đến tận nơi đón công nhân

Hơn một tháng qua, Công ty Pou Yuen đã trở thành điểm đến tin cậy của nhiều CN bị mất việc do chủ bỏ trốn hoặc công ty phải đóng cửa do không có đơn hàng. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty Pou Yuen, cho biết ngay sau khi nhận được chỉ đạo của LĐLĐ TP và quận, CĐ công ty đã báo cáo với ban giám đốc để bố trí tiếp nhận những CN bị mất việc. Không chỉ thế, công ty còn đồng ý cử hẳn một đội xe đến tận nơi đón CN về làm việc. Cử chỉ thân tình đó đã tạo cho những CN mới cảm giác gần gũi, an tâm. Ông Nghiệp cho biết đến nay, hơn 1.000 CN được nhận vào làm việc đã bắt kịp nhịp độ sản xuất, hầu hết được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với mức lương 1,6 triệu đồng/người/tháng.

Cách đây không lâu, khi được LĐLĐ quận 12 giới thiệu, Công ty Việt Hưng cho biết sẵn sàng tiếp nhận 300 CN một công ty bị ngưng hoạt động. Công ty còn cử cán bộ liên hệ với địa phương tìm nhà trọ, giúp CN không phải lo lắng nơi ăn, chốn ở. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) khác như Công ty Cổ phần May Bình Minh (quận Bình Thạnh), Công ty IGM (KCX Tân Thuận), Xí nghiệp Lega 4 (Công ty Legamex)... cũng đề nghị nhận hàng ngàn CN mất việc. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Viking Việt Nam (huyện Hóc Môn –TPHCM), đây là thời điểm cận Tết, nếu bị mất việc, đời sống CN sẽ rất khó khăn. Công ty sẽ tuyển dụng khoảng 100 CN bị mất việc, bảo đảm thu nhập từ 2 triệu đồng – 3 triệu đồng/người/tháng. Sau Tết Nguyên đán, công ty sẽ sắp xếp để có thể nhận thêm 100 CN nữa.

Hòa nhập công việc mới

Thêm một DN tiếp nhận CN mất việc

Ngày 3-12, đại diện Công ty Cổ phần May Quốc tế Thắng Lợi (đóng tại quận Tân Phú-TPHCM) đã đến Ban Thi đua – Chính sách LĐLĐ TPHCM đề nghị được tiếp nhận, giải quyết việc làm cho số CN bị mất việc trên địa bàn TP trong thời gian qua (Báo Người Lao Động đã thông tin). Số lượng CN được đề nghị tiếp nhận là 300 người. Phía công ty cam kết bảo đảm thu nhập bình quân cho CN từ 1,8 triệu đồng đến 3,8 triệu đồng/tháng. Ngoài bữa ăn giữa ca, hỗ trợ tiền nhà trọ, CN còn được thưởng tiền chuyên cần, lễ... CN có nhu cầu tìm việc liên hệ ông Nguyễn Đức Long (phụ trách tuyển dụng công ty) theo số điện thoại: 2.2178932 – 6.2725029 – 0904733130 -
V.Tùng

Cuối tháng 10-2008, khi xí nghiệp giày nữ Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Da giày Sài Gòn đột ngột đóng cửa khiến hơn 400 CN mất việc, LĐLĐ quận Gò Vấp - TPHCM đã liên hệ ngay với các DN trên địa bàn để tìm việc làm cho CN. Trong đó, nhiều CN đã chấp nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Giày da Huê Phong. Ông Sy Sam Cau, phó chủ tịch HĐQT công ty Huê Phong, cho biết do hai DN cùng ngành nghề nên số CN mới không mất nhiều thời gian để hòa nhập. Sau thời gian thử việc và thi kiểm tra tay nghề, nếu đạt yêu cầu, công ty sẽ ký hợp đồng và giữ nguyên bậc thợ cho CN.

Tại huyện Hóc Môn, sau khi các công ty Youg Sheng, Shin Won, Thanh Phong gặp khó khăn phải đóng cửa hoặc cắt giảm lao động, LĐLĐ huyện đã nhanh chóng thông tin đến các DN trên địa bàn. Bà Bùi Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, cho biết: “Hiện các DN có nhu cầu tuyển hơn 500 CN. Chúng tôi cung cấp thông tin về các DN có nhu cầu tuyển dụng để CN có thể liên hệ. Nhờ đó, hàng trăm CN mất việc đã có việc làm mới”.

Liên kết cùng vượt khó

Đối với nhiều DN, nỗi lo lớn nhất là đơn hàng giảm đột ngột, phải thu hẹp sản xuất. Nếu giảm lao động thì CN sẽ khó khăn, còn DN khi có đơn hàng trở lại sẽ không còn CN để làm việc. Để giải quyết khó khăn này, nhiều DN đã chọn giải pháp liên kết để hỗ trợ khi cần thiết. Ông Yên Khải Vinh, Giám đốc Xí nghiệp Giày Rubimex 3 (quận Tân Bình –TPHCM), cho biết: “Thời gian qua, xí nghiệp bị giảm đơn hàng nên phải nhận lại từ các đơn vị bạn. Ngược lại, khi chúng tôi có hàng nhiều mà DN khác thiếu, chúng tôi cũng san sẻ để bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập cho CN”.

Tại Công ty May Trường Vinh (quận 12- TPHCM), ngoài đơn hàng của các đối tác nước ngoài, công ty cũng nhận đơn hàng của các DN trong nước. Những đơn hàng này vừa làm tăng thu nhập cho CN vừa điều tiết được lao động. Bà Quách Kim Phượng, phó giám đốc công ty, chia sẻ: “Việc làm này là cần thiết giúp các DN giữ ổn định sản xuất và lực lượng lao động. Về lâu dài, đây vẫn là giải pháp để các DN cùng ngành nghề liên kết, cộng đồng trách nhiệm để cùng tồn tại, phát triển”.

 

Phải thích nghi

Nhiều tháng đã trôi qua kể từ khi một số chủ DN bỏ trốn, với sự trợ lực của CĐ và DN, đa số CN đã có việc làm mới, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một số CN chưa có việc làm, lâu lâu lại tụ tập trước công ty than thở, trách oán cơ quan chức năng chậm thanh lý tài sản trả nợ lương cho họ. Do không đi làm, không có thu nhập, nhiều CN đã lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí bị chủ nhà trọ đuổi ra khỏi nhà do không có tiền trả tiền thuê nhà.

Trưởng phòng nhân sự một công ty khi tiếp cận với những CN trên đã nhận xét: “Họ đòi hỏi quá cao”. Ông dẫn chứng, nhiều CN không chấp nhận thử việc, thậm chí có người còn đòi phải làm đúng vị trí ... tổ trưởng như trước đây, trong khi chưa chứng minh được khả năng nghề nghiệp của mình. Lại có CN yêu cầu công ty mới phải hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền xăng xe mới chịu làm việc. Thậm chí, nhiều CN từ chối làm việc tại công ty khác dù lương cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn chỉ vì lý do... đã ở quen phòng trọ, đến chỗ mới chẳng biết chơi với ai!

Để giúp cho CN mất việc có việc làm trở lại, các cơ quan chức năng TP đã nỗ lực rất nhiều. Nhờ vậy, hầu hết các CN đã ổn định cuộc sống. Nhưng thiện chí này sẽ không phát huy tác dụng nếu bản thân CN không thích nghi với thực tế, đòi hỏi quá mức trong điều kiện khó khăn chung như hiện nay - Nam Dương

Theo Hồ Tùng Dương (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.