Báo Thanh Niên cứu trợ nạn nhân bão số 9: Mong bà con đón năm mới an bình

31/12/2006 22:26 GMT+7

Sau khi bão số 9 đổ bộ vào Phú Quý (Bình Thuận), PV Thanh Niên đã có mặt tại Phan Thiết từ ngày 16.12.2006. Thế nhưng do sóng to, gió lớn, thuyền không thể ra đảo được. 10 ngày sau, chúng tôi mới được phép lên tàu, vượt qua những con sóng hung dữ trong cái gió cấp 6 - 7, mang tấm lòng của hàng vạn bạn đọc của báo đến với bà con đảo xa.

Tại đây, Báo Thanh Niên đã trao số tiền 100 triệu đồng cho 200 hộ dân (500.000 đ/hộ), 100 bộ võng xếp Duy Lợi do ông Duy Lợi gửi tặng và 1.000 chai dầu gội nhãn hiệu Sosery cho bà con.

Đón chúng tôi tại cảng trong cái gió lạnh buốt da, chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng - Phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý hết sức vui mừng. Chị cho biết: "Sau cơn bão, đảo bị chia cắt với đất liền liên tục 13 ngày vì tàu không thể ra đảo, bà con bị thiếu nhu yếu phẩm trầm trọng, một số hộ rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn vì không thể ra khơi đánh bắt cá. Vì vậy, sự có mặt kịp thời của Báo Thanh Niên mang ý nghĩa rất lớn!".

Sau chặng đường dài hơn 10 giờ bị dập vùi vì say sóng, đến đảo khi đã về chiều, chúng tôi bắt tay ngay vào việc trao tiền, hàng cho bà con. Tại xã Long Hải, chị Trần Thị Phước ở thôn 3 ràn rụa nước mắt: "Khổ quá chú ơi, dành dụm lâu lắm mới có được 85 triệu đồng để mua được chiếc tàu, đi biển chưa được 2 năm, sau 1 đêm, chúng tôi trắng tay!". Cầm  số tiền 500.000đ do đại diện Báo Thanh Niên trao tặng, chị lại khóc: "Ngày xưa có thuyền, có đồng vô đồng ra, số tiền 500.000đ  không lớn, nhưng bây giờ, số tiền này

Theo thống kê sơ bộ, trong cơn bão số 9 toàn huyện Phú Quý bị thiệt hại  hơn 55 tỉ đồng. Trong đó thiệt hại về tàu thuyền là lớn nhất, chiếm hơn 31 tỉ với 733 chiếc thuyền các loại bị hư hại hoàn toàn. Hiện tại, bà con nơi đây rất cần tấm lợp, xi măng, gạo, và đặc biệt là rất cần một lượng lớn gỗ dùng để sửa chữa, đóng mới tàu thuyền...
quý giá gấp trăm ngàn lần, cảm ơn Báo Thanh Niên nhiều lắm!".

Ngay sau đó, chúng tôi tức tốc về xã Ngũ Phụng. Tại đây, chúng tôi tự đứng ra tổ chức, tập hợp và trao quà tận tay bà con. Công việc khá vất vả, nhưng chúng tôi rất cảm động khi thấy được những ánh mắt ngời sáng niềm vui của bà con sau khi nhận được phần quà 500.000đ - số tiền không nhỏ đối với bà con trong hoàn cảnh túng thiếu hiện nay.

Trời càng về chiều, gió biển càng thổi mạnh. Trong cái rét cắt da, chúng tôi cố gắng đến với bà con xã Tam Thanh. Đón chúng tôi tại sân UBND xã, bà con ai  cũng tím tái vì lạnh. Chị Trần Thị Huỳnh Hoa, 36 tuổi, ở thôn 4, xã Tam Thanh vừa nhận tiền, quà xong là tranh thủ đến gặp PV Thanh Niên để tâm sự, chị sụt sùi: "Vợ chồng tôi mới ra riêng, dành dụm mua được chiếc thuyền hơn 100 triệu đồng, chưa đi hết mùa cá thì nay đã tan tành rồi, bây giờ ông xã thì đi làm thuê, tôi thì đụng gì làm nấy, mong có chút tiền để cho con ăn học. Làm nhà báo, chắc biết nhiều, mấy chú coi có ngân hàng nào cho vay lãi thấp chỉ giúp để chúng tôi sắm lại thuyền mới, ra khơi. Chỉ có như vậy chúng tôi mới có thể trả nợ và ổn định lại cuộc sống!". 


Đại diện Báo Thanh Niên trao tiền, quà cho bà con

Rời xã Tam Thanh - điểm cuối cùng của đợt phát quà, chúng tôi gần như kiệt sức vì cái gió, cái lạnh. Nhưng vừa về đến nơi nghỉ, lại hay tin sóng thần sẽ ập đến vùng đảo này. Chúng tôi lại phải thức trắng đêm cùng dòng người trên đảo lũ lượt di tản lên các núi cao quanh đảo tránh nạn. Rất may, sóng thần đã không xảy ra...

Chia tay bà con trong một ngày cuối năm 2006, nhớ những nụ cười hiền lành, chân chất của người dân đảo, nhớ cái lo lắng, bồn chồn của cụ già 87 tuổi di tản lên núi Cấm để tránh sóng thần, chúng tôi cứ thầm mong trong năm mới 2007 và mãi về sau, bà con trên hòn đảo nên thơ này sẽ không còn gặp tai ương, cuộc sống sớm được ổn định, khá giả để những nụ cuời hiền hòa luôn nở trên những khuôn mặt chân chất, phúc hậu của người dân đảo Phú Quý!

Thanh Đông - Lê Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.