Vợ sinh, chồng được nghỉ !

27/12/2005 23:51 GMT+7

Mặc dù dự thảo Luật Bình đẳng giới (có đưa vào quy định nam giới cũng có thời gian nghỉ chăm sóc vợ và con sơ sinh) vẫn còn trong giai đoạn xây dựng, đang được các cơ quan chức năng lấy ý kiến đóng góp để trình Quốc hội xem xét thì tại TP.HCM, một công ty TNHH, chưa hề biết dự thảo này, vẫn đã áp dụng quy định "vợ sinh, chồng được nghỉ" từ hơn 1 năm qua. Đây có lẽ là công ty đầu tiên trong cả nước áp dụng quy định này.

Sáng thứ bảy hằng tuần, những nhân viên của Công ty TNHH giao nhận Việt Thịnh Phú (VieTEx - 43D/3 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn đi làm bình thường, cho thấy cường độ làm việc ở đây khá cao. Thế nhưng, ít ai biết rằng, VieTEx chính là doanh nghiệp tiên phong trong việc cho nhân viên nam được nghỉ thêm mỗi tháng 1 ngày trong thời gian vợ mang thai và sau khi sinh 12 tháng, không tính vào thời gian nghỉ phép năm theo luật định. "Khi nghe tôi áp dụng quy định này tại công ty, vài người bạn kinh doanh đã cười tưởng tôi nói... tếu. Theo họ, đàn ông cần lo làm đại sự, kiếm tiền còn chuyện sinh đẻ, nuôi con... là trách nhiệm và thiên chức dành riêng cho phụ nữ" - ông Nguyễn Bắc Truyển, Giám đốc VieTEx, nhớ lại và cười. Mọi chuyện bắt đầu từ một buổi sáng cuối

Ông Nguyễn Bắc Truyển: "Tôi không thấy hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp bị giảm sút do chính sách vợ sinh chồng được nghỉ sau 1 năm hoạt động"

năm 2004, khi Nguyễn Anh Tuấn, phụ trách nhân viên giao nhận đến công ty mà như người thất thần, đi ra đi vào không làm việc được. Chừng nửa buổi sáng, hình như không còn kiềm chế được, Tuấn vào phòng giám đốc và tâm sự: "Anh ơi, đêm qua con bé nhà em quấy suốt. Hôm nay em muốn ở nhà với con nhưng lại không dám". Quan sát thái độ bồn chồn của Tuấn, Giám đốc Nguyễn Bắc Truyển quyết định cho Tuấn nghỉ cả ngày hôm đó vì: "Nếu không cho nghỉ thì ngày đó anh ta cũng chả làm được việc gì".

"Sau lần đó, tôi cứ nghĩ mãi. Dù mới lập gia đình chưa có con, nhưng tôi thấy nhu cầu của Tuấn là chính đáng. Người vợ khi có thai và sinh nở rất cần sự chăm sóc của chồng. Ngay các bệnh viện phụ sản thời gian gần đây cũng đã cho chồng được ở bên cạnh vợ khi sinh để tránh cho người vợ cảm giác "đi biển một mình". Vậy tại sao mình không tính chuyện cho nhân viên nam nghỉ thêm để chăm sóc vợ? Vậy là tôi đem chuyện bàn với ban giám đốc công ty và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của mọi người" - Giám đốc Nguyễn Bắc Truyển kể.

Theo quy định được niêm yết tại công ty từ cuối năm 2004, bắt đầu từ ngày 6/12/2004, nhân viên nam có vợ mang thai được nghỉ 1 ngày/tháng trong suốt thời gian vợ mang thai đến sau khi sinh 12 tháng. Để được nghỉ, nhân viên phải nộp giấy chứng nhận hôn thú, giấy khám thai đầu tiên, giấy khai sinh em bé, sau đó tự sắp xếp thời gian nghỉ trong tháng, chỉ cần thông báo trước cho công ty 1 ngày để sắp xếp, bàn giao công việc. Nguyễn Anh Tuấn - người đầu tiên được hưởng quy định này, tâm sự: "Tôi sử dụng ngày nghỉ này để đưa con đi khám sức khỏe định kỳ, chích ngừa và thậm chí chỉ để... xả stress, ở nhà chơi với con. Nói thật, những ngày nghỉ thêm này giúp tôi có trách nhiệm hơn với con cái, gia đình".


Nhân viên Công ty VieTEx rất vui vì chính sách vợ sinh chồng được nghỉ của công ty
Không chỉ "ưu đãi" nam giới, với các nhân viên nữ mới sinh con mà có chỉ định của bác sĩ yêu cầu người mẹ phải thường xuyên chăm sóc con nhỏ thì ngoài 4 tháng nghỉ theo Luật Lao động, VieTEx cũng cho người mẹ nghỉ 1 buổi/ngày cho đến khi đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh, không còn cần sự chăm sóc thường xuyên của mẹ nữa. Trong suốt thời gian này, mức lương của nhân viên đó vẫn giữ nguyên, không giảm. Vậy bài toán hiệu quả kinh tế của công ty thế nào? Nguyễn Bắc Truyển cười rất tươi và cho biết sau một năm áp dụng, hiệu quả kinh tế của công ty không hề giảm sút, mức tăng trưởng ổn định theo hướng đi lên. "Dù rất đồng tình, nhưng lúc đầu một số anh em trong ban lãnh đạo cũng lo sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty. Thế nhưng, tôi nghĩ một nhân viên vào công ty mà vẫn còn phân tâm về gia đình, lo lắng vì con ốm, đau thì năng suất lao động không thể cao được, thậm chí thái độ của anh ta còn có thể ảnh hưởng đến nhiều người khác nữa. Giúp họ giải tỏa ngay tâm lý lo lắng thì sau đó không có lý gì họ không gắn bó hơn với công việc, đẩy năng suất lao động lên cao. Thực tế thời gian qua, những người được hưởng chế độ nghỉ thêm của công ty đã minh chứng điều đó. Thậm chí, công ty còn có cái lợi lớn hơn là tinh thần đoàn kết nâng cao. Công ty chúng tôi hiện có trên 40 người và hầu hết còn rất trẻ. Họ nhìn thấy quyền lợi của họ ở phía trước nên khi một người phải nghỉ thì những người khác rất cộng đồng trách nhiệm" - ông Truyển phân tích.

Để minh chứng thêm cho bài toán hiệu quả kinh tế, ông Truyển "bật mí" là qua năm 2006 VieTEx sẽ tăng số ngày nghỉ lên 2 ngày/tháng vì "một ngày như hiện nay vẫn còn ít".

Đức Trung - Lê Nga

Dự thảo Luật Bình đẳng giới:
Nam giới có quyền được nghỉ khi vợ sinh, con ốm

Việc quy định chồng được nghỉ (15 ngày) khi vợ sinh con lần đầu tiên được đề cập trong dự thảo Luật Bình đẳng giới. Chúng tôi đã trao đổi với bà Lê Thị Ngân Giang, Phó ban Luật pháp, Chính sách - T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật chi tiết vấn đề này. Bà Giang cho biết:

Theo dự kiến chương trình làm luật của Quốc hội khóa XI, dự Luật Bình đẳng giới sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp thứ 9, tháng 5/2006 và thông qua tại kỳ họp thứ 10, tháng 11/2006.

Trong dự thảo quy định thời gian nghỉ là 15 ngày. Nhưng có lẽ đây là vấn đề còn phải bàn thảo nhiều để đi đến thống nhất bởi hiện nay dự thảo Luật Bảo hiểm (lần thứ 10) cũng đưa quy định nam giới được nghỉ khi vợ sinh con, nhưng thời gian quy định chỉ có 5 ngày. Khi lấy ý kiến đối tượng là doanh nghiệp, giới sử dụng lao động còn tỏ ra e ngại vì trong một số ngành sản xuất, đặc biệt là các ngành sử dụng lao động kỹ thuật cao, người ta cho rằng trong một dây chuyền sản xuất, một người nam nghỉ 15 ngày liền là một khó khăn. Một vài ý kiến khác còn cho rằng điều này hơi lạ, thậm chí một chuyên gia nữ đang tham gia hoàn thiện Luật Bảo hiểm cũng nói, đàn ông có đẻ đâu mà nghỉ đẻ! Rồi một số chuyên gia luật pháp e ngại, Điều 63 Hiến pháp quy định: phụ nữ công nhân viên chức được nghỉ thai sản mà không quy định cho nam, bây giờ chúng ta quy định như vậy có vướng gì không? Nhưng ban soạn thảo chúng tôi kiên quyết bảo vệ điều luật này. Chúng tôi còn dự kiến đưa những quy định đầy đủ hơn về việc nam giới cũng được nghỉ con ốm như thế nào?

Tuyết Nhung (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.