Thảo luận thành lập khu vực mậu dịch tự do APEC

13/11/2006 22:34 GMT+7

Với 6 nội dung quan trọng, sau một ngày rưỡi làm việc, Hội nghị các quan chức cấp cao APEC (CSOM) đã kết thúc trưa hôm qua, 13.11. Chủ tịch SOM, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Công Phụng đã họp báo công bố những kết quả quan trọng chuẩn bị báo cáo lên các bộ trưởng và lãnh đạo các nền kinh tế APEC.

Trong đó đáng chú ý là Chương trình hành động Hà Nội, cải cách APEC, điều khoản tham chiếu xây dựng các khu vực thương mại tự do song phương và đa phương. Đặc biệt là những thảo luận manh nha về việc hình thành khu vực thương mại tự do chung cho APEC.

Theo ông Lê Công Phụng, các quan chức cao cấp APEC tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của APEC đối với mục tiêu thương mại đa phương toàn cầu. Cứu vãn vòng đàm phán Doha là ưu tiên số 1 của APEC. Các quan chức APEC đã tích cực đóng góp chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo APEC ra tuyên bố riêng về Vòng đàm phán Doha trong Hội nghị thượng đỉnh (ngày 18 - 19.11). Điều này cực kỳ quan trọng vì nó là cơ hội cuối cùng và có ý nghĩa quyết định để cứu vãn tình hình bế tắc hiện nay của vòng đàm phán Doha, nói rộng hơn là tương lai của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là đóng góp quốc tế quan trọng của Việt Nam ngay sau khi gia nhập WTO.

Đánh giá về vấn đề này, Trưởng SOM Nhật Bản Mitoji Yabunaka nói: "Việt Nam đang làm rất tốt vai trò chủ nhà APEC. Với sự điều hành hiệu quả như vậy, cộng với đóng góp to lớn của các nền kinh tế APEC cho WTO nữa, tôi tin rằng Hội nghị APEC 2006 sẽ thúc đẩy nối lại vòng đàm phán Doha". Sáng kiến riêng của Việt Nam đóng góp vào Chương trình hành động Hà Nội đã được đa số các nước đánh giá cao bởi đây là văn kiện nền tảng quyết định tương lai của APEC. Chương trình hành động Hà Nội không chỉ là kim chỉ nam đểí hoàn thành các mục tiêu Bogor về kinh tế, thương mại, đầu tư vào năm 2010 (đối với các nền kinh tế phát triển) và năm 2020 (đối với các nền kinh tế đang phát triển), mà còn hướng tới hoàn thiện các cơ chế hợp tác của APEC.

Việc thực hiện khu vực thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc đang tiến triển rất tốt. Tốt ở cả khía cạnh thực hiện chương trình thu hoạch sớm (thực hiện từ năm 2004) lẫn những gì đang đàm phán. Những gì chúng tôi thảo luận sáng nay, tôi không nghĩ là có gì khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục đàm phán để đạt kết quả trình lên lãnh đạo các nền kinh tế. Chúng tôi tiếp tục thảo luận để đi đến hoàn tất chương trình hành động Hà Nội. Các nước phát triển như Trung Quốc và Việt Nam sẽ gặt hái được gì từ chương trình hành động Hà Nội ? Tôi rất thích kế hoạch cân bằng cả gói. Trong đó quan trọng nhất là chương trình hợp tác kỹ thuật, nó sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho các nước như Trung Quốc và Việt Nam.

Trưởng SOM Trung Quốc
Wang Xiaolong

Thứ trưởng Lê Công Phụng đặc biệt nhấn mạnh đến dấu ấn Việt Nam trong tiến trình cải cách APEC và kết quả đó đã dẫn đến việc "đặt tên" năm 2006 là "năm cải cách APEC". Các thành viên APEC đánh giá rất cao sự khéo léo và linh hoạt của Việt Nam trong điều hành thảo luận và đưa ra được những điểm thống nhất trong một lĩnh vực rất nhạy cảm và rất khó đạt được đồng thuận. Chiến lược dài hạn và cụ thể cho các nội dung quan trọng như hợp tác chống dịch cúm gia cầm, tuyên bố của Hội nghị bộ trưởng tài chính, tăng cường sức cạnh tranh cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác phát triển du lịch và văn hóa... đã được CSOM nhất trí cao để đệ trình các bộ trưởng và lãnh đạo các nền kinh tế.

Ông Lê Công Phụng cho biết, các quan chức cấp cao APEC đều thống nhất về chương trình thuận lợi hóa thương mại nhằm giảm 5% chi phí giao dịch giai đoạn 2006 - 2010. "Đây cũng là một kết quả rất cụ thể, rất có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp trong APEC", ông Phụng đánh giá. Ngoài ra, cũng là lần đầu tiên các quan chức APEC đã thống nhất được 9 điều khoản tham chiếu về xây dựng khu vực thương mại tự do song phương và khu vực. Không cho biết cụ thể các điều khoản vì còn một số điều còn phải thảo luận, nhưng ông Phụng tỏ ra rất lạc quan: "Đa số điều khoản sẽ được nhất trí thông qua trong 1 - 2 ngày tới".

Điểm đáng chú ý là những thảo luận ban đầu cho việc thành lập khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương đã được đưa ra trên bàn nghị sự lần này. "Ý tưởng này hình thành dựa vào mục tiêu của APEC là thúc đẩy thương mại đa biên. Hơn nữa, các khu vực thương mại tự do đang có xu hướng hình thành ngày càng rầm rộ nên việc về lâu dài APEC hình thành nên một khu vực thương mại tự do là điều dễ hiểu", ông Phụng giải thích. Ông Phụng cũng cho rằng khu vực thương mại tự do APEC nếu hình thành thì cũng không ảnh hưởng gì đến các khu vực thương mại tự do khác, cũng chẳng ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán WTO.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Hằng, Trưởng SOM Việt Nam: "Khu vực thương mại tự do APEC là mục tiêu xa, vẫn còn phải bàn thảo nhiều. APEC đeo đuổi mục tiêu tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại. Với cách thức hoạt động hiện nay thì APEC rất phù hợp với mục tiêu đó. Nhưng nếu đi theo hướng thành lập khu vực thương mại tự do thì phải thay đổi thể chế APEC, mà sự thay đổi này thì APEC chưa sẵn sàng để làm ngay từ bây giờ".

Cuối cùng, 8 sáng kiến hợp tác chống khủng bố - số lượng nhiều nhất từ trước đến nay- cũng đã được thông qua tại CSOM lần này. Đại sứ Park Sang-ki (Hàn Quốc) được bầu làm Chủ tịch Nhóm Đặc trách chống khủng bố cho nhiệm kỳ 2 năm tới.

T.M - T.B

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.