Đến thủ đô bí ẩn nhất thế giới - Kỳ 2: Chuyện xe và xăng

24/11/2007 23:21 GMT+7

Yangon không có cửa hàng bán ô tô mới và giá một chiếc Toyota Land Cruiser khoảng 300.000 USD.

Xe "vàng"

Nghe tôi bình luận về sự tràn ngập của "xe cổ" trên đường phố Yangon, anh bạn Naing Soe - doanh nhân trẻ Yangon, hỏi: "Anh biết tại sao không?". Tôi: "Chịu". "Do xe đắt quá. Ở đây không có nhiều người mua được xe mới đâu", Soe nói, đoạn hỏi tiếp: "Anh biết chiếc Camry của tôi giá bao nhiêu không?". Tôi ngắm nghía rồi ước lượng: "Chưa tới ba mươi ngàn đô". Soe không giấu nổi sự thích thú: "Sáu mươi ngàn đấy". Tôi giật mình nhìn kỹ lại xem chiếc xe có gì đặc biệt. Hoàn toàn không. Đó là một chiếc Camry 2.2 đã luống tuổi, nội thất đơn sơ, tay lái nghịch (dù xe cộ ở Myanmar lưu thông bên phải như Việt Nam, nhưng ở đây xe có tay lái nghịch vẫn chiếm số lượng áp đảo), hình dáng bên ngoài cũng chẳng có gì đặc biệt, thậm chí một số chi tiết dường như đã được độ lại, không phải là đồ gin. Nói chung, nếu pít-tông, xi-lanh không làm bằng vàng hoặc kim cương thì đây là một chiếc xe cũ bình thường. "Sáu mươi ngàn đấy", anh ta nhấn mạnh trước sự hoang mang vô bờ bến của người nghe. Tôi choáng váng: "Bằng một chiếc Camry mới ra lò ở Việt Nam!" (*). "Tôi biết. Ở đây một chiếc Land Cruiser đời mới có giá khoảng ba trăm (300.000 USD). Nhưng không dễ mua xe mới. Chính phủ hạn chế mà". Tôi định hỏi tại sao nhưng lại thôi vì biết chắc sẽ nhận được câu: "Không biết".

Qua hai doanh nhân trẻ Naing Soe, Aung Myin và một số người khác mà tôi có dịp tiếp xúc cùng với quá trình tìm hiểu thực tế, một thế giới kỳ lạ trong lòng Yangon hiện lên. Tại đây, không hề có một cửa hàng bán xe hơi mới nào. Chính phủ có chính sách hạn chế dân mua xe, để tiết kiệm, để ngừa khủng hoảng thiếu xăng dầu và nhiều lý do khác. Vì thế khi muốn mua hoặc bán xe hơi, người ta tìm tới chợ đen. Chợ đen là một khu phố nhỏ, một xưởng độ xe hoặc khuôn viên nhà máy... Người cần bán gửi xe ở đây, người muốn mua dò tìm đến đây. Sau khi thương lượng, nếu thuận mua vừa bán thì tiền trao cháo múc. Xe chợ đen tất nhiên toàn xe cũ, xuất xứ bốn phương và đều đã qua các xưởng độ xe thủ công có mặt khắp

Yangon. Xe cũ mèm nhưng giá thì chẳng "cũ" chút nào. Một chiếc xe hơi 5 chỗ đời 80, dàn xe có thể là Toyota hoặc Nissan gì đó, nhưng máy móc, phụ tùng thì hổ lốn, với ngoại hình xác xơ, giá ngót nghét 30.000 USD. Những chiếc taxi cà tàng (loại này đã tuyệt chủng ở Việt Nam) mà tôi có dịp đi giá trên 20.000 USD. 

Đường phố Yangon tràn ngập xe cũ, với giá cực đắt - Ảnh: Đỗ Hùng

Một buổi tối, khi tôi đang ngồi uống cà phê bên lề đường ở trung tâm Yangon với Naing Soe, Aung Myin cùng vài người bạn mới thì có hai chiếc xe hơi trờ tới, thắng gấp. Tôi liếc nhìn, một chiếc BMW M3 màu bạc, mạnh mẽ, một chiếc Mercedes-Benz

S-Class đen sì, sang trọng. Theo thói quen vừa hình thành, tôi nhẩm tính: "Hai con này chắc cũng hòm hòm một triệu". Như đoán được ý nghĩ của tôi, anh bạn Aung Myin nói: "Chiếc S-Class có thể trên một triệu đô, nhưng có thể chẳng một xu nào.

Anh hãy nhìn kính xe. Tất cả đều đen sì". Myin giải thích rằng ở Myanmar, xe hơi không được phép bọc kính đen, trừ xe của nhân vật "có số má". Những người này có thể bỏ ra hàng triệu USD để sắm xe và cũng có thể tặng nhau những chiếc xe sang trọng đó. Họ có thể là doanh nhân có nhiều mối quan hệ đặc biệt, là quan chức có cỡ... "Vì thế, khi gặp xe kính đen, anh hãy cẩn thận", anh bạn Soe ngồi cạnh nhấn giọng. Tôi phì cười trước vẻ mặt trầm trọng của anh. Xứ này có nhiều chuyện lạ đáo để.

Xăng "đen"

Câu chuyện về giá xe khiến tôi như lạc vào một thế giới khác. Còn câu chuyện xăng dầu ở Myanmar lại gợi cho tôi ký ức xưa cũ về một thời tem phiếu ở xứ ta. Thời tôi học vỡ lòng đã là hậu kỳ của chế độ tem phiếu, nhưng tôi vẫn còn loáng thoáng nhớ đôi chỗ. Khi đến Myanmar và tận mắt chứng kiến thị trường xăng dầu ở đây, tôi như trở về thời đó.
Myanmar đứng thứ 10 thế giới về trữ lượng khí đốt. Trữ lượng dầu mỏ có thể khai thác được tại 19 mỏ dầu trên cạn và 3 mỏ lớn ngoài khơi vào khoảng 3,2 tỉ thùng. Nước này xuất khẩu khí đốt nhưng lại nhập khẩu gần như toàn bộ dầu diesel. Ngành công nghiệp lọc dầu 50 năm tuổi của Myanmar hiện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đầu tư. (Nguồn: Reuters)

Tại Myanmar, cơn khát xăng dầu hiện đang ngày một nghiêm trọng nên chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm làm... nản lòng người mua. Hồi giữa năm, nhà chức trách Myanmar đã quyết định nâng giá nhiên liệu, với giá khí đốt tăng khoảng 500%, giá xăng và diesel tăng khoảng 200%. Sự kiện này đã tác động tới mọi mặt cuộc sống của người dân, từ người sử dụng xe cho tới người đi xe buýt. Một chính sách quan trọng nữa là việc áp dụng "hạn ngạch" xăng dầu. Theo đó, mỗi ô tô chỉ được phép "uống" tối đa 6 gallon Anh (khoảng 27 lít) xăng hoặc dầu diesel trong 3 ngày. Xài hết khẩu phần này thì xe phải "trùm mền". Sở dĩ có thể áp dụng được chính sách "hạn ngạch" là do tại Myanmar, chính phủ nắm toàn bộ hệ thống phân phối xăng dầu. Xe nào sử dụng bao nhiêu nhiên liệu đều được "lưu vào sổ". 

Nhưng nhà nước có chính sách thì dân cũng có cách lách. Đó chính là tiền đề cho sự ra đời của chợ đen. Tôi đã rất ngạc nhiên khi vào buổi tối đầu tiên đi chơi với Soe ở Yangon, sau khi cà phê cà pháo chán, anh ta lượn một vòng quanh bờ hồ Kandawgyi rồi dừng lại trước mặt hai người đàn ông đang ngồi bên đường. Ánh đèn pin lóe lên. Một cuộc trao đổi thì thầm diễn ra và sau đó mùi xăng dầu lan tỏa. Khi mọi chuyện xong xuôi, Soe mới giải thích rằng đây là một phi vụ chợ đen, rằng anh ta đã chạy hết "khẩu phần xăng" của mình nên đành phải "ăn đêm". "Thế mấy người này lấy xăng đâu mà bán?" "À, để tôi giải thích cho anh. Ở đây có nhiều người sở hữu xe nhưng ít chạy, thế là xài không hết khẩu phần và bán lại". "Thế có chuyện dân chợ đen móc nối với quan chức nhà nước để mua xăng bán ra ngoài không?", sẵn nỗi ám ảnh từ Việt Nam, tôi hỏi. "Ờ, không biết", Soe đáp, đậm chất Myanmar. "Giá chợ đen thế nào?". "Khoảng gần gấp đôi giá nhà nước, tùy lúc và tùy khả năng thương lượng của anh". "Thế chính sách hạn ngạch này bao giờ mới chấm dứt?", tôi vẫn chưa buông tha. "Ai mà biết được. Có thể ngay ngày mai, có thể vài năm nữa", Soe uể oải đáp. Trên đường trở về khách sạn, tôi quan sát hai bên đường và thấy rất nhiều "cây xăng đen" khác. Nhiều bác tài dừng lại để thương lượng, ngã giá. Thị trường này có vẻ ngấm ngầm mà sôi động.

Chuyện xe đắt như vàng và xăng chợ đen khiến tôi sửng sốt, nhưng sự kỳ lạ của Yangon và đất nước Myanmar chưa chấm dứt ở đó.

(Kỳ sau: Thế giới người giàu, kẻ nghèo

 Đ.H

--------

(*) Theo www.toyotagiaiphong.com.vn, tại Việt Nam, hiện một chiếc Camry 2.4 G mới có giá 50.600 USD, Camry 3.5 Q là 65.900 USD, Land Cruiser GX là 72.500 USD (đã bao gồm thuế GTGT).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.