Làng lưng khòm

12/11/2006 22:05 GMT+7

Trước nay, người ta chỉ biết đến thôn Hòa Hiệp thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) là vùng đất của những người "răng giả" vì nồng độ fluor trong nguồn nước ngầm ở đây cao gấp 500 lần mức cho phép. Hiện nay, thêm một căn bệnh đang hoành hành tại đây khiến người dân Hòa Hiệp thêm hoang mang về nguồn nước họ đang sử dụng...

Đi đâu cũng gặp người... lưng khòm !

Ông Dương Ngọc Hùng, Thôn trưởng thôn Hòa Hiệp nói: "Ngoài nỗi khổ về chuyện hư răng, người dân ở đây còn bị một căn bệnh tai ác khác đang hoành hành, đó là bệnh thoái hóa xương. Những người mắc bệnh này, hai chân luôn bị nhức mỏi, lưng đau, những khi trở trời thì xương sống như bị rút, tê rần khắp mình mẩy, đi đứng rất khó khăn. Những người chỉ mới hơn 30 tuổi cũng đã đi lọm khọm như người già. Anh cứ đi về xóm 2 mà coi, cả xóm chỉ còn bà Trần Thị Lâm là còn đi đứng thẳng thớm, nhưng cũng vừa ngã bệnh".

Chúng tôi tìm đến nhà bà Lâm. Tiếp chúng tôi trong trạng thái đau đớn, bà Lâm cho biết: "Tôi bị chứng tê nhức trong người đã 5 năm nhưng cố gắng gượng làm ăn. Nay muốn đi thì phải nhờ đến cây gậy chứ không có nó thì sẽ không lê nổi một bước. Tôi lớn tuổi rồi (53 tuổi) bị đau như thế đã đành, thằng con tôi kia (anh Đoàn Văn Khanh) mới 35 tuổi cũng đã đi đứng không nổi. Con dâu tôi (chị Nguyễn Thị Hạnh, vợ anh Khanh) mới có 27 tuổi mà cũng đã chớm bệnh đau lưng". Anh Nguyễn Văn Ninh và vợ là chị Lê Thị Phụng - đang ở chơi nhà bà Lâm - tiếp chuyện: "Hơn 10 năm nay, vợ chồng tôi đã không còn đi đứng gì được vì cơ thể như có "treo đá", công chuyện làm ăn phải bỏ bê phó mặc cho lũ con. Tiền chữa bệnh cũng không lấy đâu ra, đau đâu mua thuốc uống đó".

Sát cạnh nhà bà Lâm, anh Đoàn Văn Phòng cũng đã nhập viện điều trị, vợ là chị Nguyễn Thị Hậu dù đi đứng lom khom vẫn cứ phải đi thăm nuôi chồng vì các con còn nhỏ. Tại nhà ông Trần Đông, người nằm liệt giường suốt 10 năm nay vì bệnh "đen xương", chị Nguyễn Thị Phiệt (38 tuổi), con dâu của ông Đông than: "Tôi ở thôn Hòa Lạc về làm dâu ở đây. Từ một người không đau bệnh gì, về ở Hòa Hiệp mới có 21 năm mà cơ thể đã bắt đầu thấy đau nhức. Chồng tôi (anh Trần Văn Vân) mới có 41 tuổi mà đi đứng lọm khọm như một ông già".

Bác sĩ Phạm Văn Ánh, Trưởng trạm y tế xã Vĩnh An (Tây Sơn) - một người dân Hòa Hiệp - cho biết: "Bản thân tôi cũng đã bị thoái hóa cột sống từ những năm 30 tuổi. Bị thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp xảy ra đại trà với người dân Hòa Hiệp trước độ tuổi 40 là một hiện tượng không bình thường, một trong những nguyên nhân là do nguồn nước uống hằng ngày".

Nỗi ám ảnh những căn bệnh quái ác


Người dân vẫn sử dụng nước uống từ giếng khơi - Ảnh: Vũ Đình Thung

Không chỉ bị căn bệnh tai ác trên, người dân Hòa Hiệp luôn bị ám ảnh bởi những cái chết do nhiều căn bệnh ung thư gây ra cho người trong làng. Mới đây, chỉ trong vòng 2 ngày (30 và 31.10) liên tiếp xảy ra 2 cái chết của chị Trần Thị Liên (37 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thu (33 tuổi). Người thân chị Thu cho biết, trước khi chết chị bị đau bụng dữ dội, Bệnh viện đa khoa Quy Nhơn kết luận là viêm cầu thận, còn nhiều bệnh viện khác ở TP.HCM thì cho là bị viêm gan 1 chấm. Khi chết, chị Thu ở trong tình trạng bụng trương phình, toàn thân rỉ nước.

Qua câu chuyện của chị Võ Thị Công Mỹ và Phạm Thị Tường (y tá của thôn Hòa Hiệp), có thể nhận thấy những căn bệnh ngặt nghèo của người dân dẫn đến tử vong là ung thư. Điều đáng quan ngại là hầu hết những người tử vong đang ở độ tuổi còn khá trẻ.

Ngoài những trường hợp xảy ra trước ngày giải phóng, hai chị y tá ở thôn Hòa Hiệp đã liệt kê với chúng tôi một danh sách tử vong dài dằng dặc vì bệnh ung thư từ thập niên 80 (thế kỷ 20) trở lại đây: Trường hợp đầu tiên mà hai chị nhớ ra là mẹ con bà Trần Thị Yến, chết vào những năm đầu giải phóng trong tình trạng khắp người nổi u mọng nước. Tiếp đến là bà Trần Thị Thu (xóm 1), Nguyễn Văn Sim và người láng giềng ông Tô Điểm (xóm 5), Lê Văn Bình (xóm 5), chị Lài (xóm 5), ông Trần Hội (xóm 3) và cháu ngoại Phạm Minh Toàn (xóm 1), bà Nguyễn Thị Tư và con gái Phạm Thị Phương (xóm 1), Nguyễn Văn Bơ (xóm 4), Dương Thuận (xóm 1), vợ ông Trần Củng (xóm 4), Trần Thuận (xóm 1), Dương Em (xóm 2), Nguyễn Văn Thinh và 2 trường hợp vừa xảy ra vào cuối tháng 10 này.

Những người kể trên đã bị chết vì các bệnh ung thư: dạ dày, gan, vòm họng, ung thư máu và ung thư tử cung. Chị Phạm Thị Tường nhớ lại cái chết của mẹ và chị ruột mình: "Mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Tư) chết cách đây 8 năm vì ung thư gan. Chỉ mấy năm sau, chị tôi là Phạm Thị Phương cũng bị chết vì bệnh ấy. Chị ấy đang bình thường, bỗng nổi chứng chướng bụng, vàng da, vàng mắt trong vòng nửa tháng sau là chết". Hiện nay, tại Hòa Hiệp đang còn rất nhiều người "sống chung" với căn bệnh tương tự.

Khi chưa có nghiên cứu, kết luận của cơ quan chức năng, hầu hết người dân ở đây đang có suy nghĩ "thủ phạm" gây ra những căn bệnh hiểm nghèo chính là nguồn nước sinh hoạt. Trong khi đó, mặc dù từ năm 2005, Hòa Hiệp đã được đầu tư một công trình dẫn nước sạch từ xã vùng cao Vĩnh An về với kinh phí 1,7 tỉ đồng nhưng trên thực tế, đến nay hầu hết người dân ở đây vẫn còn sử dụng nước giếng khơi vì nước sạch vẫn... chưa tới!

Vũ Đình Thung 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.