Nghệ sĩ Thanh Tuấn: "Yêu nghề, nghề không phụ mình đâu !"

09/11/2005 23:47 GMT+7

Thanh Tuấn là một trong những nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” như Minh Vương, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Phụng... và hiện nay vẫn rất đắt sô dù cải lương đang mùa khủng hoảng. Chất giọng trầm ấm, luyến láy điêu luyện làm nên một Thanh Tuấn rất quyến rũ, đầy nam tính. Và ngay cả nét diễn của anh cũng vậy, mềm mại mà không sướt mướt. Bây giờ, lại càng khó tìm một nghệ sĩ như thế giữa làng "kép" đang dần ít chất "kép".

Cát-sê là một... cục đường !

Đâu có ai ngờ cậu bé của vùng đất miền Trung gian khổ lại có ngày vinh quang đến vậy! Ngày đó, mới 9 tuổi, cậu bé thường nghêu ngao hát theo radio, giọng trệu trạo mà lại mê vọng cổ thần sầu! Giọng ca non nớt lọt qua khe cửa, vào tai mấy ông đốc canh, tương tự như dân phòng bây giờ. Mấy ông đi tuần ban đêm, nghe vọng cổ liền như có ai trút dùm bầu tâm sự. Bèn kêu: "Liêm ơi Liêm, mầy ca đi, tao cho cục đường!". Chu cha, nhà nghèo không có tiền mua kẹo, ăn đường cũng ngon quá rồi! Thứ đường mía nguyên chất đóng khuôn thật chặt, nuốt tới đâu nghe ngọt lịm và béo thơm tới đó. Thế là chú nhỏ chịu liền. Đêm nào cũng hát, "cát-sê" lãnh ngay. Mấy "fan" gác súng thả hồn theo xê hò xang cống... và chú nhỏ đặt bước chân đầu tiên vào nghề cải lương như thế!

Năm 1963, địch đánh phá miền Trung ác liệt, cha đi tập kết, gia đình cứ bị truy lùng bắt bớ nên người mẹ bồng bế đàn con vào Sài Gòn trốn lánh. Cậu bé Liêm ban ngày vừa đi học vừa làm thuê kiếm sống, ban đêm thả mình trong rạp hát và 14 tuổi nhất quyết thọ giáo ở lò ông Út Trọn, ông Bảy Trạch, hai nhạc sĩ đã đào tạo nên biết bao tài danh thời ấy. Năm 1964 cũng là năm Minh Vương, đệ tử ông Bảy Trạch, đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ. Một năm sau, ông Bảy Trạch đưa chú bé Liêm vô đoàn Bạch Liên Hoa, đặt nghệ danh là Thanh Tuấn. Và chỉ 5 năm sau, Thanh Tuấn đã lọt mắt xanh hãng đĩa Asia lừng lẫy. Tiền vô như nước, những tuồng hát hay cũng xuất hiện thường xuyên, ghi dấu ấn Thanh Tuấn cho tới bây giờ.

Nghệ sĩ Thanh Tuấn tên thật Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1950 tại Quảng Ngãi
Vào Sài Gòn năm 1963. Năm 1965 đi hát cho đoàn Bạch Liên Hoa, sau đó là các "đại bang" như Thủ Đô, Hương Mùa Thu, Kim Chung và được hai hãng đĩa nổi tiếng là Asia, Việt Nam ký hợp đồng liên tục. Sau giải phóng hát cho đoàn Sài Gòn 2.

Các vở tiêu biểu: Đường gươm Nguyên Bá, Tây Thi, Người tình trên chiến trận, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Ánh lửa rừng khuya, Rạng ngọc Côn Sơn, Pha lê và cát bụi, Khúc ly hương (HCB Liên hoan sân khấu Mùa thu TP.HCM), Tần Nương Thất, Nỗi lòng Chu Văn An (Giải diễn viên xuất sắc Liên hoan cải lương truyền hình năm 2000)

Nỗi niềm "nghệ sĩ ưu tú"

Trong lòng khán giả sành điệu thì Thái tử Ngũ Châu (vở Đường gươm Nguyên Bá) là một vai diễn để đời của Thanh Tuấn. Một con người chuyển biến tâm lý từ kiêu căng, sầu hận, ghen tuông sang thấm thía tình đời, tình người và trầm tĩnh trước vinh hoa phú quý. Chỉ bằng công nghệ thu tiếng, không có sự hỗ trợ của diễn xuất, nhưng với giọng ca biết nhấn nhá điêu luyện, Thanh Tuấn đã vượt qua những lớp diễn phức tạp. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong vai đại úy Huy Bình (Tìm lại cuộc đời) trên HTV cũng với tâm lý chuyển biến phức tạp như thế anh đã làm khán giả mê mẩn vì một vẻ đẹp mạnh mẽ. Đến vai Chu Văn An lại là một kẻ sĩ ưu thời mẫn thế, khiến người xem đau cùng nỗi đau của ông. Và bài vọng cổ Chuyến xe Tây Ninh anh hát suốt những năm đầu giải phóng cứ đẹp như một bài thơ. Chỉ bấy nhiêu đó thôi đủ đưa Thanh Tuấn lên hàng "ưu tú". Vậy mà anh vẫn chưa được nhận danh hiệu này (!).

Thật ra Thanh Tuấn không nói gì, chỉ tại tôi nhắc nên anh mới thở dài:

- Tôi mong mọi người quan sát cho kỹ chứ đừng có nghe đồn đãi. Lúc trẻ ai không lầm lỡ đôi điều, nhưng khi người ta phấn đấu tốt thì phải động viên. Tôi đã thay đổi từ 16 năm nay rồi sao không ai biết dùm! Vì tự ái, nghĩ mình có danh dự nghệ sĩ không lẽ đánh mất. Bây giờ, tôi hay đi hát từ thiện, ước mơ đóng góp cho cuộc đời chút gì đó cũng vui rồi.

* Anh còn đóng góp bằng mấy chục bài vọng cổ và tuồng cải lương, trong đó có bài Mặt trời đêm hát trước quân đội, được thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khen ngợi và lấy đĩa phổ biến cho anh em. Anh có suy nghĩ gì về lớp ca sĩ cải lương trẻ bây giờ?

- Tôi vốn mê đọc sách, đọc báo, đặc biệt mê sử và các loại sách kinh tế, địa chí. Cộng với vốn sống trong cuộc đời lăn lóc, lấy đó mà ghi lại thành tác phẩm thôi. Khi viết, tôi chú ý tính văn học, chắt chiu từng chữ để người ta thấy cải lương là sang trọng. Ra album nào cũng bán rất nhanh. Nhưng quan trọng là nhận thức của nghệ sĩ, nếu yếu kém thì khó diễn xuất cho tốt. Bây giờ nhiều em không thèm đọc sách báo, không thèm quan tâm tới cuộc sống đang vận động thế nào nên khi vào những vai khó thì không đủ sức lột tả, không đủ chiều sâu tâm lý. Làm nghề, không chỉ lo bươn chải để nổi tiếng mà còn phải lo bồi dưỡng về văn hóa, ý thức, nó hỗ trợ cho nghề nhiều lắm. Chính điều này lý giải tại sao ngày nay có nhiều bạn trẻ vào nghề mới mươi năm đã đuối.

* Anh có nghĩ cải lương khó khăn là do có quá nhiều loại hình giải trí đang cạnh tranh? Hay do nội lực của chính cải lương? Và làm gì để cải lương đừng mai một?

- Tất nhiên có nhiều loại hình giải trí khiến khán giả bị chia sẻ, không tập trung vào riêng cải lương như trước. Nhưng nhà mình thì mình cứ phải giữ cho đẹp, người ta vẫn khen. Bên ngoài tấn công mà bên trong mình không chịu xây dựng cho chắc, cho đẹp thì càng mau sập. Cải lương đang mong chờ vào thế hệ trẻ kế thừa, chúng tôi rồi sẽ giã từ sàn diễn nên trao hết niềm tin vào tay các em. Chỉ một lời nhắn duy nhất: xin hãy yêu nghề, vì nghề sẽ không phụ mình đâu!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.