Vì sao sinh viên chán học?

09/11/2008 22:00 GMT+7

Một giảng viên dạy môn Điều khiển tự động buộc phải đánh rớt 98,6% sinh viên (SV) làm bài thi quá kém. Có 52/72 SV lớp này phải học lại sau 2 lần thi và 93% SV bị thầy phê là không có điểm chuyên cần.

Mất căn bản về kiến thức và tư duy

Người có hành động quyết liệt đó là giảng viên Lê Quang Đức - khoa Điện, Điện tử viễn thông trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ông vốn rất nghiêm khắc, từng đuổi nhiều SV ra khỏi lớp vì hỏi cái gì cũng không biết, không hiểu. Khác với nhiều giảng viên thường chỉ “giơ cao đánh khẽ” - đợt 1 cho SV rớt nhưng đợt 2 lại tha, giảng viên Lê Quang Đức tự nhận mình “giơ cao đánh mạnh”, nếu thi cả 2 đợt mà điểm vẫn yếu thì không “vớt” mà cho học lại!

Ông ngán ngẩm: “SV học dốt là do lười. Các em mới lên thành phố thường ham chơi. Năm 1, năm 2 không chịu tập trung học hành nên dần dần mất căn bản về kiến thức và tư duy, do đó mất luôn sự tự tin và quyết tâm. Nhiều em học năm 3, năm 4 rồi mà vẫn không biết cái gì”.

Ông Đức nói thêm: “Do dạy-dỗ-dụ-dọa mãi mà SV vẫn không chịu học nên phải có biện pháp mạnh. Mà phải mạnh ngay từ đầu thì SV mới lo học, đi vào khuôn khổ. Tất nhiên vai trò của người thầy vô cùng quan trọng, nếu anh dạy mà SV chán, tiếp thu không nổi thì anh mạnh tay quá sẽ bị phản ứng”.

SV lười học trường nào cũng có. Thậm chí lười học với những môn chuyên ngành, thiết thực cho chuyên môn của mình sau này. Khóa 6 khoa Ngữ văn trường ĐH Văn Hiến có 123 SV thì ở năm học 2007 - 2008 có tới 32 SV đạt 4 điểm môn Từ vựng tiếng Việt, tỷ lệ rớt môn này là 30%. Danh sách SV phải học lại học phần vào học kỳ I năm 2008-2009 của toàn khoa là 59 SV, rơi vào toàn những môn thuộc chuyên ngành như: Ngữ âm tiếng Việt, Văn học dân gian, Lý luận văn học, Ngữ pháp tiếng Việt...

Không có thuốc đặc trị?

Lâu nay giảng viên của nhiều trường vẫn ngán ngẩm vì tình trạng SV lười học. Khi ý thức chủ động trong học tập của SV còn kém, nhiều giảng viên dù đã thay đổi phương pháp giảng dạy thì tình hình vẫn không được cải thiện. Số SV tự mày mò, chủ động trong tiếp nhận kiến thức còn rất ít. Nếu cứ “thương” mà cho đậu thì như vậy là làm hại SV, họ sẽ phải chịu hậu quả là không đủ kiến thức để làm việc sau khi ra trường.
 
 Đối diện trường ĐH có nhiều quán cóc nên SV có thể trốn tiết ra ngoài tán gẫu -  Ảnh: Mỹ Quyên

Những biểu hiện của lười học thường là: hay bỏ học, nói chuyện trong giờ học, la cà quán xá, chơi game, mải đi làm thêm kiếm tiền... Một SV (giấu tên) lớp Địa K2B khóa 33 trường ĐH Sư phạm TP.HCM thổ lộ: “Phần vì có nhiều môn học khó, nhưng phần lớn là do lười. Môn Bản đồ lớp em có tới 33/100 bạn phải thi lại, kế đó là môn Anh văn dù cô giáo dạy rất hay.

Nhiều bạn mải mê đi làm thêm kiếm tiền như làm gia sư, bán bông những dịp lễ, có bạn thì mải chơi game. SV thường tới lớp điểm danh cho xong là trốn ra ngoài. Tụi em thường phải làm bài tập theo nhóm 5 người, thì chỉ có 1, 2 bạn là chịu khó làm, còn lại không làm gì cả”. Một SV năm 2 lớp Nông học trường ĐH Nông lâm TP.HCM ngồi kế bên cũng góp chuyện: “Lớp em có 120 SV, có môn phải thi lại tới 90% như môn Hóa phân tích. Có lẽ vì lớp em thí điểm chương trình ứng dụng thay đổi phương pháp học nên SV chưa thích ứng kịp, nhưng phải công nhận là đa số các bạn chưa có ý thức tự học”.

Thi lại một môn phải nộp 20.000 đồng, học lại một đơn vị học trình phải nộp 25.000 đồng, có SV phải thi lại cả 4-5 môn, học lại cả chục đơn vị học trình nhưng vẫn không hề “sợ”. Nhiều SV phải bỏ học giữa chừng vì nợ quá nhiều học phần đến mức “trả” không nổi, nhưng vẫn nói dối bố mẹ ở quê là đang đi học.

Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào cả SV và giảng viên. Tuy nhiên, SV trước hết phải tự ý thức là học để nắm bắt kiến thức, để không lãng phí thời gian, tiền của, công sức của cha mẹ, và không trở thành người “tay trắng” khi vào đời.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.