Cuộc khủng hoảng năng lượng thế kỷ 21

24/10/2007 21:29 GMT+7

Bài 1: Vì sao giá dầu mỏ tăng? Tuần qua, giá dầu mỏ thế giới đã lên rất cao và có thể sẽ không dừng lại tại đây. Thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có trong thế kỷ này. Đó là cảnh báo mới nhất liên quan đến tình hình dầu lửa thế giới tới đây.

Dầu mỏ đang cạn kiệt

Thứ sáu tuần qua, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã lên tới mức trên 90 USD/thùng, hoàn toàn trái với dự báo trước đây của Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA) rằng không có gì đáng lo ngại lắm về giá dầu lửa hiện nay.

Ngày 22.10.2007, theo báo cáo của Văn phòng Tổ chức kiểm soát năng lượng Anh (EWG) tại Đức, sản lượng dầu mỏ trên thế giới đã lên tới đỉnh điểm vào năm 2006, sớm nhiều hơn so với dự báo của các chuyên gia dầu mỏ và bắt đầu giảm sút khoảng 7% mỗi năm kể từ nay. "Thế giới sẽ không còn có đủ khả năng để sản xuất ra một lượng dầu mỏ như thực tế đòi hỏi. Đây sẽ là vấn đề rất lớn mà nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt", đó là nhận xét của Giám đốc văn phòng EWG Hans-Josef Fell.

Trước đó, các số liệu cho biết dưới lòng đất còn có khoảng 1.255 tỉ thùng, đủ để cho con người sử dụng trong 42 năm tới. Tuy nhiên, EWG cho rằng với tốc độ khai thác tăng khoảng 30% mỗi năm như hiện nay thì trong vòng 30 năm nữa nguồn dầu lửa dưới lòng đất sẽ chẳng còn được bao nhiêu. Theo đó, thế giới sẽ chỉ sản xuất được 39 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2030 so với con số 81 triệu thùng/ngày như hiện nay.

Trong nhiều năm qua, do sự bùng nổ của nhiều nền kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, nhu cầu dầu mỏ của các nước này ngày càng tăng một cách khủng khiếp: Trung Quốc, với dân số trên 1 tỉ cùng với tốc độ phát triển kinh tế gần 10% mỗi năm đã khiến quốc gia này vượt qua Nhật Bản và đứng sau Mỹ về mức độ tiêu thụ dầu lửa với số lượng nhập khẩu khoảng 6,8 triệu thùng/ngày (tăng 15% mỗi năm).

Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu với mức tiêu thụ khoảng 21 triệu thùng/ngày và con số sẽ tăng lên khoảng 44% trong 20 năm tới đây, bằng cả lượng tiêu thụ của Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc cộng lại. Năm 2008, theo dự báo của IEA, thế giới sẽ cần bổ sung thêm khoảng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày so với 1,5 triệu thùng trong năm 2007 và nhu cầu này sẽ tăng mỗi năm 2% cho đến năm 2012. Tuy nhiên, một số dự báo khác lại khẳng định rằng thế giới sẽ cần đến 140 triệu thùng dầu/ngày trong 25 năm tới.

Bất ổn về an ninh

Một thực tế rất đáng lo ngại là những quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất trên thế giới lại là những quốc gia chứa đựng những rủi ro rất lớn về tình hình an ninh. Ả Rập Xê Út, quốc gia chiếm 25% trữ lượng dầu thế giới với những nhà máy lọc dầu và hệ thống kho chứa khổng lồ từng là mục tiêu tấn công của các tổ chức Hồi giáo cực đoan (2002). Người ta đã dự báo rằng chỉ cần một vài nhà máy lọc dầu trọng yếu của Ả Rập Xê Út bị tấn công là quốc gia này phải ngưng xuất khẩu dầu trong 24 tháng và kinh tế toàn cầu sẽ trở nên hỗn loạn. Tình hình này càng khiến thế giới phải lo ngại hơn khi các thủ lĩnh al-Qaeda khẳng định rằng các cơ sở khai thác dầu luôn là mục tiêu tấn công. Tại Nigeria, từ năm 2005 đến nay, các nhóm vũ trang địa phương (MEND) đã tấn công hàng loạt nhà máy khai thác, lọc dầu của Mỹ, Anh, bắt cóc nhiều nhân viên kỹ thuật và đòi những khoản tiền chuộc lên tới hàng tỉ USD.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh tại Iraq, những bất ổn chính trị tại Venezuela, Nigeria và những phức tạp chính trị tại Trung Á, vùng Caspia... Một số nước xuất khẩu dầu mỏ khác như Mexico, Colombia, Azerbaijan, Indonesia... cũng có những bất ổn về chính trị. Do vậy, nguồn năng lượng sống còn của cả thế giới vẫn phải gắn chặt với những rủi ro không thể lường trước.

Thiện chí của OPEC

Thế nhưng, những lý do trên chưa đủ để khiến cho giá dầu tăng lên một cách nhanh chóng đến như vậy. Sau khi Mỹ chiếm đóng Iraq, người ta đã vội cho rằng nguồn dầu lửa dồi dào của Iraq sẽ được tuôn trào ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, đến tháng 3.2007, do công cuộc bình định Iraq của người Mỹ vẫn không thành công, sản lượng dầu lửa của Iraq sản xuất hiện nay chỉ đạt 1,95 triệu thùng/ngày, thấp nhiều hơn so với con số 6 triệu thùng/ngày dưới thời Saddam Hussein.

Đồng thời, trong lúc gần như cả thế giới lo ngại về nguồn năng lượng sống còn này thì có vẻ các quốc gia xuất khẩu dầu lửa lại đang "bình chân như vại" mặc dù họ đã tỏ ra có những động thái sốt sắng để "chia sẻ" khó khăn này. Tháng 9 vừa qua, các thành viên OPEC nói rằng họ sẽ sản xuất thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày kể từ ngày 1.11. Tuy nhiên, con số này chẳng thấm tháp gì so với cơn khát dầu hiện nay của cả thế giới. Thậm chí, nhiều người còn dám cược rằng OPEC sẽ tìm mọi cách để khiến giá dầu còn lên cao hơn nữa trong thời gian tới như đã từng.

Trong năm 2007, kinh tế Mỹ suy thoái khiến mãi lực của đồng USD đang đi xuống so với đồng euro nên các nước OPEC đã âm thầm tìm cách tăng sản lượng dầu bán ra để bù vào khoản hao hụt đã mất và tăng nguồn thu quốc gia. Tháng 7.2007, theo Báo Wall Street Journal, trong khi các nước nhập khẩu dầu mỏ khốn đốn vì giá cả, các công ty chế biến dầu lửa như ExxonMobil và Shell lại gặt hái được một vụ mùa bội thu với doanh thu trong quý II/2007 lần lượt là 10,3 và 8,7 tỉ USD.

Còn tiếp...

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.