Vệ tinh Kaguya của Nhật bước vào giai đoạn thám hiểm quan trọng

27/12/2007 18:42 GMT+7

(TNO) Hôm qua 26.12, Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết, vệ tinh thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Nhật mang tên Kaguya (còn có tên SELENE) đã hoàn tất 2 tháng đầu tiên bay quanh quỹ đạo Mặt trăng. Trong 2 tháng này, vệ tinh Kaguya thực hiện các bước khởi động, rà soát tính năng kỹ thuật của tất cả các trang thiết bị của vệ tinh.

JAXA cũng cho biết, từ thứ sáu tuần qua (21.12), vệ tinh Kaguya đã bước vào giai đoạn thực hiện các sứ mệnh chính của mình kéo dài trong khoảng 10 tháng để thu thập các dữ liệu về Mặt trăng. Hiện tại, vệ tinh vẫn đang tự giải quyết một số vấn đề kỹ thuật để đảm bảo việc tiếp nhận dữ liệu.

Sau khi đi vào quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 5.10.2007, vệ tinh thăm dò Kaguya đã bắt đầu truyền về Trái đất những hình ảnh chất lượng 3D rõ nét nhất từ trước đến nay.

Trong thời gian tới, Kaguya sẽ đi sâu vào nghiên cứu tổng thể Mặt trăng, thu thập các dữ liệu về các thành phần hóa học, cấu trúc bề mặt và phần lõi của Mặt trăng, những vùng từ trường và lực hấp dẫn của nó. Những dữ liệu do Kaguya truyền về sẽ giúp các nhà nghiên cứu thu thập thông tin về nguồn gốc và sự tiến hóa của Mặt trăng.






Hình ảnh Trái đất lơ lửng trong không gian được chụp từ quỹ đạo của Mặt trăng, phía dưới là bề mặt Mặt trăng - Ảnh: Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản

Được biết, vệ tinh Kaguya (theo truyện cổ dân gian Nhật, Kaguya là tên của một vị công chúa xinh đẹp đã hớp hồn bao nhiêu chàng trai trước khi bay về cung trăng), được JAXA phóng lên vào ngày 14.9.2007 tại Trung tâm Vũ trụ tỉnh Kagoshima, cách thủ đô Tokyo 1.000 km về phía nam với chi phí cho việc phóng là 55 tỉ yên (478 triệu USD).

Kaguya là chương trình khám phá Mặt trăng phức tạp nhất kể từ khi Chương trình Apollo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) được thực hiện vào những năm 1960 và 1970 của thế kỷ trước. Khi đó, các nhà du hành vũ trụ đã đi bộ trên Mặt trăng.


Vệ tinh thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Nhật Bản Kaguya - Ảnh: AFP

Hiện nay, Trung Quốc cũng đang có mặt trong quỹ đạo của Mặt trăng với vệ tinh thăm dò Chang’e 1 (có nghĩa là Hằng Nga). Chang’e 1 được phóng vào ngày 24.10 vừa qua và đã truyền về Trái đất những bức ảnh đầu tiên. Trong khi đó, quốc gia đông dân thứ hai thế giới Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh thăm dò Mặt trăng đầu tiên của mình mang tên Chandrayaan-1 vào tháng 4.2008.

D.B (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.