Chấp nhận lu mờ cho người khác tỏa sáng

29/12/2005 22:25 GMT+7

Nghe qua ý kiến này, bạn sẽ phản đối quyết liệt: "Thời đại ai cũng muốn mình là ngôi sao, ngốc nghếch gì mà lại chấp nhận lu mờ?”. Bạn sẽ bình tĩnh suy xét: "Người như vậy chưa hẳn đã là ngốc nghếch, lu mờ. Có khi đó là một cách để đi đến tỏa sáng ấy chứ". Hay bạn sẽ nhận ra điều này: Vẻ đẹp đích thực tỏa ra từ sự hy sinh bản thân mình cho người khác "lên ngôi" cũng lung linh không kém vẻ đẹp của người đang tỏa sáng kia.

Vậy bạn có muốn mình là người vô danh, bạn có muốn mình là người kém quan trọng, bạn có muốn mình trở thành vai phụ để cho những người khác vượt lên, cho dù bạn cũng có những khả năng không kém họ? Bạn có sẵn lòng hy sinh bản thân, chấp nhận lu mờ để tôn vinh những giá trị đẹp trong cuộc đời này, nhất là khi bạn đang muốn khẳng định bản thân, đang muốn thành danh trong sự nghiệp? Hãy nghe bạn trẻ tâm sự những suy nghĩ về giá trị sống này.

Nguyễn Thị Dịu

Nguyễn Thanh Hiên - Giảng viên Trường cao đẳng bán công Hoa Sen: “Nếu là bạn thân mình, tôi sẵn sàng hy sinh cho bạn đến với thành công. Còn trong công việc thì khó có thể chấp nhận bởi thời buổi cạnh tranh gay gắt này chấp nhận lu mờ có nghĩa là chấp nhận bị đào thải. Thời kháng chiến, có nhiều người sẵn sàng nhận cái chết, nhường phần sống cho bạn nhằm đạt được khát vọng tự do, độc lập cho dân tộc. Còn bây giờ, có lẽ hơi hiếm vì ai cũng vì cá nhân mình nhiều hơn là vì cộng đồng”.

Nguyễn Thị Dịu - SV Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Chuyện mình lu mờ nói ra giống như cái gì cao siêu, mà cái gì cao siêu lại không thực. Quy luật cuộc sống nếu mình giúp người ta, người ta sẽ giúp lại mình, còn không chấp nhận cách giải quyết mình lu mờ để người khác tỏa sáng. Tại sao không để cả hai cùng tỏa sáng? Theo tôi, phải cố gắng làm sao để cùng tiến chứ không nên người này lùi, người kia tiến”. 

Vũ Đình Minh

Vũ Đình Minh - cựu SV Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: “Chuyên môn hóa càng cao, tính cá nhân khẳng định càng nhiều, đặc biệt trong môi trường đô thị. Tuy nhiên, không phải không có những con người chấp nhận hy sinh cho người khác tỏa sáng. Tôi có anh bạn đã nuôi một người cùng quê học 4 năm đại học. Anh còn giúp một người bà con nữa nhưng chính người này ôm 30 triệu đồng - tài sản cuối cùng của anh bỏ chạy. Mặc dù trắng tay, nhưng sau này gặp lại, thấy cuộc sống người đó cũng khó khăn, anh lại bỏ qua. Người như anh ấy, tôi nghĩ thật hiếm và thật đáng trân trọng. Mặc dù chấp nhận lu mờ nhưng tôi thấy, chính anh đã tỏa sáng trong lòng nhiều người”.

Mỹ Quyên - Hà Thị Dịu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.