Hoãn V-League lần hai, các CLB chưa giảm lương cầu thủ

05/08/2020 08:46 GMT+7

Toàn bộ hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam đang phải ‘án binh bất động’, nhưng hầu hết CLB V-League tạm thời chưa thực hiện chính sách ‘thắt lưng buộc bụng’ mà vẫn hào phóng giữ nguyên mức thu nhập (lương...) hiện có.

Chưa ai bị cắt lương

Một cầu thủ đang khoác áo một đội bóng tại khu vực miền Nam cho hay: “Tuần trước khi nghe tin các giải đấu bị tạm dừng, anh em chúng tôi quả tình rất lo lắng. Vì ở lần tạm hoãn hồi tháng 3, lương đã bị giảm 30% trong hai tháng, sau đó được hồi phục. Nếu lần này CLB lại đưa ra quyết định giảm lương thì rất gay, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa thấy các sếp nói gì. Hy vọng quỹ tài chính của đội bình ổn để đời sống cầu thủ không bị ảnh hưởng”. Chúng tôi đã mang chia sẻ này để hỏi các CLB thì câu trả lời đều có mẫu số chung là “không giảm, hoặc ít nhất là chưa giảm trong hai tháng 8 và 9”.

Công Phượng và dàn sao cựu á quân U.23 châu Á khẳng định đẳng cấp ở V-League 2020

Chủ tịch kiêm HLV CLB Sài Gòn Vũ Tiến Thành cho biết: “Chúng tôi vẫn duy trì tập luyện bình thường với tâm thế sẵn sàng thi đấu bất cứ lúc nào theo quyết định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Các thành viên đội bóng vẫn hưởng chế độ đầy đủ như trước đây chứ không hề có chuyện cắt giảm lương cầu thủ. Chúng tôi vẫn chi trả lương đúng thời hạn và chưa có quyết định nào về việc thay đổi”.
Được biết, lương cầu thủ CLB Sài Gòn có nhiều mức khác nhau, một số cầu thủ hưởng mức cao, dao động từ khoảng 30 - 35 triệu đồng/người/tháng. Một số cầu thủ khác hưởng lương thấp hơn một chút, khoảng từ 15 triệu, 20 triệu, 25 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, lương của đội TP.HCM cũng khoảng 40 - 45 triệu đồng/người. Một số trường hợp cá biệt hưởng cao hơn như Trần Phi Sơn (khoảng 48 - 50 triệu đồng/tháng) hay Nguyễn Công Phượng (cao hơn các đồng đội khác khoảng 15 - 25 triệu đồng). Đội bóng do Chủ tịch kiêm HLV Hữu Thắng dẫn dắt cũng chưa có quyết định giảm các mức lương nói trên.

B.BD vẫn tập luyện bình thường như trước đây, nên cầu thủ xứng đáng được hưởng đầy đủ lương bổng và các chế độ khác

Lê Hồng Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Bình Dương

Mức lương đội Becamex Bình Dương (B.BD), cầu thủ thấp nhất 15 triệu đồng/tháng, các cầu thủ khác 20 - 25 triệu đồng/tháng. Những cầu thủ trẻ nhưng cống hiến nhiều cho đội tuyển quốc gia như Nguyễn Tiến Linh, Hồ Tấn Tài, được biết mức lương khoảng 30 - 35 triệu đồng/tháng. Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Bình Dương Lê Hồng Cường nói: “Do cầu thủ tập trung ở đại bản doanh CLB nên chúng tôi chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19. B.BD vẫn tập luyện bình thường như trước đây, nên cầu thủ xứng đáng được hưởng đầy đủ lương bổng và các chế độ khác. Đội bóng của chúng tôi tập luyện để sẵn sàng thi đấu ngay khi giải trở lại”.

“CLB trả phí lót tay nhưng nếu giải bị hủy, VPF tính sao ?”

Các CLB khác như Viettel, Dược Nam Hà Nam Định (D.NĐ), Hà Nội, Thanh Hóa, SLNA cũng khẳng định sẽ giữ nguyên mọi chế độ thu nhập và phúc lợi nhưng với các lý do không hoàn toàn giống nhau. Theo như giải thích của lãnh đạo CLB SLNA: “Lương của cầu thủ SLNA đã thấp so với mặt bằng chung, giảm nữa thì họ biết sống bằng gì, nuôi gia đình bằng gì?”. Còn Viettel dĩ nhiên không cắt giảm lương vì đội bóng áo lính được xếp vào hàng các CLB “đại gia” tại V-League. Được biết, lương cầu thủ Viettel ở mức sao, thấp nhất cũng 35 triệu đồng/người/tháng. Những “ngôi sao” như Quế Ngọc Hải hay Nguyễn Trọng Hoàng có thể nhận lương cao gấp đôi con số nói trên.
Đội bóng nghèo như D.NĐ, lương cầu thủ cao nhất cũng chỉ dao động từ 20 - 25 triệu đồng/người/tháng. Lãnh đạo đội vẫn lăn tăn, dù chưa nghĩ đến giảm lương ở thời điểm này nhưng có thể sẽ phải tính toán lại nếu như giải hoãn dài.

Lương của cầu thủ SLNA đã thấp so với mặt bằng chung, giảm nữa thì họ biết sống bằng gì, nuôi gia đình bằng gì?

Lãnh đạo CLB SLNA

Chủ tịch CLB Thanh Hóa (TH) Nguyễn Văn Đệ tiếp tục kêu gọi VPF dừng hẳn giải, dù vẫn tuyên bố: “Ở lần tạm hoãn hồi tháng 3, TH giảm 50% lương nhưng chúng tôi không giảm lương cầu thủ ở lần tạm hoãn thứ 2 này. Ở mỗi mùa giải, TH trả tiền phí lót tay cho cầu thủ thành hai đợt. Dù giải đang tạm dừng và không đá thì ở đợt thứ 2, TH vẫn phải trả đủ phí lót tay, nếu không cầu thủ sẽ không chịu. Tôi đặt câu hỏi cho VFF và VPF là, nếu sau này vì nhiều lý do khách quan mà giải bị hủy thì coi như chúng tôi mất trắng phí lót tay, VPF tính sao? Liệu VFF và VPF có đứng ra chịu trách nhiệm không? VFF và VPF có chịu trả thay cho đội bóng không. Tôi đặt vấn đề hoàn toàn nghiêm túc. Mỗi đội V-League nuôi 40 - 50 người, tốn kém. VFF có hỗ trợ tài chính cho các đội không nếu giải hoãn dài. Chúng tôi là các cổ đông của VPF, đặt hết niềm tin vào VPF. Do đó, chúng tôi rất muốn VPF sớm có quyết sách đúng đắn và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với mọi quyết sách của mình. Xin đừng để các đội lâm vào cảnh cười ra nước mắt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.