Nghề môi giới cầu thủ: Bao giờ mới chuyên nghiệp?

30/08/2020 10:40 GMT+7

Là một trong số ít người đầu tiên tại Việt Nam trực tiếp sắm cầu thủ ngoại những ngày đầu V-League lên chuyên năm 2000, sau 20 năm, HLV Trần Bình Sự cho rằng sớm muộn nghề môi giới cầu thủ cũng phải hướng theo mô hình hoạt động minh bạch, rõ ràng.

Sau 20 năm “cò” bóng đá vẫn rủi ro

HLV Trần Bình Sự là một trong những người đầu tiên trực tiếp đưa cầu thủ nước ngoài về Việt Nam thi đấu cho CLB Công an Hải Phòng vào năm 2000. Khi đó bộ đôi Dolly - Ronald Martin không có tiền “lót tay” (giống thế giới hiện nay - PV), lương chỉ từ 900 - 1.000 USD/tháng, trong đó trích 100 - 200 USD/tháng để trả phí môi giới. Internet chưa phát triển, các CLB nhờ người quen ở nước ngoài liên hệ, trao đổi bằng fax để tìm cầu thủ thử việc. HLV Trần Bình Sự chia sẻ: “Sự xuất hiện của nghề môi giới cầu thủ là quy luật của bóng đá. Có cung thì có cầu. Bóng đá Việt Nam sau này có những người môi giới trong nước như Trần Tiến Đại, Nguyễn Minh Châu, Frank, Linh “béo”, Hạnh “Kingdom”, Amaobi, Mauricio... Có người có giấy phép, người không có nhưng vẫn hành nghề. Những thỏa thuận giữa các CLB, cầu thủ, người môi giới rất đa dạng. Nhiều lúc người môi giới có trách nhiệm liên hệ với CLB Việt Nam, đưa đón cầu thủ từ sân bay về khách sạn, lo cho cầu thủ ăn tập từ 2 - 4 tuần theo thỏa thuận với phía nước ngoài. Nếu thử việc thành công thì có tiền, còn không thì mất trắng. Các cầu thủ nước ngoài cũng rất quái. Khi chưa biết môi trường Việt Nam họ phải thông qua người môi giới nước ngoài và trong nước. Nhưng khi sang Việt Nam rồi, đến hợp đồng thứ 2 họ “quên” người môi giới để tự ký và lấy khoản tiền lót tay”.

Ông Nguyễn Minh Châu ao ước có một hiệp hội người môi giới cầu thủ tại Việt Nam trong tương lai

NVCC

Ông Trần Bình Sự có cái nhìn khá cảm thông với nghề mà dân gian vẫn hay xem thường với cái tên “cò” bóng đá. Ông bày tỏ: “Môi giới là nghề dựa vào may rủi, có lúc lỗ lúc lãi. Tôi biết có những người như anh Trần Tiến Đại từng đem 30 cầu thủ nước ngoài về nuôi, cho ăn tập tại Trung tâm Công an TP.HCM. Tiêu tốn biết bao nhiêu tiền. Nhưng rủi ro vẫn cao, kể cả khi nhiều người gom quân ở châu Phi vì nhiều cầu thủ khi còn ở châu Phi là chăn bò, nông dân chứ không được đào tạo gì”.

Vẫn chờ ngày “lên mặt bàn”

Cũng theo HLV Trần Bình Sự, VFF cũng đã có những hoạt động nhất định để chính thức hóa nghề môi giới cầu thủ, qua những lớp cấp giấy phép chứng nhận hành nghề.
Sau bà Mae Mua có sẵn bằng FIFA Agent, gần 10 năm sau khi V-League lên chuyên thì đến 2009 VFF mới công bố có người thứ 2 là ông Nguyễn Hoàng Nguyên (làm chung “siêu cò” Trần Tiến Đại - PV). Điều này cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn chưa tiếp cận môi trường chuyên nghiệp lý tưởng mà FIFA mong đợi. Những lớp học của VFF đã khép lại sau năm 2015, khi FIFA gỡ bỏ quy định chứng chỉ chính thức.
Anh Đắc Văn, người giúp U.20 Việt Nam tập huấn tại Đức trước thềm U.20 World Cup 2017, cho biết hành nghề ở EU rất đơn giản: “Người môi giới chỉ cần ký thỏa thuận với cầu thủ có công chứng của văn phòng luật sư, và có xác nhận không tiền án, tiền sự ở cảnh sát địa phương. Nhưng ngay môi trường chuyên nghiệp nhất là châu Âu vẫn có những “luật bất thành văn”, chứ không phải có giấy phép sẽ ra nhà môi giới giỏi”. Thực tế ở Việt Nam và thế giới đã chứng minh chỉ những ai thực sự làm nghề một cách đàng hoàng mới sống lâu với nghề. HLV Trần Bình Sự bày tỏ: “Messi đâu tự nhiên đến Barca mà phải qua người môi giới. Việc VFF tăng cường quản lý, đề cao sự minh bạch sẽ góp phần giúp bóng đá hay hơn. Nghề nào cũng vậy thôi, có người này người kia. Tôi nghĩ VFF và các CLB cũng nên tôn trọng nghề môi giới cầu thủ để nó thực sự phát triển thành một nghề chuyên nghiệp như thế giới”.
Anh Nguyễn Minh Châu sau gần 17 năm làm nghề môi giới cầu thủ ước ao: “Tôi thấy nghề hướng dẫn viên du lịch đã thành lập hiệp hội để quản lý, giám sát và nâng cao chất lượng. Tôi mong sao chúng tôi sẽ có một hiệp hội người môi giới tại Việt Nam. Đó sẽ là nơi tất cả anh em đăng ký danh sách cầu thủ của mình theo quy định pháp lý, hướng dẫn và tư vấn cho những người mới vào nghề để họ được trang bị kiến thức tốt nhất. Hiệp hội với tiêu chí quản lý minh bạch sẽ tránh tình trạng người đồng nghiệp kèn cựa, nói xấu và hớt tay trên nhau khiến các CLB coi thường, ép giá. Khi đó, giá trị và sự tôn trọng của xã hội đối với nghề môi giới cầu thủ sẽ tăng lên. Hiệu quả công việc cũng tăng lên nhờ sự minh bạch. Ngược lại, các CLB cũng chỉ cần một cái click chuột sẽ biết được cầu thủ nào của người môi giới nào và thoải mái chọn lựa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.