V-League cần học người Nhật… bán xăng

20/10/2017 15:12 GMT+7

Hình ảnh ông Hiroaki Honjo, tổng giám đốc Công ty xăng dầu Idemitsu Q8 (Hà Nội) đứng dưới mưa cúi đầu chào khách hàng đổ xăng lẻ đang gây sốt các diễn đàn đời sống.

Cũng từ lâu, các cửa hàng Petrolimex có quy định nhân viên bán xăng phải trả số bơm xăng về 0 và chỉ tay lên đồng hồ tính tiền báo cho người đổ xăng biết rõ con số tiền sau khi đã bơm xong. Nó nói thay cho sự trung thực của cửa hàng và giúp cho khách hàng yên tâm, sau rất nhiều vụ người dân vạch trần thủ đoạn của người bán xăng dầu gian lận.
Thế nhưng sự kiện nhân viên bán xăng dầu của cửa hàng Nhật trân trọng người mua từ những nụ cười, thái độ niềm nở qua cái cúi đầu chào, lau bụi cho xe,… và đặc biệt cam kết chính xác đến 0,01 lít đã đọng lại rất nhiều ấn tượng đẹp.
Khách hàng đến cây xăng Nhật đúng nghĩa là “Thượng đế” bởi cung cách phục vụ theo kiểu Nhật xuất phát từ văn hóa kinh doanh và lương tâm nghề nghiệp chuẩn mực, không chỉ ở mỗi lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.
Tổng giám đốc người Nhật (Công ty xăng dầu Idemitsu Q8, Hà Nội) đội mưa cúi gập người chào khách hàng H.N
Chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của người Nhật là một bài học quý giá cho các ngành nghề kinh doanh Việt Nam, trong đó có cả… V-League.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp với ngành thể thao đã hỏi thẳng đại diện VFF: “Vì sao khán giả quay lưng với V-League? Do sân bãi xấu, trình độ cầu thủ chưa cao hay cuộc chơi chưa thực sự lành mạnh,…”.
Những câu hỏi của Phó Thủ tướng chưa bao giờ cũ trong bối cảnh V-League đã vào tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu nhưng để trả lời nó thì VFF luôn bị ngọng nghịu.
Mới đầu mùa này, AFC đã từng cấm ban tổ chức sân Cẩm Phả và Hàng Đẫy tổ chức AFC Champions League trên sân nhà do cơ sở hạ tầng không đủ tiêu chuẩn, dù trước mỗi giải đấu, VFF lẫn VPF đều có những đợt kiểm tra sân bãi rầm rộ. Cả chuyện HLV Miura không dám bước vào toilet ở sân Long An, hay sân Hàng Đẫy từng hạn chế khán giả sợ… sập khán đài, đủ thấy sự bừa bộn và xuống cấp ra sao.
“Thượng đế” của bóng đá dường như đã quá quen thuộc với những cảnh tượng bầy hầy diễn ra trên khắp các sân bóng V-League nên việc bầu Hiển chi khoảng 60.000 USD ra làm mới mặt cỏ chỉ sân Hàng Đẫy như là một câu chuyện lạ.
Diện mạo mới của sân Hàng Đẫy Minh Tú
Ngày khai trương mặt cỏ mới mịn màng, cầu thủ Hà Nội và Sài Gòn ai cũng sướng rơn sau khi trải nghiệm rồi tâm sự rằng họ chơi hào hứng hơn, hay hơn nhiều so với lúc đá trên mặt cỏ cứng, lồi lõm như mặt ruộng.
Hay những lần ông Quyền chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh tươi cười tự tay bán vé cho khán giả, tân trang phòng thay đồ hoặc sắm xe buýt mới cho cầu thủ lại bị cho là “diễn”.
V-League gần như mới chỉ có sân Pleiku là hoàn chỉnh bởi sự đầu tư tiện nghi của bầu Đức học theo mô hình Emirates của đội Arsenal và tạo ra những kênh bán vé lẻ hoặc theo mùa, vật phẩm lưu niệm,… tiện lợi cho khách hàng. HA Gia Lai cũng tự hào có một đội ngũ cầu thủ trẻ biết đá hay, đá đẹp để chiều lòng “Thượng đế” như câu chuyện của người Nhật… bán xăng, dẫu gần ba mùa bóng qua còn nhiều chật vật nhưng quan trọng họ đang đi đúng hướng.

tin liên quan

Cái uy của người cầm còi
Trọng tài người Nhật Bản Jumpei Lida đã điều hành trận cầu đinh giữa Thanh Hóa và Hà Nội ở vòng 21 V-League 2017 mà không gặp sự phản ứng nào từ cầu thủ và lãnh đạo của 2 CLB nói trên...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.