Công Phượng: Trầm lắng hơn, gánh vác trách nhiệm và hiệu quả hơn

05/06/2018 10:30 GMT+7

Thật ngạc nhiên là vào lúc này người ta nói nhiều về Xuân Trường, hay Văn Toàn, Văn Thanh mà quên mất một phần nào chú ý cho Công Phượng, cái tên luôn hút “view” nhất Việt Nam.

[VIDEO] CÔNG PHƯỢNG GHI BÀN VÀO LƯỚI "THỦ MÔN QUỐC DÂN" BÙI TIẾN DŨNG
Trước đây, có những thời điểm người ta thấy Công Phượng trên sân “trầm lắng” lại. Trầm lắng, theo cách chơi của anh tức là không cắm mặt đột phá mà chủ động chia banh cho đồng đội và cùng bật nhả.
Thông thường, đó là quãng thời gian Công Phượng có mặt ở đội tuyển. Điều này lặp lại nhiều lần dưới triều đại HLV Nguyễn Hữu Thắng và sau này là ông Park Hang-seo.
Tuy nhiên như cách HLV Phan Thanh Hùng từng bảo vệ một cách chắc nịch, Công Phượng là mũi công nguy hiểm nhất của bóng đá Việt Nam bởi khả năng gây đột biến với những pha xử lý không ai tiên liệu trước được.
Mà như thế, thì kiểu đá bóng quen thuộc của anh, tức có bóng là phải qua một hai người rồi… tính tiếp. Đối thủ nào gặp HAGL hay đội tuyển đều thường xuyên phải cắt cử người trông chừng anh. Nhưng đôi khi cũng chỉ mong bóng đến chân anh để làm chậm các pha phản công nhanh của HAGL.
Điều đó tạo ra cảm giác mâu thuẫn: Xem rất thích nhưng nhiều khi phát bực vì cứ “cắm mặt tìm dây chuyền” đi bóng dù các đồng đội đã chiếm lĩnh không gian rất tốt, chỉ chờ một đường chuyền để ghi bàn.
Nhưng nay Công Phượng đã khác. Suốt 11 vòng đấu qua, người ta đang thấy một Công Phượng “trầm lắng” thật sự. Sự lắng đọng kéo dài gần hết lượt đi thay vì chỉ vài trận “ngoan” rồi lại đâu vào đấy.
Công Phượng đã trở nên thu mình hơn, nhưng lại ẩn chứa sự nguy hiểm hơn Minh Trần
Ở hàng công HAGL bây giờ, người chạy nhiều nhất vẫn là Công Phượng. Anh hiện đảm nhiệm rất nhiều vai trò từ nhận bóng bật nhả với Xuân Trường từ vòng tròn giữa sân, và các vệ tinh 2 biên như Văn Thanh, Văn Sơn và Hồng Duy.
Kế đấy, khi đội nhà bị pressing mạnh nhất, Phượng sẽ là người nhận bóng và dùng kỹ năng trở người đột ngột của mình để xuay chuyển và đưa bóng lên cho Văn Toàn, Rimario, Minh Vương hoặc các hậu vệ biên dâng lên.
Khi HAGL mất bóng, Công Phượng luôn rất chủ động dâng cao để tổ chức phòng ngự từ xa. Săn bóng thật sự chứ không phải chạy vài bước cho có rồi… ngẩn ngơ gãi đầu.
Điều này, ngay cả ngoại binh Rimario vẫn còn kém anh về ý thức hỗ trợ phòng ngự.
Công Phượng trong pha tranh bóng với đội trưởng SLNA Quế Ngọc Hải trong trận thắng 1-0 Minh Trần
Chính bởi vậy dù là một trong những người khỏe nhất HAGL (anh là cái tên hiếm hoi hầu như không bao giờ chấn thương dù luôn chịu va dập nhiều nhất), nhưng quãng thời gian gần đây người ta thấy Phượng “Bảy” có dấu hiệu hơi đuối sức vào cuối trận.
Điều này giống với U.23 Việt Nam tại giải châu Á, khi Phượng nhận tải khối lượng công việc nặng nhất, như một con thoi, để làm điểm xoay trong lối chơi của tập thể, làm nền cho Quang Hải, Văn Đức... tỏa sáng.
Nhận nhiều trách nhiệm hơn, chấp nhận ít bùng nổ hơn và mau xuống sức hơn vì cường độ lên về liên tục. Nhưng về hiệu quả thì Công Phượng lại vượt trội hơn 1 năm trước rất nhiều.
Văn Toàn bật cao ăn mừng bàn thắng vào lưới CLB TP.HCM. Toàn là một trong những vệ tinh "hưởng lợi" khi Công Phượng điều chỉnh lối chơi Minh Trần
Tính hết cả mùa 2017, Công Phượng ghi được 7 bàn thắng. Nhưng đến lúc này, sau mới 11 vòng anh đã có được 4 pha lập công cho HAGL. Chưa kể 4 lần nổ súng tại Cúp Quốc gia.
Đặc biệt, sự điều chỉnh lối chơi của Công Phượng giúp những vệ tinh xung quanh hưởng lợi: Xuân Trường, Minh Vương đã có 3 bàn ở V-League, Văn Toàn cũng 2 lần lập công thay vì phải đợi đến mùa 2017 mới có duy nhất 1 lần khai hỏa…
Công Phượng đã khác và khác thực sự chứ không phải nhất thời như vài lần trước nhờ sự góp ý của những người thầy như Hữu Thắng, Chung Hae-seong hay Park Hang-seo. Nhờ thế, HAGL cũng trở nên hiệu quả, ổn định hơn và không còn thất thường, thấp thỏm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.