Ban tổ chức SEA Games 31 'méo mặt' vì Covid-19

20/04/2020 08:30 GMT+7

Nhiều khả năng ngành thể thao sẽ phải rút lại một số khoản chi cho một vài hạng mục phục vụ SEA Games 31 tại Việt Nam vào cuối năm 2021, vì tình hình tài chính dự báo sẽ cực kỳ khó khăn do bị tác động bởi dịch Covid-19 .

Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo SEA Games 31 và Para Games năm 2021 (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á) sẽ được thành lập vào cuối tháng 2.2020 và dự kiến sẽ họp phiên đầu tiên vào tháng 3 hoặc tháng 4. Thế nhưng dịch bệnh xuất hiện và làm đảo lộn mọi thứ, ảnh hưởng lớn đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong đó có thể thao. Mọi giải đấu phải tạm dừng và Ban Chỉ đạo hai đại hội lớn của khu vực cũng chưa thể ra mắt nên chưa thể có bất kỳ cuộc họp nào.

Văn Hậu mừng tuổi 21 và vẫn đủ tuổi dự SEA Games 2021

Cách đây hơn 2 tháng, Thủ tướng đã đồng ý giao cho Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL phê duyệt dự thảo đề án đăng cai SEA Games 31 sau khi có ý kiến chính thức của Ban Chỉ đạo đại hội. Tuy nhiên, mọi công việc đang phải tạm dừng, chưa triển khai được vì các ngành, các cấp đang chung tay phòng chống dịch Covid-19. Đề án cũng chưa được thông qua vì dự toán tài chính - nội dung quan trọng nhất của văn bản này chưa được sự góp ý, tư vấn từ Bộ Tài chính. Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính và Tổng cục TDTT cần phải có vài cuộc làm việc để bàn cụ thể các phương án thu, chi của đại hội. Kế hoạch tài chính phải xong trước tháng 7.2020 thì ngân sách nhà nước mới duyệt cho các khoản chi của năm 2021. Ngành thể thao đang cực kỳ bối rối và lúng túng vì vẫn phải chờ các động thái tiếp theo của cấp trên. Nếu không có những cuộc họp bàn giữa các bên liên quan thì e rằng công việc sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình chuẩn bị của nước chủ nhà cho đại hội.
Trong dự thảo đề án đăng cai trình lên Thủ tướng vào cuối năm 2019 (sau 3 lần chỉnh sửa), trên tinh thần tiết kiệm tối đa, Ban soạn thảo đề án (gồm ngành thể thao và Hà Nội - đơn vị tổ chức) đã dự trù tổng chi cho công tác tổ chức cả hai đại hội sẽ vào khoảng 1.000 tỉ đồng - ít hơn dự kiến ban đầu 900 tỉ đồng. Kinh phí nâng cấp sửa chữa các công trình phục vụ đại hội cũng được rút từ 805 tỉ xuống còn 600 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước đang lâm vào cảnh rất khó khăn do dịch Covid-19, toàn bộ kinh phí tổ chức cũng như cải tạo các hạng mục sẽ tiếp tục phải được “siết” lại. Thế nhưng siết lại như thế nào, chừng bao nhiêu tiền cho phù hợp với quy mô đại hội, ngành thể thao chưa thể tự ý quyết định.
Được biết, trong cuộc họp nội bộ ngành thể thao gần đây, một số ý kiến đã đề xuất, với một số công trình cần rất nhiều tiền để cải tạo, có thể sẽ xin chỉ đạo để không đưa vào các hạng mục cần nâng cấp sửa chữa nữa. Trong đó, trường bắn súng tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (viết tắt là Nhổn) dự kiến kinh phí cải tạo lên đến 198 tỉ đồng, chiếm gần 1/3 tổng kinh phí tài chính dành cho công tác nâng cấp (chưa kể kinh phí cải tạo trường bắn cung cũng tại Nhổn vào khoảng 15 tỉ đồng). Kinh phí đòi hỏi lớn nên đối mặt với nguy cơ không được duyệt chi. Thêm một lý do nữa là đến thời điểm này còn chưa bàn đến kinh phí với Bộ Tài chính, trong khi công tác cải tạo trường bắn cần đến quỹ thời gian nhất định. Nếu không sửa chữa trong năm nay thì không thể kịp. Trong 30 công trình phục vụ SEA Games có 2 cụm công trình chủ đạo gồm Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (sân Mỹ Đình, cung thể thao dưới nước) và trường bắn súng, kinh phí cải tạo tổng cộng 354 tỉ đồng, lấy từ ngân sách nhà nước cấp cho Bộ VH-TT-DL. Nếu không cải tạo trường bắn, sẽ tiết kiệm được gần 200 tỉ đồng.
Kinh phí nâng cấp 28 công trình còn lại là nguồn kinh phí phân bổ hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2021 cho các đơn vị trực tiếp quản lý công trình gồm Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận. Dự trù tài chính cho công tác cải tạo các công trình này cũng sẽ được tính toán lại, trên tinh thần càng tiết kiệm càng tốt và chủ yếu chỉ sử dụng nguồn xã hội hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.