Đế chế FIFA - Kỳ 1: Đế chế quyền lực mềm

25/04/2011 06:35 GMT+7

(TNO) Một cuộc chạy đua đến vị trí lãnh đạo của tổ chức bóng đá hùng mạnh nhất thế giới đang diễn ra.

(TNO) Một cuộc chạy đua đến vị trí lãnh đạo của tổ chức bóng đá hùng mạnh nhất thế giới đang diễn ra.

Đó là cuộc đua giữa Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á Mohamed Bin Hammam và Chủ tịch đương nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Sepp Blatter trước kỳ bầu cử vào ngày 1.6 tới.

FIFA được thành lập ở Paris (Pháp) vào năm 1904 nhằm mục đích giúp quản lý số lượng các trận đấu quốc tế ngày càng gia tăng. Tổ chức này ban đầu là một liên đoàn thành lập từ các liên đoàn bóng đá quốc gia thành viên. Các thành viên này sẽ bầu ra chủ tịch và thành viên của Ủy ban điều hành đầy quyền lực. Hiện tại, FIFA có 208 thành viên.

FIFA có 4 ghế trong Hội đồng liên đoàn bóng đá thế giới (IFAB), cơ quan làm luật bóng đá. Sự phân chia này giúp FIFA có quyền phủ quyết trong bất kỳ sự thay đổi luật lệ bóng đá thế giới nào. Ngoài tầm vóc, đây là sự khác biệt lớn giữa FIFA và một tổ chức bóng đá hùng mạnh khác là Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA).


 Trụ sở của FIFA - Ảnh: AFP

Ngoài ra, FIFA còn nắm quyền tổ chức World Cup, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra 4 năm một lần, thu hút sự chú ý của gần một nửa dân số thế giới. Những yếu tố này giúp FIFA có được sức ảnh hưởng lớn lao trên toàn cầu mà khó có tổ chức nào sánh được, kể cả Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).

Là tổ chức toàn cầu có tiềm lực tài chính dồi dào, FIFA cũng dính nhiều vào những tranh cãi và thường xuyên bị chỉ trích về sự thiếu minh bạch và dân chủ, đặc biệt khi họ giữ quyền phân phát những phần bánh béo bở như bản quyền truyền hình hoặc các hợp đồng tiếp thị khổng lồ.

FIFA, với 208 thành viên rõ ràng có tầm ảnh hưởng và xét ở góc độ nào đó còn nổi tiếng hơn Liên Hiệp Quốc, tổ chức có 192 thành viên. Nó biểu thị cho một thứ quyền lực mềm trong xã hội mà thông tin luôn được kết nối.

Liên Hiệp Quốc nhận thức rõ điều này. Tại một trong những bài viết nổi tiếng nhất của mình vào năm 2006 có tựa Chúng ta phát ghen với World Cup, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan thừa nhận: “World Cup khiến Liên Hiệp Quốc phát ghen. Trên đỉnh cao của một trò chơi toàn cầu thực thụ, nó được chơi tại mọi quốc gia, bởi mọi sắc tộc và tôn giáo, nó là một trong số ít những hiện tượng phổ biến như Liên Hiệp Quốc. Bạn thậm chí có thể nói phổ biến hơn vì FIFA có 207 thành viên, còn chúng ta chỉ có 191 (khi đó). Song còn nhiều lý do khiến chúng ta ghen tị. Đây là một sự kiện mà mọi người đều biết đội của họ đang đứng đâu và phải làm gì để được tham dự. Họ biết ai ghi bàn và biết ai cứu một quả penalty. Tôi mong mỏi có nhiều sự cạnh tranh như thế trong gia đình thế giới”.


 FIFA có đến 208 thành viên - Ảnh: AFP

Có lẽ ông Kofi Annan là người hiểu rõ hơn ai hết rằng bóng đá có thể làm được nhiều điều ở những nơi mà chính trị bất lực. Nó có thể giúp chấm dứt một cuộc xung đột, hay mang lại sự hòa giải sau một cuộc chiến. Và FIFA, với vị thế của mình, có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn trong những trường hợp này. Để so sánh tầm ảnh hưởng của FIFA và Liên Hiệp Quốc, chủ tịch Sepp Blatter vẫn thường nói rằng: “Những quốc gia mới thành lập không biết phải gia nhập tổ chức nào trước, Liên Hiệp Quốc hay FIFA”.

Không những thế, sự độc quyền về việc tổ chức World Cup còn mang lại cho FIFA một thứ siêu quyền lực mềm. Alan Tomlinson, một giáo sư của trường đại học Brighton và là chuyên gia bóng đá thế giới, từng nhận xét với tờ Market Watch: “Mọi người vẫn chạy theo những gì mà FIFA ban phát...”.

Điều này thể hiện rõ ràng trong cuộc chạy đua đăng cai vòng chung kết World Cup 2018 và 2022. Từ các cường quốc hùng mạnh cho đến những đất nước nhỏ bé, các chính phủ thi nhau tiếp đón những Ủy viên điều hành FIFA với nghi thức dành cho các bậc quốc khách. Riêng với chủ tịch Sepp Blatter, ông luôn đến trong tư cách của một nguyên thủ.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn luôn phải bày tỏ sự kính trọng ông Blatter để ông có thể giúp đất nước của họ giành quyền đăng cai World Cup, điều mà nếu xảy ra chắc chắn sẽ mãi mãi trở thành một phần lịch sử của đất nước. Có thể kể đến trường hợp của Thủ tướng Nga Vladimir Putin hay Thủ tướng Anh David Cameron và Hoàng tử William trong cuộc chạy đua đăng cai World Cup 2018 và 2022 vào cuối năm ngoái.

Sở hữu thứ quyền lực mềm trong tay song FIFA lại là một tổ chức khá lỏng lẽo, pha trộn giữa một loại hội kín và một kiểu chính phủ độc đoán. Do đó, tính minh bạch và dân chủ trong tổ chức này luôn bị đặt vấn đề. Bản thân Blatter, hoàng đế đích thực của bóng đá thế giới, đôi khi bị xem là một bố già mafia thực thụ và dính dáng đến những cáo buộc tham nhũng, hối lộ trong suốt 13 năm “chấp chính” của mình. Đây là lúc câu nói cửa miệng “Hãy để chính trị đứng ngoài thể thao” trở thành một sự mỉa mai.

Kỳ 2: Những cáo buộc và đồn đoán

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.