Hai sức ép gia tăng lạm phát

30/10/2007 01:03 GMT+7

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng 10 tháng, đã tăng 8,11%. Dự đoán cả năm có thể lên 9,3 - 9,5%, thậm chí có thể vượt quá 9,5%, cao nhất trong hàng chục năm qua.

Có nhiều yếu tố làm cho giá tiêu dùng năm nay tăng cao hơn cùng kỳ. Các yếu tố này có thể quy về hai loại theo nguyên nhân của lạm phát, đó là lạm phát "chi phí đẩy" và lạm phát "cầu kéo".

Lạm phát "chi phí đẩy". Đó là chi phí đầu vào tăng cao. Trước hết là giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao, tăng "kép": vừa tăng do giá nhập khẩu tính bằng ngoại tệ tăng, vừa tăng do tỷ giá tăng. Giá nhập khẩu bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của nhiều loại hàng hóa tăng cao, như sắt thép (tăng 21,8%, trong đó phôi thép tăng 27,7%), phân bón (tăng 9,7%), chất dẻo (tăng 10,9%), bông (tăng 3,6%), sợi (tăng 9,4%), giấy (tăng 6,4%), lúa mì (tăng 45%)… Tỷ giá VND so với euro hiện đã lên đến 23.222, so với bảng Anh 33.098, so với yen Nhật 141,36, so với hầu hết các đồng tiền của các nước trong khu vực như baht Thái, rupi Indonesia, pêsô Philippines, won Hàn Quốc, nhân dân tệ của Trung Quốc, Đài tệ… đều tăng cao. Hiện tại giá thép, giá sữa, giá xăng dầu… thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh. Công tác quản lý giá cả ở trong nước còn yếu kém, nên có tình trạng "té nước theo mưa".

Lạm phát "cầu kéo". Ngoài nhu cầu tiêu dùng tăng trong khi cung tăng không kịp, còn có một yếu tố về tiền tệ - tín dụng tác động mạnh. Để tăng dự trữ ngoại hối và tránh cho đồng nội tệ không lên giá nhằm khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, Ngân hàng Nhà nước chỉ trong 6 tháng đầu năm đã dồn dập đưa ra hàng trăm nghìn tỉ đồng từ lưu thông về, nhưng hoặc là chậm (chủ yếu từ tháng 6), hoặc là chưa đủ liều lượng, trong khi các ngân hàng thương mại lại giảm lãi suất huy động, nên việc thu hút tiền từ lưu thông về rất chậm, không đạt như ý muốn. Việc giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng vừa để tăng cung, vừa để giảm giá đầu vào, nhưng hiệu quả không đạt như ý muốn. Nhu cầu đầu tư để thực hiện các công trình vào cuối năm và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm; nhu cầu tập kết hàng hóa phục vụ tiêu dùng thường tăng cao vào Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán… cũng tác động kéo cầu lên cao.

Trong khi đó lượng ngoại tệ vào nước ta tăng tốc mạnh từ các nguồn. Nguồn FDI tính đến 22.10 đã có 11 tỉ USD vốn đăng ký, khả năng cả năm sẽ vượt 13 tỉ USD và thực hiện có thể đạt khoảng 4,5-5 tỉ USD. Nguồn ODA cả năm thực hiện có thể vượt 2 tỉ USD. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp theo dự đoán từ nay đến cuối năm các quỹ đầu tư sẽ giải ngân đưa vào vài ba tỉ USD nữa; nếu có nhiều đơn vị nữa niêm yết, nếu các đại gia IPO, nếu thị trường bất động sản nóng sốt, thì có khả năng lượng vốn của nguồn này còn nhiều hơn nữa. Nguồn ngoại tệ thu được từ khách quốc tế đến Việt Nam cả năm có thể lên đến gần 3,5 tỉ USD.

Do đồng USD mất giá mạnh trên thị trường thế giới, cộng với các chính sách khuyến khích của Nhà nước, đặc biệt là sự thông thoáng hơn trong chính sách nhà cửa sẽ có tác động mạnh đến việc tăng tốc nguồn kiều hối. Khi nguồn ngoại tệ vào nước ta tăng mạnh, để tránh cho tình trạng "thừa" ngoại tệ trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đẩy mạnh mua vào ngoại tệ, tạo sức ép tăng tiền trong lưu thông, làm gia tăng lạm phát.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.