Những nhà phát minh trẻ

26/11/2007 15:14 GMT+7

Từ 24 - 25.11, Festival Sáng tạo trẻ đã được T.Ư Đoàn tổ chức tại Hà Nội. Thanh Niên xin giới thiệu 2 sản phẩm sáng tạo của các nhà khoa học trẻ.

Kính hiển vi giá 300.000 đồng

Đạt giải thưởng WIPO, bằng khen và huy chương vàng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của T.Ư Đoàn, song điều làm mọi người khâm phục Giang Thiên Phú (18 tuổi, huyện Đông Anh, Hà Nội) hơn cả chính là sản phẩm "kính hiển vi" làm từ webcam. Đây là một sản phẩm phục vụ giảng dạy môn sinh học, nghiên cứu khoa học với giá thành rất thấp.

Giang Thiên Phú

Hằng ngày phải học môn sinh học mình yêu thích chỉ bằng bài giảng trên những trang sách khô khan, Phú ước mơ phải làm được một điều gì đó để giờ học thêm sinh động... Và chỉ 3 ngày sau, phát minh của cậu ra đời.

Kết nối "kính hiển vi" của Giang Thiên Phú với máy tính, người sử dụng sẽ quan sát dễ dàng trên màn hình các vi sinh vật cực bé, có thể quay phim, chụp ảnh hoạt động của chúng, quan sát được các hình ảnh cấu tạo vi mô, các phiên bản thực vật. Sản phẩm này đang được đề nghị đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Máy phát điện chạy bằng biogas

Phong trào "Sáng tạo trẻ" do T.Ư Đoàn phát động 5 năm qua đã thu hút đông đảo thanh niên cả nước tham gia với hàng vạn công trình, đề tài, giải pháp, ý tưởng, sản phẩm mang tính ứng dụng cao trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, một số lĩnh vực mũi nhọn phát triển kinh tế đất nước đã thu hút số lượng rất lớn những đề tài, ý tưởng tham gia với những sản phẩm hết sức đặc sắc; mang tính hiệu quả cao, làm lợi cho đất nước.

Sau nửa năm miệt mài với ý tưởng, cuối cùng đề tài mang tên "Nghiên cứu, ứng dụng biogas cho động cơ Honda GX120" của giảng viên trẻ Nguyễn Văn Triều (23 tuổi, khoa Cơ khí giao thông, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cũng thành công ngoài sự mong đợi. Khi đề tài ứng dụng vào thực tế sẽ cung cấp điện năng với chi phí tối thiểu cho người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn - nơi mạng điện lưới quốc gia chưa đến hoặc sử dụng điện với mức giá trần.

Là một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, Nguyễn Văn Triều đã rất quen thuộc với nghề nông và hiểu rõ về dụng ích của biogas. Anh kể: "Trước khi ra Đà Nẵng học đại học, ngày nào mình cũng gắn bó với ruộng nương để giúp đỡ gia đình, mình thấy biogas có thể dùng làm nhiều việc nên cũng hay để ý, song do thời điểm đó kiến thức về khoa học có hạn nên đành bó tay". Khi được tiếp cận với tri thức hiện đại cũng là lúc Triều nhớ lại những hầm biogas ở quê nhà, Triều suy nghĩ: "Được tiếp cận với thông tin, mình hiểu rằng vấn đề về môi trường, dầu mỏ, nguyên liệu... đang là vấn đề cấp bách và bức xúc hiện nay. Thay thế những động cơ thông thường bằng động cơ đốt trong có thể giải quyết được tình trạng này là suy nghĩ của mình lúc đó".

Trong những lần về thăm gia đình, Triều nhận thấy nhiều người dân quê ở những vùng sâu, vùng xa còn chịu nhiều thiệt thòi trong thụ hưởng điều kiện sinh hoạt, nhất là nguồn điện: vừa thiếu thốn, vừa đắt đỏ. Vậy là Triều quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu đề tài nói trên. Hiện nay, đề tài đã được ứng dụng. Một nhóm nghiên cứu của Pháp cũng tìm đến Triều để tìm hiểu.

Chàng thủ khoa ngành cơ khí động lực Nguyễn Văn Triều nay đã thành giảng viên của trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, từng giành giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, học bổng Toyota dành cho sinh viên xuất sắc, nhưng dự định cháy bỏng của anh bây giờ lại đặt hết vào đề tài với mong mỏi cho những người dân quê không còn chịu khổ nữa.

Mạnh Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.