Thắp lại nguồn sống

12/11/2010 06:47 GMT+7

Ngoài vai trò của một người chăm sóc bệnh, điều dưỡng viên đôi khi còn như một người thân, người bạn giúp bệnh nhân vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống.

Mới đây, Khoa Lao đa kháng thuốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) tiếp nhận bệnh nhân L.V.H. trong tình trạng nguy kịch, bị tràn khí màng phổi lẫn tràn khí dưới da, thân hình căng phồng và đau đớn theo từng chuyển động. Bệnh nhân và người nhà khi ấy đã gần như tuyệt vọng.
 
Vượt qua tuyệt vọng
 
“Chăm sóc ông H. rất cực nhọc” - anh Trần Duy Kiệt, điều dưỡng trưởng khoa, nhớ lại - “Căn bệnh khiến ông luôn cảm thấy khó thở, bứt bối, dẫn tới trạng thái tâm lý không ổn định, lúc nóng nảy, cau có, lúc lại buông xuôi. Ông H. bị bệnh nặng, lại là lao đa kháng thuốc, điều trị phức tạp nên lằn ranh sống chết lúc ấy rất mong manh”.
 
Người nhà ông H. có lẽ cũng đã mỏi mệt với cơn bệnh kéo dài nên hiếm khi vào thăm. vì thế, mọi vấn đề trong sinh hoạt thường ngày của ông H. đều do các điều dưỡng đảm nhận. “Chúng tôi cố gắng giúp ông cảm thấy thoải mái nhất có thể vì hiểu rằng một người bệnh nặng thường khó chịu thế nào.
 
Quan trọng nhất là không được để bệnh nhân nản lòng vì lao đa kháng thuốc vốn phải điều trị kéo dài và nghiêm ngặt hơn lao thông thường” – anh Kiệt cho biết. Nhờ đó, một thời gian sau, sức khỏe ông H. dần hồi phục, thoát khỏi tình trạng tràn khí và hiện đang điều trị  tiếp tục tại nhà.
 
Đến giờ, chị Oách Kim Nhung, điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm E (HIV) Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM), vẫn không quên ca HIV đầu tiên được đưa đến khoa năm 1991.
 
“Khi đó, HIV còn rất lạ lẫm khiến bệnh nhân cũng như tập thể y, bác sĩ, điều dưỡng rất lo âu” – chị kể lại. Cô gái trẻ ấy nhập viện trong tình trạng sức khỏe khá xấu. Chị Nhung cố gắng vượt qua cảm giác lo sợ trước loại virus mới và nguy hiểm để trấn an người bệnh, giúp cô gái thoát khỏi tuyệt vọng và hợp tác trong điều trị.
 

Phải như người thân

Điều dưỡng phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức về chuyên ngành mình đang công tác. Họ phải biết lắng nghe bệnh nhân để hiểu rõ về người mình đang chăm sóc, từ đó có cách giúp đỡ hợp lý cũng như làm cầu nối truyền đạt với bác sĩ thông tin về bệnh. Đặc biệt với các bệnh nhân nội trú, điều dưỡng là người theo sát nhất nên cần như một người bạn, người anh, người chị... trong gia đình, làm điểm tựa cho họ trong những giai đoạn khó khăn của căn bệnh, nhất là những bệnh nhân “cô đơn” thiếu bàn tay chăm sóc của người nhà.

Riêng các điều dưỡng trong ngành tâm thần của chúng tôi, họ còn phải là những cán bộ y tế tâm lý để hiểu được thế giới đặc biệt trong suy nghĩ của những người tâm thần, từ đó đồng hành cùng họ vì yếu tố tâm lý là đặc biệt quan trọng trong chặng đường điều trị bệnh tâm thần.

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM

Như một phép màu, đến nay đã gần 20 năm, bệnh nhân ngày nào vẫn khỏe mạnh và chọn cho mình cuộc sống bình dị của một nhân viên văn phòng. Chị Nhung hồ hởi: “Mỗi tháng, cô ấy vẫn đến đây nhận thuốc một lần. Cô thường kể nhiều chuyện về công việc và cuộc sống rất lạc quan, vui vẻ hiện nay của mình”.
 
Tạo sự tin tưởng
 
Đến Khoa A Bệnh viện Tâm thần TPHCM, chúng tôi gặp một thanh niên tâm thần phân liệt đứng chắn ngay cửa ra vào (cửa đã bị khóa) nằng nặc đòi về nhà. Điều dưỡng trưởng khoa Cao Đức Xuân Kiều đã nhanh chóng có mặt, nhẹ nhàng dỗ dành người thanh niên vào giường chích thuốc. 

Sau đó, thêm 3-4 điều dưỡng, hộ lý dùng nhiều cách khác nhau để khuyên răn và hơn 5 phút sau, bệnh nhân mới chịu trở về giường. “Người bệnh tâm thần nặng không suy nghĩ như người bình thường nên phải hết sức nhẹ nhàng, tạo cho họ cảm giác yên tâm, họ mới hợp tác” – anh Kiều chia sẻ.
 
Do tính chất đặc biệt của người tâm thần, ngoài chức năng chăm sóc bệnh nhân, mọi điều dưỡng ở đây đều phải học cách trò chuyện với họ. Đó không phải là những cuộc trò chuyện thông thường mà phải dựa trên kiến thức về tâm thần để thuyết phục bệnh nhân trong quá trình điều trị, trấn an họ và nhất là làm dịu những cơn kích động thường gặp ở người tâm thần. Vì thế, tạo được sự tin tưởng nơi bệnh nhân là điều mà các điều dưỡng ở đây luôn cố gắng.
 
Khoa Lao đa kháng thuốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có hẳn một nhóm 3 điều dưỡng chuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Thạc sĩ – bác sĩ Phan Thượng Đạt, trưởng khoa, cho biết: “Lao kháng thuốc khó điều trị, thời gian điều trị có khi dài gấp mấy lần lao thường (tối thiểu 18 tháng với 6 loại thuốc đặc trị khác nhau) nên tâm lý chán nản thường gặp ở bệnh nhân.
 
Bên cạnh đó, nhiều người khi vừa biết mình bị lao kháng thuốc thường rất sốc, dẫn đến stress. Rồi những vấn đề khác như tác dụng phụ của thuốc, điều kiện kinh tế eo hẹp không theo nổi việc điều trị... cũng làm bệnh nhân hoang mang, cần đến tư vấn”.
 
Nhóm 3 điều dưỡng này làm nhiệm vụ tìm hiểu về gia cảnh bệnh nhân, gọi điện thoại nhắc nhở khi họ không đến tái khám đúng hẹn, liên hệ với các tổ chức từ thiện để giúp đỡ những bệnh nhân quá khó khăn. “Tâm lý ổn định là một phần rất quan trọng để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao” - bác sĩ Đạt nhận xét.
 
Người điều dưỡng còn là chiếc cầu nối với thân nhân người bệnh khi cần thiết, an ủi họ khi có tình huống không may xảy ra. Điều dưỡng Lê Viết Đông của Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch kể lại: “Lần ấy, đứa bé 4 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 sang đã không qua khỏi vì bị lao màng não quá nặng. Mẹ cháu gần như quỵ ngã. Chúng tôi phải động viên, an ủi bà rất nhiều. Đó cũng là việc làm cần thiết để các thân nhân trong lúc mất mát không có những hành động thiếu suy nghĩ để rồi nỗi đau chồng chất nỗi đau...”

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.