Nguyễn Hà bỏ cuộc chơi, về dạy hát

10/12/2009 09:28 GMT+7

(TNTT>) Thậm chí trong giới nghệ sĩ, truyền thông bây giờ, không phải ai cũng biết hoặc rõ chuyện “ông Nguyễn Hà” - tay nhạc sĩ vốn được coi là trầm lặng trong giới – “lặn” mất tích khỏi làng giải trí từ hai, ba năm nay; đi đâu, làm gì... Tình cờ gặp gỡ, thấy sếp của Nguyễn Production là một ông bệ vệ, râu ria xồm xoàm, nhưng ăn nói điềm đạm.

Cà phê cả tiếng đồng hồ, ổng mới “khai” mình là người sáng tác bài “Nhé anh” nổi tiếng, Mỹ Tâm hát ròng rã mấy năm trời. Mới giật mình, biết đang được hầu chuyện “người sang trọng” là Nguyễn Hà. Hóa ra, anh đã chủ động rút chân khỏi làng giải trí để chuẩn bị cho một kế hoạch dài hơi, bắt đầu từ niềm đam mê đơn giản nhất: Dạy hát cho người thích hát!

Bất ngờ “tầm nhìn Nguyễn Hà”

Năm 14 tuổi, Nguyễn Hà lúc đó đang theo học nhạc viện (từ lúc 6 tuổi) được gia đình sắm cho một vật theo anh “biết làm đủ thứ chuyện” vào thời điểm đó, đó chính là chiếc đàn organ điện tử Roland D20: “Sự ra đời của nó đánh dấu sự thay đổi lớn trong nền công nghiệp âm nhạc. Chiếc đàn biết làm đủ thứ chuyện mà trước đó, để có được những chức năng như vậy, phải cần cả một dàn nhạc, kết hợp nhiều nhạc cụ khác nhau!”. Nói vậy để hiểu, ngay từ nhỏ, nhạc sĩ nhà nòi này (ba dạy trong nhạc viện) đã được tiếp cận và cảm nhận nền âm nhạc hiện đại, để từ đó anh có những quan sát, nhận định của riêng mình về giới nghệ sĩ đôi khi bị coi là nhiều ảo tưởng, hào quang.

 

“Mình gia nhập rất sớm với giới này, nên có nhiều điều kiện quan sát từ lối sống đến công việc của những tên tuổi đi trước!” - Nguyễn Hà tâm sự - “Nhiều người trẻ trong nghề, tiếp xúc họ hay bị cuốn vô những vầng hào quang, ảo giác. Mình thì nhận định: sẽ không thực tế cho lắm nếu cứ nói nhiều về những thành công trong quá khứ, hay những hương vị cuộc sống xa hoa mà họ đang tận hưởng”. Từ cảm nhận từ thời trẻ tuổi đó, Nguyễn Hà đã xác định cho mình được tư tưởng rõ ràng, thực tế: Làm nghệ thuật, nhưng không cố trở thành những người nổi tiếng, xa hoa như vậy.

Thời đó, học ở nhạc viện, thước mực để đo tài năng, chí hướng của bạn bè trang lứa đó là “học cổ điển, tuyển đi Nga”. Các thầy cô giáo cũng cho rằng, cứ học thật giỏi nhạc cổ điển, đã giỏi môn này thì sau ra làm nhạc rock hay nhạc pop đều thành công. Đích đến của mọi người đều là học xong được sang Nga tu nghiệp tiếp. Nguyễn Hà lại có tầm nhìn khác: “Quan điểm của thầy cô học cổ điển giỏi sẽ hát được tất cả các loại, mình nghĩ chưa đúng với thực tế”. Bởi lý do đó, anh từ chối luôn chuyến đi học ở Nga để ở lại Việt Nam, học hỏi, nghiên cứu những điều mình cho là thích hợp, thực tế...

Để rồi đến năm 2005, sau khi đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp với những chương trình nổi tiếng như Duyên dáng Việt Nam, Tiếng hát truyền hình, Giai điệu tình yêu, Top hit... Nguyễn Hà lại rút chân khỏi giới giải trí, truyền thông. Việc làm này, nói như anh thì “phải rút từ từ”, đến năm 2007, Nguyễn Hà mới tạm coi là rút ra được hết. Nhiều người tiếc nuối, nhiều bạn bè chia sẻ, cũng lắm kẻ hoài nghi...

Nguyễn Hà nhìn nhận: “Càng làm nghệ thuật nhiều, mình lại càng thấy nhiều bó buộc. Mình thì muốn có một môi trường làm việc thoải mái để thể hiện những gì dày công, tâm đắc nhất. Môi trường đó, chỉ chủ động, thoải mái khi mình thực sự làm chủ”. Không chơi trội. Không khác người. Nhưng Nguyễn Hà xác định rõ với những kiến thức, suy nghĩ độc lập của mình về âm nhạc; anh sẽ mở ra một sân chơi cho riêng mình và những bạn trẻ có cùng đam mê ca hát. Đó là lí do Nguyễn Hà tự mở ra Nguyễn Productions.

Nhạc sĩ Nguyễn Hà sinh năm 1975 tại TP.HCM.
Đã tốt nghiệp tại nhạc viện TP.HCM, khoa Piano
Hiện là giám đốc công ty sản xuất âm nhạc Nguyễn Production.
Nguyễn Hà từng thành công trong vai trò biên tập chương trình Duyên dáng Việt Nam từ số 1 đến số 6; series chương trình Giai điệu tình yêu, game show Nốt nhạc vui …
Nổi tiếng với những sáng tác: Nhé anh, Bước chân lẻ loi, Mẹ yêu nhé, Chia đôi còn một (viết chung với Quang Huy)…

Đam mê dạy hát và phát hiện tài năng

Ở thời buổi “trên trời... dưới sao (ca nhạc)”  bây giờ, không khó để phát hiện ra những “ngôi sao” biết nhảy múa, biết tìm mọi cách để trở thành người nổi tiếng; dù cho cái quan trọng nhất của một ca sĩ là giọng hát thì lại không được họ chú trọng. Thế mới thấy ái ngại cho cái “sân chơi” mà Nguyễn Hà đam mê mở ra, nói thẳng tưng ra thì người đời vẫn gọi là “lò đào tạo ca sĩ”. “Bầu sô” ở đây là “ông Nguyễn Hà”, người từng đứng đằng sau thành công của nhiều ngôi sao ca nhạc nổi tiếng. Nguyễn Hà kể: “Nhiều bạn trẻ, thậm chí cả phụ huynh học viên đến đây đã có suy nghĩ, học hát với nhạc sĩ Nguyễn Hà kiểu gì cũng thành ngôi sao, được đi hát ở chương trình này nọ... Mình chỉ cười, bảo với các em rằng, muốn trở thành ca sĩ, trước hết hãy đam mê ca hát, rèn luyện cho mình hát được cái đã!”.

Theo Nguyễn Hà, tìm mọi cách để trở thành ngôi sao, không khó; nhưng ngôi sao đó “hát như vịt”; và cũng chẳng đam mê gì ca hát, lười biếng tập luyện; chỉ thích nổi tiếng bằng mọi giá thì cũng chẳng để làm gì. Ở Nguyễn Production, học viên học qua một khóa học sẽ được cấp chứng chỉ. Nó không có giá trị nhiều về bằng cấp, không đánh giá được tầm tiếng tăm; có thể người đời cũng chẳng coi trọng. Nhưng Nguyễn Hà lại rất chú tâm và tự hào về điều này: Thứ nhất, nó đánh giá được sự đam mê hát của học viên, thể hiện qua việc học hát chuyên nghiệp, tham gia đầy đủ các buổi học, học thật sự nghiêm túc. Thứ hai, khi được cấp chứng chỉ, tức là học viên đó đã có được sự tự tin khi tham gia các hoạt động ca hát, hoặc bắt đầu cho các kế hoạch dài hơi của mình trong âm nhạc. Nguyễn Hà tự hào: “Điều mình hài lòng nhất, đó là sự hài lòng của các học viên, họ đã tự tin hát được, biểu diễn được theo đam mê của mình!”.

Có một khác biệt rất đáng nể: Gần 100 học viên đã từng học tại Nguyễn Production thì đa số không coi học hát là con đường để trở thành những ngôi sao nổi tiếng, “hát ra tiền”. Với họ, hát được là để thỏa mãn niềm mê tột cùng của mình. “Có em rất thích hát, nhưng không thể hát được bài mình thích, không thể biểu diễn được trước những “công chúng” nhỏ, như những buổi giao lưu ở lớp hay liên hoan gia đình bạn bè...”. Họ tìm tới học hát, trước mắt để trang bị những kỹ năng cơ bản này. Nguyễn Hà chia sẻ: “Mình rất mừng vì có nhiều em đam mê như vậy. Nên việc hướng dẫn cho các em hát được, biểu diễn được thành công thật sự là niềm vui, đam mê lớn của mình bây giờ!”.

Lại có một phát hiện thú vị thế này: Những học viên thích hát thường rất rành nhạc. Cho nên, bản thân họ đã có những đánh giá rất xác đáng về những “ngôi sao” hay nhảy múa, màu mè trên sân khấu; hát thật hay hát ảo, giọng xấu hay chỉ múa đẹp... Họ không thần tượng. Cũng không chú trọng học theo. Bởi vậy mà học viên của Nguyễn Production học thật sự đam mê, cầu tiến; học để có giọng, biết hát. Trân trọng sự trong trẻo, vô tư của các em, “bầu sô” Nguyễn Hà tuyệt đối không cho học viên sa đà vô những “chiêu”, những màn “lăng xê gà” để mau chóng trở thành “ngôi sao” nổi tiếng. Một học viên nữ đi học ở đâu cũng bị chê giọng, đóng tiền học đầy đủ vẫn bị chê, thực tế học xong chẳng dám hát cho ai nghe. Nhưng em này rất thích ca hát, lại đến nhờ cậy Nguyễn Hà. Thật sự cảm động vì niềm đam mê này, anh đã hướng dẫn tận tâm. Kết quả là em gái đã tự tin, hát rất hay trước bè bạn, gia đình. Gặp Nguyễn Hà, chẳng hiểu sao không hề nghe được những câu nói vốn  “quen tai” trong giới như: “Anh định lăng xê cho “con gà” này nổi tiếng” hay như “mới hốt được gà này chịu chơi lắm, tối cho nó đi hát nha” mà chỉ nghe toàn là “niềm đam mê”, “tự hào”... Hỏi tại sao, Nguyễn Hà rất thực tế: “Làm điều gì, trước hết phải tin vào nó đã! Mình tin rằng cái gốc của âm nhạc là giọng hát, mà ở đâu cũng có người thích hát. Vậy thì tại sao không đi lên từ cái gốc đơn giản nhất này. Khi mình đã làm được điều này, thành công sẽ tự đến tiếp với mình và bản thân các em”.

Chia tay, nghe Nguyễn Hà tâm sự, tự dưng thấy mừng và xúc động.

Nguyễn Lê Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.