Nhớ những người vắng mặt

30/12/2010 22:32 GMT+7

Báo Thanh Niên tròn 25 tuổi. Tôi về làm việc ở báo và thường trú tại Văn phòng đại diện miền Trung cũng ngót nghét 20 năm. Trong thời gian ấy có những tác giả, nhà báo không chỉ gây cho riêng tôi những tình cảm đặc biệt mà còn tạo ra trên mặt báo những dấu ấn khó phai.

Nhà văn - nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, nhà văn- nhà báo Thế Vũ, nhà thơ - nhà báo Thái Ngọc San, nhà báo Đặng Ngọc Khoa, họa sĩ Nhã Bình và nhà báo Ngọc Thành là những người như vậy. Tuổi tác hoặc bệnh tật đã cướp đi sinh mệnh của họ. Và vì vậy nhân dịp kỷ niệm 25 năm tờ báo phát hành số đầu tiên, họ đã không về dự.

Nhà văn - nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng với Thanh Niên không chỉ là những bài xã luận trong mục Câu chuyện thứ tư khi tờ báo mới ra 2, 3 số mỗi tuần (thứ ba, năm, bảy), ông còn viết ở nhiều mục khác với những ý kiến sâu sắc mang tính định hướng dư luận. Đặc biệt tôi được biết ông còn là một người đi trước luôn có những ý kiến đóng góp với Ban Biên tập trong việc định hình, tạo ra sắc thái cho Thanh Niên. Ông mất đi, Thanh Niên cũng là tờ báo chịu thiệt thòi và nhiều tiếc thương. “Thời gian sẽ làm nhòa đi nhiều thứ, nhưng những người như Trần Bạch Đằng chắc chắn sẽ để lại cho đời nhiều ấn tượng khó quên. Về thái độ lao động cần mẫn nghiêm túc. Về tinh thần trách nhiệm công dân rất cao…” (giáo sư Trần Hữu Tá).

Nhà văn Thế Vũ nổi tiếng với truyện ngắn Những vòng hoa ngụy tín (1970), sau 1975 anh dạy học và làm ở Tạp chí Văn Nghệ Phú Khánh, Văn Nghệ Nha Trang đặc sắc ngay ngày đầu đổi mới. Anh vào TP.HCM làm việc tại Báo Thanh Niên cùng lúc với tôi năm 1992. Làm biên tập, phụ trách mục sáng tác trẻ và Phó tổng thư ký tòa soạn. Nhiều việc, nhưng anh vẫn tham gia viết các bài rất "có lửa" về thời sự, văn học, giáo dục lẫn thể thao với bút danh Hà Phan. Riêng vụ HLV Weigang và những khuất tất trong LĐBĐ VN lúc đó, những bài viết của anh đã khơi mào cho cả một dư luận thúc đẩy khuynh hướng cải tổ sâu rộng, minh bạch và xã hội hóa tổ chức này sau đó. Nhiều bài như Trò bôi bẩn văn chương năm 2004, anh lên án khuynh hướng sáng tác lệch lạc thiên về tình dục trong những người viết trẻ. “Tình dục không phải là đề tài kiêng kỵ nhưng chắc chắn không phải là cái quyết định giá trị nghệ thuật"...

Tại Huế, nhà thơ Thái Ngọc San, nguyên Thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương, được anh Nguyễn Công Khế mời về Báo Thanh Niên cùng thời gian với tôi. Ngoài thơ và truyện ngắn, những bài báo của anh dưới bút danh Ngọc Thảo Nguyên đã nhanh chóng tạo được tiếng vang trong hàng ngàn bạn đọc khó tính đất cố đô. Với tuổi tác lớn nhất trong số anh em ở miền Trung, nhưng Thái Ngọc San lúc nào cũng xuất hiện kịp thời ở những điểm nóng, kể cả vùng cao như A Lưới, Nam Đông. Nhiều lúc chỉ là cái tin nhỏ được ký tắt ở dưới là N.T.N thôi, cũng được dư luận chú ý và có hiệu ứng xã hội tức thì. Một quan chức ở Huế từng nói: “Những nhà báo - công dân như anh San không làm chúng tôi sợ mà khiến chúng tôi nể trọng bởi tinh thần trách nhiệm cao trong việc phản ánh, phê bình”…

Với Đặng Ngọc Khoa, anh là một phóng viên năng nổ và hoạt động trên một địa bàn rộng. Từ rừng cao su miền Đông Nam Bộ đến duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và lên tận miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh. Không chỉ viết bài mà còn tích cực trong nhiều công tác xã hội và xây dựng mạng lưới cộng tác viên. Những đứa trẻ trong rừng cao su là một phóng sự xúc động của Khoa những ngày ở Đồng Nai, chính những bài viết của Khoa đã đặt “viên đá đầu tiên” để kêu gọi sự đóng góp của bạn đọc xây dựng nên trường Tiểu học Tích Thiện khang trang bây giờ. Hàng trăm bài viết khác của Khoa về những cảnh đời cơ cực khắp mọi miền đất nước đã mang lại bao niềm an ủi cho người nghèo khó. “Khoa mặt buồn” có lẽ là biệt danh có từ những bài viết xúc động ấy. Tiếc rằng, căn bệnh gan tai ác đã cướp mất anh khi bút lực hãy còn khá sung mãn ở tuổi 53!

Cùng với Đoàn Mẫn, “nghệ sĩ trên trang báo” Nhã Bình là một trong hai họa sĩ đồ họa đã đóng góp đáng kể cho hình thức mạnh mẽ đầy cá tính và các minh họa ấn tượng của Báo Thanh Niên ngay từ rất sớm. Bình làm gì và bao giờ cũng tự đòi hỏi mọi việc “cho tử tế”, và anh đem nếp nghĩ đó lên trang báo, lên những bìa sách do Thanh Niên ấn hành. Hơn 3 năm sau, ngày Bình qua đời vì bệnh tim (7.2007), vào trang Kimb’s site của vợ anh, họa sĩ Kim Lan, tôi bỗng nhớ tấm lưng dài những đêm Bình cởi trần làm việc trên bàn montage ở tòa soạn hồi chưa có thiết kế trên vi tính và mái tóc sớm bạc được cắt ngắn của Bình những ngày ra Đà Nẵng hướng dẫn các em kỹ thuật trình bày mới cho tờ báo ở bản in miền Trung. Trong nét tài hoa, dù là vẽ, đồ họa hay chụp ảnh, Bình bao giờ cũng cầu toàn. Câu nói mà tôi nhớ ở Bình là: “Họa sĩ mà không hiểu nội dung bài báo, ý tưởng của tờ báo thì khó làm cho tờ báo đẹp!”…

Tại tòa soạn, còn có PV Ngọc Thành ở Ban Công tác bạn đọc, anh ra đi vì bạo bệnh khi tuổi đời còn khá trẻ, nhiều dự định với nghề chưa thực hiện được…

Những khuôn mặt khó quên ấy đã không về nữa trong ngày tờ báo kỷ niệm 25 năm ra số đầu tiên, nhưng chúng tôi đều nhớ về họ như những người anh, người bạn cùng chí hướng.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.