Indonesia chấn chỉnh mạng viễn thông để chống nghe lén

22/11/2013 13:51 GMT+7

(TNO) Chính phủ Indonesia hôm 21.11 yêu cầu các công ty viễn thông tăng cường an ninh để tránh cho người dùng bị nghe lén điện thoại như trường hợp của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.

(TNO) Chính phủ Indonesia hôm 21.11 yêu cầu các công ty viễn thông tăng cường an ninh để tránh cho người dùng bị nghe lén điện thoại như trường hợp của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.

 Chong-nghe-len
Indonesia đang yêu cầu các công ty viễn thông rà soát lại hạ tầng và quy trình vận hành sau thông tin điện thoại của lãnh đạo nước này bị Úc nghe lén - Ảnh minh họa: Onbile

Báo Straits Times cho hay Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Tifatul Sembiring đã triệu tập lãnh đạo các công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động và yêu cầu họ điều tra về các báo cáo nói rằng người sử dụng bị nghe lén.

Ông Tifatul cũng chỉ đạo các công ty kiểm tra toàn diện hệ thống, từ thẩm định lại các phần mềm từ các nhà cung cấp cho đến đánh giá lại các mạng lưới do các nhà thầu vận hành.

“Chúng ta đã nghe nhiều báo cáo nói rằng có nhiều đơn vị tư nhân đang ra sức nghe lén điện thoại một cách trái phép nhờ vào những lỗ hổng của chúng ta”, ông Tifatul  nói. Ông yêu cầu các công ty phải hoàn tất việc kiểm tra và nộp báo cáo trong vòng 7 ngày.

Những đơn vị vi phạm sẽ bị trừng phạt, Bộ trưởng Tifatul cảnh báo.

Năm đơn vị được nghe lén

Tại cuộc gặp lãnh đạo các nhà mạng, ông Tifatul cũng nhắc lại rằng chỉ có năm đơn vị chức năng của Indonesia được phép thực hiện việc nghe lén điện thoại.

Đó là Ủy ban triệt trừ tham nhũng, Cảnh sát, Văn phòng Tổng chưởng lý (tương đương Viện KSND Tối cao của Việt Nam), Cơ quan tình báo quốc gia, và Cơ quan phòng chống ma túy quốc gia.

Những ai thực hiện việc nghe lén trái phép có thể bị tù đến 15 năm, theo luật Indonesia.

Ông Abdus Somad Arif, giám đốc Telkomsel - nhà mạng với khoảng 120 triệu thuê bao ở quốc gia 250 triệu dân này - được tờ Straits Times trích lời phát biểu tại cuộc họp rằng các công ty viễn thông Indonesia “không làm gì sai trái”.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra và xem xét lại toàn bộ, dù rằng chúng tôi dám nói chắc chắn rằng cho đến thời điểm này chúng tôi luôn chấp hành đúng các quy trình và tiêu chuẩn mà mọi nhà mạng đều phải tuân thủ”, ông này nói.

Bị Úc nghe lén

Ông Tifatul trong cuộc họp hôm 21.11 cũng nhắc lại rằng luật pháp Indonesia buộc các nhà mạng phải bảo đảm những đường dây đường dây điện thoại mà tổng thống và phó tổng thống sử dụng luôn an toàn.

Thế nhưng, Tổng thống Yudhoyono, Đệ nhất phu nhân Ani, Phó tổng thống Boediono và bảy quan chức cao cấp thân cận khác được biết là đã bị Úc nghe lén điện thoại trong vòng hai tuần hồi tháng 8.2009, theo tiết lộ của cựu nhân viên CIA (Mỹ) Edward Snowden trên báo The Guardian (Anh) và hãng tin ABC (Úc) hôm 18.11.

Thông tin này khiến Jakarta nổi đóa, lập tức triệu hồi đại sứ tại Úc về nước; ngưng hợp tác quân sự, tình báo và chia sẻ thông tin với Canberra; đồng thời yêu cầu Thủ tướng Úc Tony Abbott giải thích về “hành động phạm pháp” nói trên.

Ông Abbott ban đầu không những không xin lỗi hay giải thích, mà còn khẳng định đó là hoạt động mà “chính phủ nào cũng làm và chính phủ nào cũng biết là các chính phủ khác có làm”, khiến quan hệ giữa hai láng giềng rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong hơn một thập niên qua.

Trước đó, hồi đầu tháng 11, tiết lộ của Snowden cũng cho hay Úc sử dụng sứ quán của mình ở Jakarta làm trung tâm thu thập dữ liệu tình báo dưới sự dẫn dắt của Mỹ. Khi đó, Indonesia đã triệu tập đại sứ Úc tại Jakarta để yêu cầu giải thích về chuyện này.
 
Những hàng động mà người Indonesia, đặc biệt các chính trị gia đối lập, cho rằng “vi phạm chủ quyền nước này” đã khiến “tinh thần dân tộc” trào dâng ở thủ đô Jakarta và nhiều thành phố lớn khác trên quốc gia quần đảo rộng gần 2 triệu km2.

Hôm 21.11, khoảng 10 người, một số phục trang như quân nhân, biểu tình trước sứ quán Úc tại Jakarta và đòi trục xuất đại sứ Úc về nước.

Một số hacker Indonesia cũng tuyên bố nhận trách nhiệm xâm nhập vào website của Cảnh sát Liên bang và Ngân hàng dự trữ trung ương của Úc.

Đáp lại, cố vấn Mark Textor của Thủ tướng Abbott đã viết trên Twitter những lời lẽ có ý xúc phạm Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, người lên tiếng yêu cầu ông Abbott phải xin lỗi về “hành vi thù nghịch” là nghe lén “một láng giềng hữu nghị” của Canberra.

Trong lúc Jakarta im lặng trước hành động của ông Textor, thì nhân vật này đã tự giác xóa những lời lẽ không hay, đồng thời viết lại trên Twitter lời “xin lỗi những người bạn Indonesia” về “hành vi không đứng đắn” của mình.

Thủ tướng Abbott ngay lập tức đã phê bình ông Textor và hứa “sẽ phúc đáp một cách nhanh chóng, đầy đủ và lịch sự” thư yêu cầu giải thích của Tổng thống Yudhoyono.

Đêm qua 21.11 (theo giờ Canberra), Ủy ban An ninh Quốc gia của Chính phủ Úc đã họp bàn cách xoa dịu Jakarta. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có thông điệp chính thức nào từ Chính quyền Abbott gửi đến Jakarta như đã hứa.

Thục Minh (Văn phòng Singapore)

>> Dân Indonesia đòi 'tuyên chiến' với Úc sau bê bối nghe lén
>> Indonesia, Úc hục hặc vì nghe lén
>> Indonesia 'xem xét lại' quan hệ hợp tác với Úc sau vụ bê bối nghe lén
>> Úc nghe lén Tổng thống Indonesia
>> Úc nghe lén điện thoại của vợ chồng tổng thống Indonesia
>> Bê bối nghe lén tiếp tục lan rộng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.