Lấy công làm lời

27/12/2010 01:20 GMT+7

Để xuất khẩu 10 tỉ USD hàng dệt may trong 11 tháng, các doanh nghiệp phải nhập hơn 1 tỉ USD sợi các loại, hơn 2,3 tỉ USD nguyên phụ liệu, gần 5 tỉ USD vải. Để xuất khẩu 3,2 tỉ USD máy tính, điện tử, chúng ta phải nhập 4,6 tỉ linh kiện… Những con số trên cho thấy chúng ta đang “lấy công làm lời”.

Trên thực tế, khi cộng dồn tất cả các khoản thâm hụt do phải nhập nguyên phụ liệu về để sản xuất và xuất khẩu thì chi phí này góp phần tạo ra con số nhập siêu đầy lo ngại hơn 10 tỉ USD mỗi năm. Tại một hội thảo mới đây do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức, trước hàng trăm cử tọa, Giám đốc Phòng Thương mại châu u tại VN (Eurocham) Matthias Duhn chỉ cái áo vest mà ông đang mặc: Cái áo này may ở VN, nhưng vải, cúc áo, chỉ may… và thậm chí thiết kế cũng phải nhập từ nước ngoài. Do đó, giá trị gia tăng trong cái áo rất thấp. Vậy đâu là giải pháp để cải thiện giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp hiện nay?

Mấu chốt nằm ở ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT). Theo đánh giá của ông Trần Hùng, Vụ phó Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), đến nay CNPT của VN mới phát triển ở mức sơ khai, vừa thiếu lại vừa yếu. CNPT trong lĩnh vực sản xuất xe máy và điện gia dụng được xem phát triển tương đối, còn nhiều ngành khác chỉ đạt ở mức độ gia công giai đoạn cuối của sản phẩm. Chẳng hạn, đối với ngành cơ khí, dù nước ta có nguồn nguyên liệu quặng đồng, chì, sắt, kẽm… nhưng chỉ có Công ty gang thép Thái Nguyên là sản xuất ra thép thành phẩm từ nguyên liệu quặng sắt. Trên 80% nguyên vật liệu đóng tàu phụ thuộc nhập khẩu như gỗ cách nhiệt trang trí nội thất, dây đồng, cáp điện…

Còn dệt may, ngành luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu nhưng tỷ lệ nội địa hóa của ngành theo các chuyên gia kinh tế chỉ 30%. Để phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ nội địa hóa lên 60% như mục tiêu đề ra phải quy hoạch các khu, cụm công nghiệp chuyên về sản xuất vải, sợi, dệt nhuộm. Tuy nhiên, các quy hoạch đó tới nay vẫn trên giấy.

Giáo sư Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược - Bộ Công thương, dẫn chứng về hậu quả của việc chậm phát triển ngành CNPT ở nước ta: Năm 1995, tỷ lệ VA/GO (giá trị gia tăng/giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) là 42,5% thì đến năm 2000, tỷ lệ này chỉ còn 38,45%, năm 2005 giảm còn 29,63%, năm 2007 là 26,3%, và dự báo năm 2010 chỉ còn 21%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng (còn được gọi là GDP công nghiệp) cũng liên tục giảm sút. Từ hơn 15%/năm giai đoạn 1995 - 2000 xuống còn 11%/năm giai đoạn 2001 - 2005, năm 2008 chỉ 8,14% và năm 2009 dừng ở mức 3,98%. Ông Tuất kết luận: “Có thể nói, công nghiệp vẫn phát triển chủ yếu theo bề rộng, theo hướng gia công, lắp ráp”.

Nếu chúng ta không nhanh chóng phát triển ngành CNPT thì dù xuất khẩu tăng bao nhiêu, giá trị gia tăng cũng không đáng kể, vẫn chỉ là "lấy công làm lời" mà thôi.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.