"Bò rừng" Cimaron đã vào biển Đông

30/10/2006 14:53 GMT+7

* Bão Cimaron mạnh như Xangsane Sau mấy ngày quần tụ ngoài khơi Philippines, rạng sáng 30/10, bão Cimaron (Bò rừng) đã đổ bộ lên quần đảo của xứ sở đã đặt tên cho nó. Bão đi nhanh và tăng cấp, từ bão nhiệt đới lên cuồng phong rồi siêu bão.

Đến 10 giờ cùng ngày, bão ra khỏi đảo Luzon, đi theo hướng tây và tây bắc, bắt đầu suy giảm một ít. Nhìn mắt bão đen tròn và rõ to trên ảnh vệ tinh, ai cũng sốt ruột. Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh, chủ nhân website vnbaolut.com ở Mỹ cũng theo dõi bão và liên lạc với chúng tôi từng giờ. Chưa bao giờ trang web của tiến sĩ lại cập nhật nhanh từng thông báo của các mạng dự báo JTWC, Nhật Bản, Hồng Kông, Philippines và của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn VN đến vậy. Rõ ràng bão Cimaron không chỉ gây hồi hộp với đồng bào trong nước mà còn với nhiều kiều bào ở nước ngoài.



Dự báo 72 giờ tới của TSR

Nếu đánh giá ban đầu cho rằng bão Cimaron yếu hơn bão Xangsane thì sau đó vài hôm đánh giá này đã phải thay đổi. Sức mạnh của “Bò rừng” Cimaron đã tăng tốc khi tiến vào đảo chính Luzon với sức gió trên cấp 17 rất xa, vượt cả mức siêu bão do quốc tế quy định với sức gió 250km/giờ. Diễn biến của bão khá phức tạp, các mạng dự báo phải liên tục thay đổi mũi tên chỉ nơi đổ bộ của nó khi tiếp cận bờ biển VN. Sau mấy hôm dự báo bão sẽ đổ bộ tỉnh Quảng Ngãi vào trưa 2/11, hai hôm nay các mạng dự báo đã phải thay đổi, chỉ mũi tên bão vào Đà Nẵng - Quảng Nam ngày 3/11. Bão có đi chậm lại và có thể do bị khối gió mùa Đông Bắc lấn át nên dẫn đến những thay đổi này.

Những dự báo mới nhất

Dự báo mới nhất, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, hiện nay, bão đã đi vào biển Đông. Hồi 7 giờ sáng 30/10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc - 119,8 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão từ 134 - 149 km/ giờ, giật trên cấp 13. Dự báo trong 24 giờ tới, tức 7 giờ sáng 31/10, bão có vị trí ở vào khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 116,5 độ kinh đông cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500km về phía đông. Thay vì tiếp tục di chuyển theo hướng tây và tây bắc, lúc này bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km.


 Dự báo của JTWC sáng 30/10

 
Như vậy, từ siêu bão (super typhoon) nay Cimaron đã về lại mức cuồng phong (typhoon) và dự kiến sẽ lui binh về mức ban đầu: bão biển nhiệt đới (tropical storm). Dự kiến đến 7 giờ sáng ngày 1/11 bão có vị trí ở vào khoảng 16,6 độ vĩ bắc; 113,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía đông. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhấn mạnh: “Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông có gió bão mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 13. Biển động dữ dội. Đề nghị tàu thuyền hoạt động trên khu vực bắc và giữa Biển Đông khẩn trương tìm nơi tránh bão theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Bộ Thủy sản”.

Trong khi đó,  các mạng dự báo quốc tế như TSR của Anh cũng đưa ra những dự báo tương tự, mỗi 6 giờ 1 lần. Trung tâm Dự Báo JTWC của Hải quân Mỹ, đóng tại Trân Châu Cảng (Hawaii) hồi 7 giờ sáng 30/10 cũng đưa ra thông báo số 14, cho biết:  vùng tâm bão gần 16,9 độ vĩ bắc- 120,1 độ kinh đông. Cột sóng cao tối đa 8,5m. Sức gió tối đa 175km/giờ, giật 212km/giờ. Mạng này dự báo đến 21 giờ cùng ngày, sức gió trên vẫn duy trì tại 17,1 độ vĩ bắc- 118,2 độ kinh đông. Đến 7 giờ sáng 31/10, bão tiếp tục di chuyển theo hướng cũ, sức gió tối đa 185km/giờ, giật 231km/giờ. 

Cứ thế, bão tiếp tục hướng về bờ biển miền Trung VN với sức gió tối đa thay đổi một ít. Đến 7 giờ sáng 1/11, bão bắt đầu gây ảnh hưởng trên đất liền khi nó hiện diện tại 17,1 vĩ độ bắc - 113,9 độ kinh đông. Sức gió tối đa 166km/ giờ, giật 203km/ giờ. Đến 7 giờ sáng 2/11, “Bò rừng” Cimaron bắt đầu lên tiếng ở 16,8 độ vĩ bắc - 111,9 độ kinh đông miền Trung. Sức gió tối đa lúc ấy là 138km/giờ, giật 166km/giờ. 7 giờ sáng thứ sáu 3/11, bão gầm bởi lúc đó nó đã tiến vào 16,1 độ vĩ bắc- 109,5 độ kinh đông, gần Đà Nẵng và Quảng Nam. Tuy nhiên, sức gió tối đa có thể giảm còn 101km/ giờ, giật 129km/ giờ.


 Dự báo của TT KTTV VN


Tất nhiên khi dự báo xa, theo JTWC có những sai số nhất định. Thế nhưng qua theo dõi dự báo trên các mạng quốc tế cũng như của VN, mấy cơn bão vừa qua đều được xác định sát đúng.

Cần theo dõi “Bò rừng” chặt chẽ

Theo tính toán của Tiến sĩ Khí tượng và Môi trường Trần Tiễn Khanh (Mỹ), dựa trên các dự báo mới nhất sáng 30/10: khoảng 2 giờ chiều 3/11, bão có khả năng đổ bộ cách TP Đà Nẵng 5km về phía Nam với sức gió tối đa 83km/ giờ, chưa kể gió giật cao hơn 25-30km/ giờ.

Ông e-mail sáng 30/10: “Đây là cơn bão rất mạnh nhưng cũng rất may khi vào VN nó suy yếu một phần. Tuy nhiên do những diễn biến phức tạp vớn có của bão cũng như có thể có những thay đổi đột ngột trên đường bão đi nên chúng ta cần theo dõi chặt chẽ nó từng lúc một”.

Đ.N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.