Tiếp tục thu hồi kho bãi lãng phí

21/12/2008 23:13 GMT+7

Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Ban chỉ đạo 09 của T.Ư và TP.HCM (về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước) đã chính thức thu hồi 6 mặt bằng, kho bãi với diện tích gần 20.000m2, để xây dựng các công trình công cộng. PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Cường (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính).

* Ông đánh giá như thế nào về tình hình quản lý kho bãi hiện nay trên địa bàn TP.HCM?

- Trải qua quá trình lịch sử, thay đổi chức năng nhiệm vụ, tổ chức, một số kho bãi cũng như cơ sở nhà đất đã bị sử dụng không đúng mục đích. Đợt sắp xếp này với nguyên tắc làm thế nào để tài sản Nhà nước được sử dụng có hiệu quả cao nhất, vì vậy sẽ có một số cơ sở nhà đất phải chuyển mục đích sử dụng. Có thể cơ quan đó được chuyển nhượng quyền sử dụng trụ sở của mình để di dời ra khỏi thành phố, sau đó lấy tiền thu được từ việc chuyển nhượng để đầu tư trở lại, xây dựng nhà máy mới, trên nguyên tắc được giao quyền tự chủ, khai thác một cách tốt nhất các cơ sở nhà đất… Sau đó, chúng tôi mới sử dụng đến biện pháp chế tài bắt buộc, biện pháp thu hồi, được dùng trong các trường hợp sau khi đã cho thời gian để các cơ sở tự chuyển đổi nhưng thực hiện quá chậm. Việc thu hồi này, chúng tôi đều nhận được sự đồng thuận của cơ quan chủ quản và họ đều tự giác chấp hành.  

* Nhưng thưa ông, số mặt bằng, kho bãi của các cơ quan T.Ư đang sử dụng lãng phí trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều, sắp tới sẽ được xử lý ra sao?

- Hiện nay, theo phương án phê duyệt thì trên địa bàn TP.HCM có 98 cơ sở nhà đất do cơ quan T.Ư quản lý, sử dụng, nhưng mới thu hồi được 65 cơ sở; còn 33 cơ sở trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục công bố quyết định thu hồi. 

* Một khó khăn trong việc thu hồi mặt bằng, kho bãi là vướng các hộ dân đã được bố trí vào ở từ nhiều năm qua. Vậy các hộ dân này sẽ được giải quyết, tái bố trí ra sao?

"Tôi hoan nghênh sự phát hiện, phản ánh kịp thời của báo chí về những mặt bằng, kho bãi lãng phí. Sau khi Báo Thanh Niên có loạt bài về lãng phí kho bãi, bản thân các cơ quan chức năng của thành phố và kể cả Bộ Tài chính phải tập trung làm quyết liệt. Không phải khi các bạn lên tiếng, chúng tôi mới làm. Nhưng rõ ràng, khi báo phản ánh thực trạng này, thì chúng tôi khẩn trương hơn trong việc kiểm tra, xử lý" - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Phạm Đình Cường.

- Trên thực tế, tại những khu đất, kho bãi lớn đều có sự đan xen, bố trí cho một số CBCNV vào ở. Trong số này có người ở thực sự hợp pháp, có hộ khẩu, thậm chí đã được cấp cả sổ đỏ… Phức tạp như thế nên Bộ Tài chính đã giao UBND TP, và TP đã giao cho Sở xây dựng, Tài chính lập phương án cụ thể để phân loại, xem xét xử lý; nếu có thể tiếp tục cho ở thì cấp sổ đỏ, giải quyết cho người dân được mua nhà theo Nghị định 61.

Chẳng hạn như tại khu đất 500m2 (số 19/19, Lạc Long Quân, Q.Tân Bình – PV), chúng tôi sẽ xem xét theo hướng nếu là khu riêng biệt thì đề nghị cho phép trở thành khu dân cư. Nếu bắt buộc phải di chuyển thì bố trí nhà ở tái định cư. Chúng ta phải tạo điều kiện cho các hộ dân theo hướng để họ đỡ khó khăn nhất, ít di chuyển, ít xáo trộn cuộc sống của họ. Chúng tôi đã bàn với TP, không chỉ riêng khu này mà khi xử lý 1.921 cơ sở nhà đất T.Ư đóng trên địa bàn, thì TP và Bộ Tài chính sẽ tạo ra một quỹ nhà ở để tái định cư cho các hộ dân đang sống trong các cơ sở đó, trên nguyên tắc không gây khó khăn cho người dân. Nếu có thể được thì bố trí tái định cư tại chỗ. 

* Tình trạng lãng phí kho bãi báo chí đã nói nhiều, nhưng đến nay việc xử lý vẫn quá chậm, gây lãng phí lớn cho xã hội. Quan điểm ông về vấn đề này ra sao?

- Đúng vậy, đó là một sự lãng phí. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do cơ chế quản lý chính sách của chúng ta còn lỏng, chậm sửa đổi, như giá thuê đất quá thấp. Chứ nếu giá thuê đất cao thì các đơn vị được giao không dám bỏ trống. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng chậm xử lý. Biết là chậm nhưng chúng tôi cũng phải xử lý sao cho có lý, có tình… Để giải quyết tình trạng kho bãi sử dụng lãng phí, sai mục đích, từ kiến nghị của UBND TP.HCM và một số tỉnh trong cả nước, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng giá thuê đất phải được áp theo giá thị trường. Có như vậy mới giải quyết được tận gốc của vấn đề. 

6 mặt bằng, kho bãi bị thu hồi cuối tuần qua gồm: Nhà đất số 281 Bến Bình Đông (P.11, Q.8), diện tích 700m2; nhà đất số 557 Bến Bình Đông (P.13, Q.8): 1.800m2 (số tròn); nhà đất số 641 Bến Bình Đông (P.13, Q.8): 4.700m2; nhà đất số 1724 Phạm Thế Hiển (Q.8): 2.100m2 (cả 4 mặt bằng, kho bãi trên do Công ty lương thực TP.HCM thuộc Tổng công ty lương thực miền Nam quản lý); nhà đất số 442 Phạm Thế Hiển (P.4, Q.8) do Tổng công ty xây dựng Sài Gòn quản lý, diện tích gần 1.000m2 (không bao gồm phần diện tích đã bố trí cho CBCNV làm nhà ở); nhà đất số 19/19 Lạc Long Quân (P.19, Q.Tân Bình), do Tổng công ty thép Việt Nam quản lý, diện tích 8.800m2.

Đối với phần diện tích đất khoảng 500m2 tại số 19/19 đã được Công ty thép miền Nam (nay là Tổng công ty thép VN) bố trí cho 18 hộ gia đình, UBND TP.HCM giao các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục bàn giao, tiếp nhận khu nhà ở và xử lý theo quy định hiện hành.

Theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, Thường trực Ban chỉ đạo 09 TP.HCM, tất cả mặt bằng, kho bãi sau khi thu hồi được dành để xây dựng nhà ở xã hội, công viên cây xanh, trường học và chung cư phục vụ tái định cư cho các hộ sống ven, trên kênh rạch...

             Minh Nam (thực hiện) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.